25/12/2023 06:00 GMT+7

Nên chăng cứ lạnh là đi tầm soát đột quỵ?

Mùa lạnh, có nên đi tầm soát đột quỵ? Thực hư các gói tầm soát chuyên sâu như chụp cộng hưởng từ (MRI), CT-scan rao rằng có thể phòng ngừa được đột quỵ?

Không nên chụp chiếu MRI quá nhiều lần trong năm khi không có chỉ định của bác sĩ - Ảnh: NAM TRẦN

Không nên chụp chiếu MRI quá nhiều lần trong năm khi không có chỉ định của bác sĩ - Ảnh: NAM TRẦN

Thời tiết các tỉnh phía Bắc những ngày qua liên tục trở lạnh khiến số bệnh nhân nhập viện do đột quỵ gia tăng. Cùng với đó là dịch vụ tầm soát đột quỵ ào ạt "nở rộ" với mức giá từ vài triệu đồng đến chục triệu đồng.

Rầm rộ quảng bá tầm soát đột quỵ

Mới đây, một người nam 34 tuổi bỗng dưng đột quỵ não khi đang chơi bóng bàn với đồng nghiệp sau giờ làm việc. May mắn, anh được đồng nghiệp kịp thời đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Thời gian vừa qua, cũng không ít những trường hợp thanh niên chưa đến 40 tuổi bị đột quỵ. Chính vì đột quỵ xảy ra nhanh, khó nhận biết trước nguy cơ cảnh báo, do vậy nhiều người lo ngại mình cũng sẽ gặp cơn đột quỵ bất kỳ lúc nào.

Đặc biệt thời gian gần đây, khi thời tiết trở lạnh, số người nhập viện do đột quỵ gia tăng làm nhiều người lo lắng hơn.

Đánh vào tâm lý người dân có nhu cầu tầm soát đột quỵ, các nơi nở rộ dịch vụ tầm soát đột quỵ với đủ các gói khác nhau. Nhiều phòng khám quảng cáo ba gói tầm soát đột quỵ cho người dân có nhu cầu với giá dao động từ 3 đến 12 triệu đồng.

Cụ thể, một phòng khám tại TP.HCM quảng cáo gói tầm soát đột quỵ cơ bản thường gặp dành cho mọi đối tượng với giá hơn 3 triệu đồng, gói tầm soát đột quỵ nâng cao dành cho người có yếu tố nguy cơ (hơn 5 triệu đồng) và gói tầm soát đột quỵ chuyên sâu (giá hơn 12 triệu đồng).

Các hình thức tầm soát này có thể thực hiện ngay tại nhà hoặc phòng khám bằng cách làm các xét nghiệm máu, siêu âm, chụp MRI não, đo điện tim, đo khí hô hấp…

Một bệnh viện tại Hưng Yên cũng quảng cáo có thể tầm soát đột quỵ cho người dân với lời nhắn: "Đột quỵ hay tai biến mạch máu não dễ xuất hiện và tái phát hơn khi trời lạnh bởi khi nhiệt độ xuống thấp. Đây chính là lúc hệ tim mạch hoạt động khó khăn hơn, mạch máu co thắt, cơ thể giữ nước… từ đó có thể làm huyết áp tăng cao đột ngột gây nên các tai biến".

Đơn vị này khuyến cáo nên đến bệnh viện để tầm soát đột quỵ, trong quá trình tầm soát người bệnh sẽ được xét nghiệm máu, nước tiểu, các chỉ số tổng quát và bệnh lý, đường huyết, mỡ máu, chức năng gan - thận, acid uric, siêu âm tim mạch, điện tim, điện não... và chụp cộng hưởng từ MRI não - mạch não nhằm "giúp khảo sát toàn bộ sọ não, mạch máu não tầm soát và phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ".

Giá cả tùy thuộc vào từng bệnh lý mà người bệnh mắc phải.

Từng chứng kiến cảnh người thân trong gia đình đột quỵ, anh Chiến (35 tuổi, Hà Nội) luôn sợ hãi và lo rằng mình cũng sẽ gặp cơn đột quỵ như vậy.

"Sau sự cố đến với gia đình, vừa rồi tôi cũng tự đi tầm soát, kết quả sức khỏe bình thường", anh Chiến chia sẻ.

Có thực sự hiệu quả?

Theo các chuyên gia, những người khỏe mạnh "bỗng dưng" đột quỵ có xảy ra nhưng con số này là rất ít. Trong khi đó, các chuyên gia nhận thấy người đột quỵ thường có bệnh lý nền kèm theo như huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol máu…

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuyến - phó viện trưởng Viện thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), người dân quan tâm đến tầm soát đột quỵ là sự quan tâm đến sức khỏe một cách tích cực.

"Tuy nhiên, đây không phải bệnh lý mà tất cả mọi người đều cần tầm soát. Việc thực hiện các xét nghiệm, kỹ thuật không cần thiết sẽ gây tốn kém tiền bạc. Việc tầm soát đột quỵ nên do bác sĩ chuyên khoa chỉ định, dựa trên từng cá thể cũng như việc đánh giá nguy cơ của từng người bệnh", bác sĩ Tuyến nhận định.

PGS Nguyễn Huy Thắng - chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM - cho rằng người nên thực hiện tầm soát đột quỵ là người trên 50 tuổi hoặc trẻ hơn nếu đang có yếu tố nguy cơ kèm theo.

Việc tầm soát nhằm tìm các yếu tố nguy cơ mà người bệnh không phát hiện trước đó như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol máu, hút thuốc lá hoặc sử dụng chất gây nghiện, béo phì...

"Việc làm quá nhiều các gói tầm soát gây tốn kém, không mang lại hiệu quả, đặc biệt khi áp dụng trên phổ rộng những người khỏe mạnh hoàn toàn. Bên cạnh đó, chụp MRI sọ não chỉ nhằm vào nhóm nguy cơ cao, nếu áp dụng sàng lọc rộng rãi sẽ không cần thiết.

Ngoài ra, hầu hết trường hợp đột quỵ đều có nguyên nhân do có bệnh nền trước đó. Rất hiếm khi đột quỵ xảy ra trên một người không có bệnh lý nền nào trước đó", bác sĩ Thắng cho hay.

Với những người lo ngại bị đột quỵ sẽ được các bác sĩ thăm khám, tùy từng đối tượng, phân loại nguy cơ mà chỉ định tầm soát ở mức độ như thế nào, phụ thuộc vào từng người.

Ví dụ có bệnh nhân chỉ cần tầm soát ở mức độ cơ bản nhưng có những bệnh nhân cần tầm soát chuyên sâu, chứ không phải tất cả mọi người đều cần thực hiện một gói tầm soát đột quỵ như nhau.

Coi chừng tầm soát bị đánh giá sai

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuyến, tầm soát đột quỵ cần được thực hiện bởi cơ sở có đủ trang thiết bị, đồng thời có chuyên gia về đột quỵ. Đối với những cơ sở không có chuyên môn có thể đánh giá sai nguy cơ, bỏ qua các dấu hiệu, gây tốn kém cho người bệnh.

Theo các bác sĩ, đột quỵ có thể dự phòng bằng cách ngăn ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Như điều trị rối loạn lipid máu, kiểm soát đường huyết, kiểm soát trị số huyết áp...

Bên cạnh đó, mỗi người cần duy trì tập luyện, vận động nhẹ nhàng, xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế chất kích thích để cơ thể khỏe mạnh.

Đừng lầm tưởng về quảng cáo tầm soát đột quỵĐừng lầm tưởng về quảng cáo tầm soát đột quỵ

Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam Nguyễn Huy Thắng cảnh báo hiện nay có nhiều người dân nhầm lẫn giữa điều trị - phòng ngừa đột quỵ với các "chiến dịch" tầm soát đột quỵ đang được quảng cáo rầm rộ như chụp MRI, CT-scan, xét nghiệm gene…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên