Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng việc phòng chống bạo lực học đường phải đi vào hoạt động chuyên môn trong nhà trường phổ thông - Ảnh: VĨNH HÀ
Theo ông Phùng Xuân Nhạ, tình trạng phòng chống bạo lực học đường thời gian qua đã được quan tâm, riêng Bộ GD-ĐT cũng có nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Tuy nhiên bạo lực học đường vẫn gia tăng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, như do đặc điểm tâm lý lứa tuổi, do tác động tiêu cực của gia đình, xã hội, nhưng ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định ngành GD-ĐT phải xác định trách nhiệm và đi tiên phong trong việc tìm giải pháp giải quyết.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phùng Xuân Nhạ mong muốn các ý kiến tập trung vào những giải pháp thiết thực để "phòng hơn là chống". Ông Nhạ cũng nêu vấn đề về trách nhiệm liên quan tới cả các cơ sở đào tạo giáo viên trong việc tập huấn, đào tạo cho giáo viên các kiến thức, kỹ năng về tâm lý giáo dục, nghiệp vụ sư phạm để các nhà giáo trở thành nhà giáo dục chứ không chỉ là "thợ dạy" các môn học trong nhà trường.
Ông Nhạ cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của lãnh đạo các nhà trường, bao gồm cả hiệu trưởng, hiệu phó, tổng phụ trách và trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm… trong việc tìm ra các giải pháp để việc phòng chống bạo lực "không phải là phong trào mà đi vào hoạt động chuyên môn, không nghiêng về chống mà chú trọng đến phòng ngừa".
Trao đổi tại hội nghị, ông Bùi Văn Linh, phó vụ trưởng Vụ công tác học sinh sinh viên Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ đã ban hành đến 25 văn bản về phòng chống bạo lực học đường. Mới nhất ngày 16-4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có chỉ thị về việc tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục.
Theo ông Bùi Văn Linh, trong các văn bản chỉ đạo đã đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể. Ví dụ như thiết lập đường dây nóng phát hiện xử lý nhanh các vụ việc xảy ra, rà soát, có giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ học sinh đặc biệt, ngăn ngừa từ xa tình trạng bắt nạt và bị bắt nạt, thực hiện cam kết giữa các gia đình với nhà trường trong việc phối hợp ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường.
"Bộ GD-ĐT đã trao cho các trường sư phạm xây dựng chương trình bồi dưỡng cho giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý tại trường phổ thông, công việc này phải hoàn tất vào 30-12-2019", ông Linh cho biết.
Hội nghị đảm bảo an ninh, an toàn trường học phòng chống bạo lực học đường có sự tham gia của lãnh đạo ngành GD-ĐT của 63 tỉnh, các hiệu trưởng trường phổ thông, hiệu trưởng cơ sở đào tạo giáo viên, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý, công tác chủ nhiệm ở trường phổ thông và nhiều chuyên gia giáo dục.
Trao đổi tại hội nghị, PGS.TS tâm lý học Trần Thành Nam - Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng tình trạng bạo lực học đường diễn ra ở nhiều quốc gia, không riêng Việt Nam.
Ông đưa ra con số do UNECO cung cấp là hằng năm có 246 triệu trẻ em và người vị thành niên trên toàn thế giới là nạn nhân của bạo lực học đường. Trong đó ở Việt Nam có khoảng 22% trẻ từ 13-15 tuổi tham gia các cuộc ẩu đả, con số này ở nhiều nước là 30-40%.
Nhiều quốc gia đã có các giải pháp phòng chống bạo lực học đường và xây dựng môi trường học đường an toàn. Trong đó các giải pháp phòng ngừa đa dạng, như nâng cao tư duy phản biện cho học sinh, nâng cao giá trị tự trọng cho học sinh để hạn chế hành vi bạo lực, tổ chức cho cha mẹ học sinh cùng tham gia các chương trình giáo dục kỹ năng giúp trẻ phòng vệ, tổ chức các chương trình can thiệp tập trung cho các nhóm học sinh có nguy cơ cao sử dụng bạo lực...
Ông Trần Thành Nam cho rằng đó là những kinh nghiệm quốc tế mà Việt Nam nên tham khảo, học hỏi để xây dựng những giải pháp thiết thực hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận