19/07/2015 08:00 GMT+7

Báo động nước nhiễm mặn chưa từng có

HỮU KHOA - KHOA NAM
HỮU KHOA - KHOA NAM

TT - Đã có gần 2.000 ha đất sản xuất lúa hè thu của các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Châu Thành và TP Rạch Giá (Kiên Giang) bị thiệt hại nặng do nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Nhiều địa phương ở ĐBSCL đang điêu đứng vì nước nhiễm mặn bất thường, làm lúa chết, gia súc ngắc ngoải và con người khốn khổ. Trong ảnh: anh Trần Văn Tú (Hòn Đất, Kiên Giang) phải nhổ bỏ lúa chết vì ảnh hưởng của nước mặn - Ảnh: HỮU KHOA

Đợt hạn hán từ đầu tháng 7 đến nay hết sức bất thường trong suốt 15 năm qua.

Chưa kể những thiệt hại ở lĩnh vực chăn nuôi, sinh hoạt và đời sống của ít nhất 300.000 dân sinh sống tại Rạch Giá và các vùng phụ cận ở Châu Thành, Hòn Đất, Tân Hiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, nguyên nhân của đợt xâm nhập mặn lịch sử năm nay do mực nước ngọt ở thượng nguồn trên sông Cửu Long xuống thấp.

Ở một số nơi bị nhiễm mặn nhẹ, nông dân chỉ cần cấy giặm cho lúa dày, mật độ đều. Ở vùng nhiễm nặng như ấp Tân Điền, Hưng Giang, xã Mỹ Lâm (Hòn Đất), bà con nông dân phải thuê máy cày trục bỏ lúa chết, gieo sạ lại từ đầu.

Thậm chí như ở xã Bình An (huyện Châu Thành), bà con cày ải đất xong cả tháng nay vẫn chưa có nước ngọt để sạ lúa. Nhiều người nóng ruột thấy trời mưa đem lúa giống ra sạ cầu may đã bị mất trắng.

Nhiều nơi lúa sắp trổ đòng nhưng bị nhiễm mặn khiến cây lúa èo uột, làm chi phí phân thuốc tăng lên gấp đôi, gấp ba lần so với những năm trước.

“Tui đi làm mướn ở xa, canh con nước ngọt hằng năm về nhà tính sạ lúa. Nhưng chờ hơn tháng nay mà chưa thấy nước ngọt như mọi năm cho nên vài bữa nữa chắc đóng cửa nhà đi mần mướn tiếp, chứ ở nhà chờ nước hoài chắc chết đói” - ông Danh Tui, ngụ ấp An Phước, xã Bình An (huyện Châu Thành), bày tỏ.

Tương tự, gia đình bà Quỳnh Thị Kim Tuyền, ngụ ấp Tân Điền, xã Mỹ Lâm (Hòn Đất), cho biết thả nuôi 700 con vịt. Đàn vịt sắp tới ngày kêu lái vô cân mua uống phải nước mặn chết hết, ước tính tổng thiệt hại khoảng 40 triệu đồng.

Còn tại Rạch Giá, đợt xâm nhập mặn lịch sử đã để lại dấu ấn như một hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và đời sống, sản xuất, kinh doanh của trên 250.000 dân.

Ông Lê Xuân Hiền - phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn Kiên Giang - dự báo đợt mặn lịch sử này vẫn còn tiếp tục do lượng nước ngọt ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc thấp hơn cùng kỳ từ 0,3 - 0,7m, coi như năm nay không có nước lũ đổ về.

Hiện toàn bộ 18 cống ngăn mặn chạy dài từ Hòn Đất về tới Rạch Giá đều đã đóng kín để ngăn mặn, giữ ngọt nhưng vẫn chưa thể dự báo khả quan cho thời gian tới.

Mặn xâm nhập bất thường lần đầu tiên trong 20 năm qua

Ngày 18-7, ông Lê Phước Đại - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang - cho biết hằng năm xâm nhập mặn dứt điểm vào giữa tháng 5 thì năm nay đã gần cuối tháng 7 lại xảy ra tình trạng mặn xâm nhập bất thường sâu vào nội đồng.

Qua ghi nhận, mặn xuất hiện bất thường tại Hậu Giang từ ngày 7-7, đến ngày 18-7 mặn đã lấn sâu vào địa bàn của huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh, với độ mặn dao động từ 1,1‰ đến hơn 6‰.

Nước mặn đã xâm nhập theo kênh xáng Xà No hướng từ tỉnh Kiên Giang vào sâu địa phận thành phố Vị Thanh và tuyến kênh Quản Lộ Phụng Hiệp từ tỉnh Bạc Liêu vào địa phận huyện Long Mỹ và Phụng Hiệp.

Ông Cam Quang Vinh, chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết do tình hình mặn xâm nhập bất ngờ nên người dân địa phương gặp nhiều lúng túng.

Đây là lần đầu tiên trong 20 năm qua địa bàn huyện Phụng Hiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi xâm nhập mặn vào giữa mùa mưa.

LÊ DÂN

Chờ lấy nước từ xe bồn của Công ty Cấp nước Kiên Giang
Chờ lấy nước từ xe bồn của Công ty Cấp nước Kiên Giang
Người dân dùng can nhựa 20 lít chở nước về trữ khi TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang bị nước mặn tấn công
Người dân dùng can nhựa 20 lít chở nước về trữ khi TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang bị nước mặn tấn công
Người dân lấy nước tại một cái giếng cổ về sinh hoạt khi Rạch Giá cúp nước
Người dân lấy nước tại một cái giếng cổ về sinh hoạt khi Rạch Giá cúp nước
Trẻ em P.Vĩnh Thanh, Rạch Giá phụ gia đình lấy nước từ một điểm cho nước từ thiện về nhà sử dụng sau ba ngày cúp nước
Trẻ em P.Vĩnh Thanh, Rạch Giá phụ gia đình lấy nước từ một điểm cho nước từ thiện về nhà sử dụng sau ba ngày cúp nước
Ông Lê Xuân Hiền - phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn Kiên Giang - đo độ mặn trong nước tại đường ống cấp nước sinh hoạt cho dân là 1 - 1,1‰ vào sáng 16-7. Trong khi đó tiêu chuẩn độ mặn sử dụng nước sinh hoạt là 0,25‰
Người dân đi cấy lúa với bữa cơm trưa đạm bạc trước ruộng lúa bị nước mặn xâm nhập chết trắng đồng
Ông Mạch Văn To, ngụ tại P.Vĩnh Thông, TP Rạch Giá, cho biết nước mặn liên tiếp xâm nhập vào ruộng lúa gây thiệt hại nên ông chuyển sang trồng cây ăn trái
Ông Nguyễn Văn Thành, 48 tuổi, ngụ Hòn Đất, chặt bỏ bờ đậu bắp gần thu hoạch vì bị vàng lá sắp chết do nhiễm mặn
Người dân nhổ mạ từ nơi khác đến giặm vào những chỗ lúa chết do mặn xâm nhập
Nhiều loài cá nước ngọt chết trên ruộng do nước mặn xâm nhập
Nhiều nông dân tỉnh Kiên Giang phải bỏ lúa mới gieo sạ vì bị nước mặn xâm lấn làm lúa chết gần hết
Đàn vịt hơn 500 con sắp bán của chị Trần Thị Đo (Hòn Đất) chết gần hết vì uống phải nước mặn, gây thiệt hại gần 30 triệu đồng
Sáng 16-7, hồ chứa nước của Công ty TNHH MTV Cấp nước Kiên Giang hoạt động hết công suất vẫn không đủ nước cấp cho người dân TP Rạch Giá

 

HỮU KHOA - KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên