22/03/2020 09:46 GMT+7

Bảo vệ nhân viên y tế ra sao để khỏi lây nhiễm corona?

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Khi những thông tin đầu tiên về nữ điều dưỡng Đ.T.T.H. ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) dương tính với virus corona được thông báo, mọi người đều tỏ ra lo lắng và yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ đối với đội ngũ nhân viên y tế...

Bảo vệ nhân viên y tế ra sao để khỏi lây nhiễm corona? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế làm việc trong khu cách ly Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Lý do bởi họ chính là những "chiến sĩ tuyến đầu" phòng chống dịch.

Tôi nhận được nhiều tin nhắn lắm, mọi người nhắn hỏi có ổn không, có bị cách ly không... Chúng tôi vẫn ổn và lạc quan, mình có kiến thức, có kinh nghiệm phòng chống bệnh dịch, tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bác sĩ LÊ THÀNH (Bệnh viện Bạch Mai)

Không lo lắng sao được khi Việt Nam đã có 2 nhân viên cùng lúc nhiễm bệnh, trong khi môi trường bệnh viện rất dễ lây và nguy hiểm vì lúc nào cũng tập trung đông người, nhiều người đang ốm yếu, lớn tuổi, nguy cơ cao...

Chống lây nhiễm nhân viên y tế

Tân giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn cho biết từ sau khi có những dấu hiệu có nhân viên y tế đầu tiên của bệnh viện nhiễm bệnh, toàn bộ Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã được đóng cửa, chuyển bệnh nhân đang điều trị sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới gần đó, 150 bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên của Trung tâm Bệnh nhiệt đới được cách ly tập trung tại khu riêng nằm trong Bệnh viện Bạch Mai.

Từ khu cách ly, bác sĩ Đỗ Duy Cường, giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, cho biết bác sĩ đi cách ly đến 21-3 là ngày thứ 3, kết quả xét nghiệm đã âm tính và toàn bộ nhân viên của trung tâm cũng âm tính, ngoại trừ 2 nữ điều dưỡng nhiễm bệnh.

"Thở phào nhẹ nhõm, mọi người hãy bình tĩnh và sát cánh bên nhau, chắc chắn chúng ta sẽ ngăn được đại dịch" - bác sĩ Cường viết.

Nữ điều dưỡng Đ.T.T.H., một trong hai nữ điều dưỡng nhiễm bệnh, là nhân viên đón tiếp tại khu vực sàng lọc bệnh nhân nghi mắc COVID-19, tuy nhiên thông tin từ Bộ Y tế cho hay điều dưỡng H. và đồng nghiệp không phải lây bệnh từ bệnh viện, mà nguồn lây từ bên ngoài.

Mặc dù vậy nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện trong thời gian tới hoàn toàn có thể xảy ra, bởi sàng lọc tại bệnh viện là 1 trong 3 nguồn có khả năng phát hiện bệnh nhân. Nếu tiếp xúc, thăm khám không đảm bảo an toàn thì nguy cơ ấy rất dễ thành hiện thực.

Khi đó sẽ là thảm họa bởi lực lượng nhân viên y tế đã ít ỏi, mỗi khi có đồng nghiệp nhiễm bệnh thì cách ly tất cả 14 ngày, nếu nhiều đơn vị xảy ra tình trạng có nhân viên y tế nhiễm bệnh thì nguy cơ thiếu hụt bác sĩ, thiếu hụt nhân viên y tế ngay trong đại dịch là điều dễ hiểu.

Chính vì thế dù đã có kịch bản chung, kịch bản riêng của từng bệnh viện, các bệnh viện hiện vẫn đang chuẩn bị dự trữ thêm thiết bị, đồ bảo hộ.

Theo ông Tuấn, Bệnh viện Bạch Mai sẽ dự trữ tới 3 triệu chiếc khẩu trang y tế và ngay từ trước khi ở đây có nhân viên y tế nhiễm bệnh, các bác sĩ, điều dưỡng đã phải thực hiện nghiêm quy trình bảo hộ: tăng số lượng khẩu trang sử dụng hằng ngày, thường xuyên sử dụng đủ trang phục bảo hộ, gồm găng tay, mũ, khẩu trang, kính... trong toàn bộ thời gian làm việc ở bệnh viện, thay vì chỉ sử dụng trong thời gian tiếp xúc với bệnh nhân như trước đây.

"Đeo khẩu trang suốt ngày làm chúng tôi cảm thấy thở có khó khăn hơn, việc đeo găng tay liên tục trong khi găng có bột làm khô da... Nhưng những điểm khó khăn đó chỉ là rất nhỏ, chúng tôi đang tuân thủ đúng yêu cầu của Bộ Y tế, của ngành để đảm bảo chống lây nhiễm sang nhân viên y tế" - một bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

Bảo vệ nhân viên y tế ra sao để khỏi lây nhiễm corona? - Ảnh 3.

Các cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm (dịch họng và dịch mũi) của người nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Nội Bài - Ảnh: NAM TRẦN

Tuân thủ nghiêm ngặt quy định

Trong mùa dịch này, ngay tại Vũ Hán, Trung Quốc đã có xấp xỉ 2.000 nhân viên y tế bị lây bệnh, nhiều người đã tử vong, trong đó có cả những bác sĩ trẻ (bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên phát hiện những bất thường của căn bệnh này, qua đời ở tuổi 34). Tại Ý cũng đã có những bác sĩ tử vong.

Và tại Việt Nam, việc phải cách ly trong 14 ngày với 150 thầy thuốc, tạm đóng cửa cả một trung tâm điều trị có hàng trăm giường bệnh cho thấy nếu không thật cảnh giác, phòng chống dịch bệnh một cách sát sao thì lây nhiễm rất dễ xảy ra.

Vì thế, ngoài những biện pháp phòng chống đã áp dụng, trong đó có việc trang bị bảo hộ, chỉ những thầy thuốc có kinh nghiệm nhất mới được chọn tham gia làm việc ở khu vực dễ lây nhiễm.

Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương... đều đã thực hiện quy tắc này, nhưng Bộ Y tế đã yêu cầu nâng 1 cấp độ đối với phòng lây nhiễm trong bệnh viện.

Cụ thể, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện, sở y tế hạn chế tổ chức hội nghị, hội thảo tập trung, cân nhắc thay đổi hình thức giao ban, hạn chế số lượng người tham dự giao ban bệnh viện, giao ban khoa phòng để chuyển sang làm việc trực tuyến, đồng thời yêu cầu khoảng cách giữa các giường bệnh đảm bảo 2m trở lên và tăng cường đặt hẹn khám bệnh để giảm số người chờ khám.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đã có hướng dẫn gửi các bệnh viện, yêu cầu khi khám và điều trị cho bệnh nhân cần điều trị dài ngày thì căn cứ vào tình hình thực tế, trong thời điểm chống dịch kê đơn thuốc không quá 3 tháng cho bệnh nhân, cơ sở khám chữa bệnh cũng phải cung cấp số điện thoại để người bệnh có thể liên hệ ngay khi cần, bệnh viện cũng phải dự trữ đủ thuốc men, đặc biệt lưu ý các thuốc tim mạch, tiểu đường, huyết áp, trang bị đủ trang phục chống dịch, đồ bảo hộ cá nhân cho thầy thuốc.

Đã có những lo lắng không nhỏ cho sự an toàn của các thầy thuốc đầu mùa dịch này, bởi có những bệnh viện gặp khó khăn khi mua khẩu trang, trang phục bảo hộ do giá tăng cao, bệnh viện không thể mua được với giá đã ký hợp đồng trước đó, có bệnh viện đã phải phát những khẩu trang loại mỏng hơn bình thường, thậm chí phát khẩu trang vải cho nhân viên y tế.

Nhưng trong cuộc gặp cuối tuần trước với các đơn vị sản xuất khẩu trang, trang phục bảo hộ, Bộ Y tế đã tháo gỡ các khó khăn này, yêu cầu kiểm định và trả kết quả trong vòng 2 ngày cho doanh nghiệp, để các nhà máy sản xuất sớm đáp ứng nhu cầu 30 triệu khẩu trang y tế vào cuối tháng 3.

Trở lại với bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai, nơi có nhiều nguy cơ và đã có thầy thuốc nhiễm bệnh, họ vẫn đang tuân thủ những quy định ngặt nghèo, phải đeo khẩu trang, đội mũ, đeo găng tay cả ngày, nhưng họ vẫn lạc quan, rồi dịch sẽ qua đi...

Nhân viên y tế cần được bảo vệ

unnamed vvd (read-only)

Nhân viên vận chuyển bệnh nhân mặc trang phục bảo hộ tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VIỆT DŨNG

Cơ quan y tế thành phố New York, Mỹ đã công bố các hướng dẫn liên quan tới COVID-19, trong đó nêu rõ một nhân viên y tế biết được mình "phơi nhiễm nguy cơ cao với một người mắc COVID-19" nên "được chăm sóc thêm để theo dõi sức khỏe, nhưng vẫn có thể tiếp tục làm việc".

Theo hướng dẫn, "không cần cách ly 14 ngày với các nhân viên y tế" trong trường hợp như vậy.

Một số chuyên gia y tế cho rằng lời khuyên trên có nguy cơ làm gia tăng sự lây lan dịch bệnh bên trong các bệnh viện. Tuy nhiên, theo một người phát ngôn của Cơ quan y tế thành phố New York, các bệnh viện ở New York dự kiến tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân, "cần duy trì các cấp nhân viên để hỗ trợ bệnh nhân tốt nhất".

Theo Đài ABC News, giới chuyên gia y tế Mỹ đang tiếp tục thảo luận cách bảo vệ tốt nhất những "người che chở" cho nước Mỹ giữa thời điểm cần họ nhất.

Vấn đề này bảo vệ cho các bác sĩ tham gia chống dịch cũng đang nóng tại châu Âu, sau khi bác sĩ nổi tiếng ở Ý Roberto Stella tử vong do mắc COVID-19 khi làm việc trong điều kiện thiếu trang thiết bị bảo hộ.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho rằng châu Âu đang mắc những lỗi giống như Vũ Hán trong giai đoạn đầu chống dịch, trong đó tình trạng thiếu trang thiết bị bảo hộ đã khiến hàng ngàn y bác sĩ nhiễm bệnh và ít nhất 46 nhân viên y tế đã tử vong. "Chúng ta cần bảo vệ nhân viên y tế" - Ngô Đông, bác sĩ khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Hiệp Hòa, Bắc Kinh, đánh giá.

BÌNH AN

* Bác sĩ Nguyễn Tri Thức (giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy):

Phải kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt

Việc 2 nhân viên y tế ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mắc COVID-19 là một sự cố đáng tiếc. Là người trong cuộc, cá nhân tôi rất chia sẻ với khó khăn hiện tại của bệnh viện. Có một thực tế là nguồn lây nhiễm không chỉ ở trong bệnh viện, mà ở "tám phương, mười hướng" khác từ bên ngoài.

Với góc độ là quản lý bệnh viện đã điều trị thành công cho hai ca bệnh COVID-19 đầu tiên ở VN, theo tôi, để tránh nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên, bệnh viện phải có một quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, cách ly theo đúng quy định.

Khi đã có quy trình này, việc diễn tập phải được thực hiện thường xuyên (kể cả lúc không có dịch) để có kinh nghiệm, đồng thời nâng cao cảnh giác cao độ cho cán bộ nhân viên, nhất là khoa cấp cứu và khoa khám bệnh.

Trong trường hợp có dịch, các quy trình về bảng biểu, màu sắc chữ, phát loa, phiếu sàng lọc hai bước... ở khu sàng lọc phải được thực hiện nghiêm túc nhằm giảm nguy cơ "lọt" bệnh nhân mắc COVID-19 lên các khu vực khác.

Ngoài ra, việc bố trí phòng cách ly phải hợp lý, thời gian qua chúng tôi luôn tuân thủ việc tập trung bệnh nhân theo hình thức "một cửa" như Bộ Y tế quy định.

Mặc dù triển khai nghiêm túc tất cả các biện pháp nhưng với cường độ tiếp nhận, chăm sóc bệnh nhân một ngày rất lớn như hiện nay, quả thực chúng tôi không thể dám chắc là nhân viên của mình tuyệt đối không bị nhiễm bệnh.

Do vậy, các giải pháp này là điều kiện cần để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế; cho người bệnh đang điều trị và người tiếp xúc gần với người bệnh.

* Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang (khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy):

Lập mô hình đội nhóm khi chăm sóc người bệnh

Phải khẳng định rằng trong môi trường bệnh viện phải tiếp xúc với vô số nguồn có thể lây bệnh khác nhau, nguy cơ nhiễm bệnh ở nhân viên y tế là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, tôi cho rằng khi chăm sóc, điều trị các bệnh nhân nhiễm dịch có khả năng lây lan cao như COVID-19, nhân viên y tế phải tuân thủ tuyệt đối quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn đề ra.

Trong quá trình chăm sóc và điều trị cho hai bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên ở VN, chúng tôi làm việc theo mô hình đội nhóm, tức là 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng hoặc 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng và 1 nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn.

Theo đó, khi sử dụng các phương tiện phòng hộ, người này có thể quan sát người kia nhằm hỗ trợ cho nhau các thao tác chậm, chắc, kỹ và đúng chuẩn hoặc có thể nhắc nhở nhau về các nguy cơ bất ngờ ập đến trong chăm sóc, điều trị.

Đặc biệt, khi tiếp xúc với người bệnh, tôi thường đặt ra nhiều tình huống có thể xảy ra, từ đó có dự liệu phù hợp. Ví dụ như khi phết họng lấy mẫu bệnh phẩm, tôi tuyệt đối không đứng đối diện trước mặt người bệnh mà chọn góc đứng phía sau cùng chiều để tránh các cơn ho, hắt hơi (nếu có) bắn dịch tiết vào mặt.

Ngoài các yêu cầu chuyên môn, trong quá trình thăm khám, điều trị bệnh nhân COVID-19, theo tôi, nhân viên y tế phải tuân thủ các nguyên tắc chung được WHO, Bộ Y tế khuyến cáo như hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng hô hấp; khi tiếp xúc phải mang khẩu trang y tế và giữ khoảng cách an toàn.

HOÀNG LỘC ghi

Nữ bệnh nhân nhiễm virus corona nhổ nước bọt vào nhân viên y tế Nữ bệnh nhân nhiễm virus corona nhổ nước bọt vào nhân viên y tế

TTO - Trên đường được chuyển đến Trung tâm Y tế Daegu, Hàn Quốc, một bệnh nhân nhiễm virus corona mới ở nước này đã nhổ nước bọt vào nhân viên y tế.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên