Nữ sinh cấp II bắt bạn quỳ, đánh hội đồng và quay clip đưa lên mạng. Theo các chuyên gia, đây là những hành vi manh động của bạo lực học đường - Ảnh cắt từ clip
Đây là nhận định của nhiều chuyên gia trong hội nghị đánh giá thực trạng và giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực học đường diễn ra ngày 17-5.
Hội nghị do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội và Viện nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.
Một trong những điểm đáng quan tâm nhất là gia tăng các mâu thuẫn trên mạng xã hội dẫn đến các hành vi bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, quay clip ghi lại vụ việc phát tán trên mạng xã hội dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác.
Đại tá Phạm Mạnh Thường
Luật đủ, bạo lực vẫn gia tăng
Ông Bùi Văn Linh - phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT - đã điểm lại nhiều văn bản pháp luật liên quan tới phòng chống bạo lực học đường. Một số ý kiến cũng đồng ý với nhận định của phía Bộ GD-ĐT về việc đã có một hành lang pháp lý nhưng tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra phức tạp, trong đó có những vụ nghiêm trọng.
Đại tá Phạm Mạnh Thường, phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, bày tỏ mối lo đặc biệt về gia tăng bạo lực học đường. Theo ông Thường, do tác động mặt trái xã hội của các sản phẩm văn hóa độc hại và nguồn thông tin sai lệch, không lành mạnh trên mạng Internet, tình hình bạo lực học đường và vi phạm pháp luật tại các cơ sở giáo dục có diễn biến phức tạp và bạo lực học đường sẽ gia tăng, không chỉ về số vụ mà cả về tính chất, mức độ.
Ông Thường dẫn chứng những vụ việc nghiêm trọng như học sinh dùng hung khí đánh nhau, học sinh nữ đánh theo hội đồng, quay clip phát tán trên mạng xã hội.
Ngoài ra, còn có trường hợp học sinh hành hung thầy giáo, ngược lại thầy giáo lại dùng lời nói xúc phạm và vũ lực với học sinh. Theo thống kê, đối tượng tham gia bạo lực học đường phần lớn là học sinh cuối cấp THCS và THPT.
"Đây là lứa tuổi sinh lý các em có nhiều biến đổi, suy nghĩ bồng bột, thích tự mình giải quyết các mâu thuẫn và dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo. Thời gian gần đây, đa số vụ đánh nhau đều có tổ chức, đánh hội đồng, ghi hình đăng tải lên mạng xã hội để làm nhục nạn nhân.
Ngoài ra, các hành vi gần đây cũng táo bạo và manh động hơn thông qua việc dùng vũ khí khiến nạn nhân bị thương, tinh thần hoảng loạn, chấn động về tâm lý, thậm chí có trường hợp tử vong" - ông Thường tổng kết.
Ông Nguyễn Văn Hiển - ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng các quy định pháp luật đã có nhưng cần tường minh hơn. Từ những vụ việc xảy ra trong thực tế, đây là những điểm cần điều chỉnh, làm rõ.
Ông Hiển cũng cho rằng vấn đề cốt yếu dẫn tới gia tăng các vụ bạo lực, xâm hại không phải do thiếu luật mà do năng lực thực thi luật pháp không nghiêm.
Hội nghị đánh giá thực trạng và giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực học đường - Ảnh: V.HÀ
Trẻ em đang "đói" giáo dục gia đình
Cho rằng luật có đủ nhưng bạo lực vẫn gia tăng, chủ yếu do việc thực thi chưa tốt, ông Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - nhấn mạnh đến nguyên nhân giáo dục gia đình đang bị thả nổi.
Đồng ý với nhận định này, ông Triệu Thế Hùng - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng nhiều học sinh hiện đang bị "đói" giáo dục gia đình.
Theo ông Lâm, xu thế buông lỏng, bỏ mặc con cái do cha mẹ bận rộn hay cách giáo dục khắc nghiệt được xuất phát từ quan điểm truyền thống "thương cho roi cho vọt" đã khiến nhiều trẻ không được giáo dục những giá trị, kỹ năng cần thiết để sống lành mạnh, nhân hậu, không biết cách tự vệ.
Hơn thế, ám ảnh "roi vọt" cũng khiến nhiều đứa trẻ "thích nghi" với bạo lực. Gốc rễ của giáo dục phải là trong môi trường gia đình chứ không thể "trăm sự nhờ thầy", nhất là trong bối cảnh xã hội có nhiều tác động tiêu cực vào các gia đình, vào nhận thức, suy nghĩ của lớp trẻ.
Vì vậy, đã tới lúc cần phải xem xét có các điều khoản cha mẹ học sinh trong Luật gia đình, Luật bảo vệ trẻ em cũng như một số luật khác. Theo đó, khi xảy ra bạo lực học đường, cha mẹ phải chịu trách nhiệm thế nào.
Việc chống bạo lực với con cái cũng cần đưa vào quy định ràng buộc trách nhiệm của cha mẹ.
Kỷ luật một vài giáo viên không giải quyết được vấn đề
Nhìn lại vụ nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên, ông Trịnh Ngọc Thạch - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - thẳng thắn chia sẻ quan điểm: không nên cách chức một thầy hiệu trưởng vì xảy ra bạo lực trong trường.
Ông Thạch cũng cho rằng người đứng đầu ngành giáo dục cần phân tích sâu sắc và toàn diện những nguyên nhân để có giải pháp phòng ngừa, chứ nếu đi giải quyết sự vụ bạo lực cụ thể thì không biết cần bao nhiêu bộ trưởng mới đủ.
Ông Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng một phần nguyên nhân bạo lực học đường gia tăng là do giáo dục trong nhà trường còn nặng về kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên nhiệm vụ giáo dục con người.
Mặt khác, cuộc sống thực dụng chạy theo đồng tiền của một bộ phận xã hội đã đẩy ngã những giá trị quan trọng trong nhà trường, đạo đức của một bộ phận thầy cô giáo.
Hướng đến chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em
Thực hiện sáng kiến "Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học giai đoạn 2018 - 2022", Bộ GD-ĐT và Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác vào ngày 17-5 tại Hà Nội.
Thỏa thuận được ký kết có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo môi trường cho trẻ từ gia đình đến nhà trường được an toàn, lành mạnh. Theo biên bản ký kết, hai bên sẽ hợp tác triển khai một số nội dung, chương trình, hoạt động tại nhiều tỉnh, thành phố. Hai bên sẽ phối hợp đưa vào nhà trường những kiến thức, kỹ năng giúp giáo viên và học sinh ngăn chặn bạo lực đối với trẻ em trong trường học.
Hai bên sẽ phối hợp để giới thiệu phương pháp giáo dục tích cực cho đội ngũ giáo viên. Đối với học sinh, giáo dục thay đổi hành vi sẽ được đặc biệt chú trọng để giúp các em nhận biết nguy cơ bạo lực, từ đó nâng cao khả năng xử lý tình huống và tự bảo vệ mình khỏi bạo lực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận