19/11/2023 08:26 GMT+7

Bệnh nhi có bảo hiểm sao phải mua từng ống bơm, cái kim?

Con tôi bị ho nhiều và sốt nên gia đình đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ và được chỉ định nhập viện. Đáng nói là, dù có bảo hiểm nhưng tôi phải chi trả nhiều khoản.

Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ luôn trong tình trạng quá tải, bệnh viện kê thêm giường ở hành lang cho bệnh nhi nằm - Ảnh: T.LŨY

Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ luôn trong tình trạng quá tải, bệnh viện kê thêm giường ở hành lang cho bệnh nhi nằm - Ảnh: T.LŨY

Điều dưỡng cho hay khoa hô hấp đã kín giường nên cho con tôi vào nằm ở khoa sốt xuất huyết. Khi lên đây, tôi cũng thấy rất nhiều bé bị viêm phổi nằm chung tại khoa này.

Con tôi có bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng vừa làm thủ tục nhập viện, các điều dưỡng đã đưa cho tôi toa thuốc ghi các thứ phải mua: 60 cái ống bơm, 30 cái kim rút, 3 cái nút kim luồn, cuộn keo vải... và giải thích là để tiêm và truyền kháng sinh mỗi ngày ba lần, do bệnh viện đã hết các loại này.

Đến khi ra viện, chỉ dùng hơn nửa số kim tiêm và ống bơm, số còn dư lại tôi chẳng biết dùng làm gì!

Phòng bệnh không đủ chỗ nằm, phải nằm ghép đôi, ghép ba trẻ/giường bệnh, các con rất khó ngủ yên.

Vậy là tôi cùng nhiều gia đình khác dẫn con ra ngoài thuê phòng ở gần cổng bệnh viện và chịu khó qua lại bệnh viện mỗi khi tiêm thuốc (khi bệnh tình không quá nặng). Chúng tôi thắc mắc vì sao ba bé chung giường nhưng phiếu thanh toán khi xuất viện vẫn ghi mỗi bé một giường?

Thang máy bệnh viện không có nút bấm đi xuống mà chỉ được bấm ở chiều đi lên. Vì vậy việc di chuyển của người nhà và bệnh nhi rất khó khăn... Tôi mong bệnh viện cải tiến sao cho bệnh nhi có BHYT được khám chữa bệnh thuận lợi nhất.

Bạn đọc Hồng Dân (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)

● Phản ảnh của bạn đọc Hồng Dân được bác sĩ Nguyễn Phát Nguyên - phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - trả lời như sau:

Trước hết bệnh viện chia sẻ với những khó khăn của gia đình bệnh nhi trong lúc bé điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Cũng mong rằng phụ huynh cùng chia sẻ khó khăn với bệnh viện trong việc thiếu thuốc, vật tư y tế cũng như quá tải bệnh viện trong thời điểm hiện nay.

Việc yêu cầu người nhà đi mua vật tư y tế bên ngoài như phản ảnh là đúng, do thời điểm này số vật tư dự trù thầu cũ đã hết.

Bệnh viện đang trong thời gian trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu rộng rãi cho gói thầu tiếp theo và mua sắm một vài gói thầu nhỏ để sử dụng tạm nhưng chưa có. Việc nhân viên kê toa cho người bệnh mua dư số lượng sử dụng chỉ do dự trù để người bệnh không phải mua lắt nhắt nhiều lần, số còn dư có thể trả lại nhà thuốc. Vấn đề này bệnh viện cũng sẽ rút kinh nghiệm cho nhân viên, nếu có mua thì kê toa đủ số lượng sử dụng.

Còn về vấn đề nằm ghép đôi, ghép ba là trong một số thời điểm bệnh viện quá tải do bệnh theo mùa, bệnh nhi quá đông.

Hiện tại đang mùa bệnh tay chân miệng, hô hấp nên số trẻ nhập viện luôn nhiều hơn số giường. Bệnh viện có 600 giường (theo kế hoạch), hiện nay đã thực kê thêm lên thành 1.038 giường nhưng bệnh nội trú có lúc lên 1.200 - 1.300 bệnh nhi nên có lúc phải nằm ghép.

Bệnh sốt xuất huyết đã giảm, khoa khác đông bệnh như hô hấp được bố trí lên nằm tại khoa sốt xuất huyết, bệnh viện cũng chia phòng để tránh lây chéo.

Việc thanh toán tiền giường, trong trường hợp này nhân viên khoa có nhập thanh toán nhầm 1 bé/giường (thực tế nằm 2, 3 bé/ giường) do bệnh quá đông không kiểm soát hết.

Đến kỳ thanh quyết toán, BHYT cũng chỉ thanh toán cho bệnh viện đúng số giường thực kê, chứ không thanh toán số giường bệnh vượt hơn. Bệnh viện không được hưởng lợi từ việc thanh toán số giường vượt số thực kê.

Đối với việc khóa thang máy chiều đi xuống từ các lầu trên, chủ trương của bệnh viện nhằm hạn chế các bậc cha mẹ khi cho con nhập viện, đang vô thuốc, nước biển lại ẵm đi xuống dưới chơi, rất nguy hiểm.

Đồng thời do số lượng thang máy hạn chế, nên thường bệnh nhân cần vận chuyển rất đông, khóa một chiều để ưu tiên chuyển bệnh từ các tầng dưới lên trên.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng vẫn ào ạt đổ về TP.HCM điều trịBệnh nhi mắc tay chân miệng vẫn ào ạt đổ về TP.HCM điều trị

Các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP.HCM đang 'gánh' số lượng lớn bệnh nhi mắc tay chân miệng độ nặng ở tỉnh đến điều trị (chiếm khoảng 70%). Phần lớn là do phụ huynh lo lắng trẻ chuyển nặng, tự đưa trẻ đến bệnh viện tuyến trên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên