08/11/2020 06:03 GMT+7

Báo chí Mỹ gọi bà Kamala Harris là 'Người phá vỡ rào cản'

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Bà Kamala Harris, "phó tướng" của ông Joe Biden - đã làm nên lịch sử ngày 7-11 khi nữ thượng nghị sĩ gốc Nam Á này đã trở thành nữ phó tổng thống đắc cử đầu tiên trong lịch sử Mỹ.

Báo chí Mỹ gọi bà Kamala Harris là Người phá vỡ rào cản - Ảnh 1.

Bà Kamala Harris khi đi vận động tranh cử tại bang North Carolina - Ảnh: REUTERS

"Cuộc bầu cử này còn hơn cả vì Joe Biden hay tôi - bà Harris viết trên Twitter sau khi truyền thông Mỹ gọi tên cả hai như những người chiến thắng. Cuộc bầu cử này vì linh hồn của nước Mỹ và sự sẵn sàng chiến đấu vì nó. Chúng ta còn rất nhiều việc ở phía trước. Hãy sẵn sàng cho điều đó".

Chiến thắng truyền cảm hứng

Đài CNN ủng hộ Dân chủ đã đặt cho bà Harris một danh xưng đầy kiêu hãnh: "Người phá vỡ các rào cản".

"Có cảm giác như những cô gái da đen như em có thể tranh cử chức lớp trưởng, những cô gái da đen như em có thể tham gia những điều lớn lao trong đời như cô ấy", Paris Bond, một nữ sinh da màu 14 tuổi, nói với CNN hồi tháng 8.

Hai tháng sau đó, bà Elinor Earl, 77 tuổi, không giấu được sự xúc động khi thấy bà Harris bước lên sân khấu tại một cuộc míttinh ở Asheville, Bắc Carolina.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ thấy một phụ nữ da màu như mình vượt lên trên hàng ngũ lãnh đạo như Harris. Thật tuyệt vời vì cô ấy vẫn còn trẻ. Coi như cả đời này tôi không còn gì để tiếc nuối nữa sau khi được thấy cô ấy".

Là một phụ nữ da màu trong chính trường bị áp đảo bởi các chính trị gia nam giới da trắng, Harris - con của một người Mỹ gốc Jamaica và một người Mỹ gốc Ấn - đã liên tục phá vỡ rào cản, tạo nên những cái đầu tiên: chưởng lý đầu tiên của hạt San Francisco là người da màu, tổng chưởng lý đầu tiên của bang California là người da màu và giờ đây là nữ phó tổng thống đắc cử đầu tiên của nước Mỹ.

Báo chí Mỹ gọi bà Kamala Harris là Người phá vỡ rào cản - Ảnh 2.

Chiến thắng của bà Harris cũng giúp chồng, ông Douglas Emhoff, sẽ trở thành "đệ nhị phu quân" đầu tiên của nước Mỹ. Trong ảnh: ông Emhoff chia sẻ hình ảnh ôm bà Harris sau tin chiến thắng. "Thật tự hào về em", ông viết trên Twitter - Ảnh: TWITTERS

"Lưng thẳng như cây thông nòng súng"

Ở tuổi 56, bà Harris đang được nhiều người coi là ứng viên tổng thống sáng giá nhất của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2024. Ông Biden hiện nay đã 78 tuổi nên được dự báo sẽ chỉ làm một nhiệm kỳ.

Điều đó làm dấy lên nhiều hi vọng bà sẽ trở thành "nữ tổng thống đầu tiên" của nước Mỹ. Trước nhiều đồn đoán, bà Harris chọn cách im lặng.

Khi được hỏi thẳng trên chương trình "60 phút" của Đài CBS hồi tháng trước về việc nghĩ gì nếu một ngày nào đó bà Harris lên thay mình ngay trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Biden đã nhanh chóng nêu ra 5 lý do ông tin bà Harris sẵn sàng cho vị trí đó.

"Số 1, các giá trị mà cô ấy theo đuổi. Số 2, cô ấy thông minh như quỷ. Số 3, lưng cô ấy thẳng như cây thông nòng súng. Số 4, cô ấy rất nguyên tắc và số 5, cô ấy đã có vô vàn kinh nghiệm tại bang lớn nhất nước Mỹ khi điều hành cơ quan tư pháp tiểu bang có quy mô chỉ sau Bộ Tư pháp liên bang".

Việc làm tổng chưởng lý của California giúp bà Harris tạo dựng mối liên hệ với Beau, con trai của ông Biden, người giữ chức vụ tương tự ở bang Delaware và đã qua đời vào năm 2015 vì ung thư.

"Tôi biết Beau tôn trọng Kamala và công việc của cô ấy như thế nào, và điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với tôi, thành thật mà nói với bạn, khi tôi đưa ra quyết định này", ông Biden từng nói trong lần xuất hiện đầu tiên với Harris với tư cách là ứng viên phó tổng thống của Đảng Dân chủ.

Báo chí Mỹ gọi bà Kamala Harris là Người phá vỡ rào cản - Ảnh 3.

Bà Harris đã từng bắt bẻ ông Biden vì một chính sách ông ủng hộ khi còn làm thượng nghị sĩ nhưng điều đó không ngăn cản ông chọn bà làm ứng viên phó tổng thống, theo CNN - Ảnh: REUTERS

Đài CNN từng mô tả là khi đi vận động tranh cử, bà Harris luôn cười rất tươi nhưng khi làm việc tại Thượng viện, "công tắc công tố viên luôn ở trạng thái bật".

Các đoạn clip hồi năm 2017 quay cảnh bà Harris hỏi dí Bộ trưởng Tư pháp khi đó là Jeff Sessions trong một phiên điều trần về Nga đã được lan truyền gần đây. Những câu hỏi sắc bén và liên tục của bà Harris khiến ông Sessions phải thốt lên đầy bực tức: "Đừng có dồn tôi như vậy. Điều đó khiến tôi lo lắng".

Tình cảm đặc biệt dành cho mẹ

Trong lúc truyền cảm hứng cho nhiều người, với bà Harris, mẹ là người truyền cảm hứng vô tận cho bà. Harris lớn lên ở California nhưng thường xuyên đến Ấn Độ để thăm đại gia đình. Năm 12 tuổi, bà và em gái cùng mẹ chuyển đến Montréal của Canada, nơi người da trắng chiếm đa số.

Để nuôi dạy hai con nên người, bà Shyamala Gopalan Harris làm song song hai việc: vừa giảng dạy tại Đại học McGill vừa nghiên cứu bệnh ung thư vú tại một bệnh viện của người Do Thái.

Báo chí Mỹ gọi bà Kamala Harris là Người phá vỡ rào cản - Ảnh 4.

Bà Harris chụp ảnh cùng mẹ năm 2007 - Ảnh: AFP

"Mẹ đã nuôi nấng chị em tôi. Bà ấy rất cứng rắn và dù chỉ cao 1,5m, nếu bạn có gặp bà ấy, bạn chắc chắn sẽ nghĩ bà ấy cao tới 3m", bà Harris nói về người mẹ quá cố, người đã qua đời vào năm 2009.

Xuyên suốt quá trình vận động tranh cử, bà Harris không giấu những tình cảm dành cho mẹ, người đã từng dặn dò bà tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều người khác.

"Kamala, con có thể trở thành người đầu tiên trong nhiều việc, nhưng hãy luôn chắc chắn rằng con không phải là người cuối cùng".

Joe Biden 30 năm giấc mộng tổng thống Joe Biden 30 năm giấc mộng tổng thống Bà Kamala Harris: Người truyền cảm hứng từ những điều Bà Kamala Harris: Người truyền cảm hứng từ những điều 'đầu tiên' Twitter cảnh báo: Chưa nên gọi ông Biden là ‘tổng thống đắc cử’ Twitter cảnh báo: Chưa nên gọi ông Biden là ‘tổng thống đắc cử’
DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên