Khi các trò bịp, đánh lừa không còn mang mục đích vui đùa như ngày "cá tháng tư" mọi người biết mà để gây hậu quả "tiền mất tật mang" như vụ giảm béo mới đây cùng nhiều trò lừa bịp khác cùng xuất hiện và "có đất sống" thì việc xem xét lại mọi ngóc ngách của vấn đề không phải chuyện thừa và không phải của riêng ai.
Đặt vấn đề về vai trò của các cơ quan chức năng, đòi hỏi phải có nhiều biện pháp chặn đứng vấn nạn này, chế tài mạnh mẽ hơn nữa là xác đáng. Nhưng thực tế khi có chế tài, tức đã có hành động lừa bịp, thì cũng đã có vô số nạn nhân "được vạ thì má đã sưng".
Thế nên, nói chuyện làm sao để mỗi người hạn chế tránh bị lừa bịp, tự bảo vệ mình cũng không phải chuyện lý thuyết hay cố ý đổ thừa trách nhiệm cho nạn nhân.
Điểm qua một vài chiêu lừa quảng cáo "tung hoành" thời gian qua, không khó để thấy chúng phi lý đến mức mắc cười nhưng vẫn đầy nạn nhân.
Những quảng cáo thuốc chẳng thấy ý kiến nào mang tính khoa học từ ngành y mà chỉ thấy người bán tự nói tốt, người được cho là đã trải nghiệm rằng "tôi mà khỏi thì ai cũng khỏi" liệu có đáng tin?
Những cảnh livestream chốt đơn lia lịa chèn vào bất cứ nội dung gì trên YouTube (có thể phát bất cứ lúc nào) mà lại có nội dung "ngay trong livestream này, gọi điện đến số abc, số lượng ưu đãi chỉ có ngày hôm nay..." sao có thể lừa được nhiều người đến vậy? Phi lý đến mắc cười là thế nhưng vẫn có nhiều người bị lừa thì tại ai?
Màn gọi điện yêu cầu chuyển tiền cũng đầy chiêu cũ rích như chuyển tiền để lo hàng ra khỏi sân bay từ nước ngoài gửi về, có "phi vụ" đến mấy triệu USD tiền mặt để trong thùng đi máy bay về mà cũng có người tin.
Rồi tin nhắn lừa dính đến pháp luật thì vô số, từ dính đến ma túy, rửa tiền, rồi phạt nguội vi phạm giao thông... mắc gì phải cung cấp số tài khoản?
Mới đây báo chí còn ghi nhận trường hợp bị lừa gần 800 triệu đồng mà theo hù dọa từ các đối tượng lừa đảo là để... chuyển cho công an làm chi phí điều tra. Trái khoáy không thể mà vẫn có người bị lừa thì tại ai?
Càng trái khoáy hơn khi số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam được cho là rất nhiều, khí thế phừng phừng "lên mạng đọc báo" cũng rất sôi nổi thì phải đặt câu hỏi rằng không biết là đã xem gì khi chuyện cảnh báo, cảnh giác trên không gian ấy cũng không hề thiếu?
Nhưng thôi, tất cả các chuyện kể trên thuộc về thế giới người lớn, kể nữa thì lại ra chiều "dạy khôn" (thật sự mọi người cũng rất ít chịu lắng nghe nhau, nhất là khi trên cõi mạng, mỗi người có thể cho mình là cả một thế giới).
Trong khi thực tế với sự phát triển chung, xu hướng buôn bán lành mạnh, đòi hỏi xuất xứ hàng hóa là một trong số các điều bắt buộc thì câu "hàng rẻ là hàng ôi" hay "tiền nào của nấy" ngày càng có vẻ đúng hơn, sao có người mãi bị lừa phỉnh?
Với trẻ vị thành niên, những hành vi tội phạm tấn công học đường gần đây, như vụ "chú chở đi thăm bố đang nằm viện", ngày càng nhiều thì xem ra việc trang bị những kiến thức an ninh - an toàn cho học sinh ngày càng cần thiết.
Được biết tại một số trường học hiện nay thi thoảng đã mời lực lượng công an đến trường chia sẻ, kể chuyện cảnh giác, nhận dạng các hành vi vi phạm pháp luật cho học sinh.
Tuy nhiên với việc lừa đảo gần như "chuyển biến" từng ngày, công tác này chắc rằng phải xem trọng trong thời gian tới.
Khi người lớn tăng cường kiến thức tự bảo vệ mình, trẻ nhỏ được tăng cường học hỏi cách tự bảo vệ mình, biến tướng "cá tháng tư" chắc không còn có thể xuất hiện hằng ngày cùng với rất nhiều nạn nhân nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận