24/01/2023 17:20 GMT+7

Bánh Tết xứ Quảng: bánh tét, bánh nổ, bánh tổ, bánh in...

Bánh Tết của từng miền đất đều được làm từ gạo nếp, đậu xanh, đường mía... Những thơm thảo của đồng đất quê nhà như gom ngon ngọt cho những mùa bánh Tết thêm hương vị. Cứ Tết lại nhớ, lại mong được trở về gian bếp ấm.

Bánh Tết xứ Quảng: bánh tét, bánh nổ, bánh tổ, bánh in... - Ảnh 1.

Ảnh: HUY ĐẰNG

Từ nồi bánh Tét chiều ba mươi tết

Mâm cúng rước ông bà chiều ba mươi Tết ở vùng đất Quảng Nam không thể thiếu đĩa bánh tét. Cứ khoảng cuối tháng mười âm lịch, khi những trận mưa xối xả của mùa mưa miền Trung ngớt dần, trời bắt đầu se sắt lạnh là ba tôi lại ra vườn chuối sứ sau hè, cắt bớt những tàu lá rách, nương nhẹ những tàu lá lành để có lá chuối kịp gói bánh tét cho Tết sắp đến. 

Ba nhắc má đi chợ mua nếp, mua đậu xanh cất kỹ trong hũ. Chừng giữa tháng chạp, ba bắt đầu chẻ lạt. Chiều hai bảy Tết, ba nhắc má đem nếp ra vo sạch để ráo và nghiền đậu xanh, đãi vỏ rồi xào chín làm nhân bánh. Tôi phụ trách việc xếp và lau lá chuối.

Nồi bánh tét mà ba gói suốt cả một ngày mới xong với hơn hai ang nếp ruột và bốn ô đậu xanh ấy, một phần dành để bày biện trên các ban thờ ở nhà thờ tộc, phần để cúng ở nhà và một phần ba tôi đem chia cho những anh chị con nhà cô, nhà bác không có điều kiện... đã lặp đi lặp lại suốt những cái Tết khi tôi còn thơ ấu. 

Hơn bốn mươi cái Tết trôi qua, kể từ ngày ba tôi từ giã cõi đời, và tôi từ một đứa trẻ nay đã qua bên kia dốc cuộc đời, nhưng hình dáng ba tôi ngồi ngay ngắn, cẩn thận thắt từng nút lạt trên những đòn bánh tét nấu cúng tổ tiên chiều ba mươi Tết năm nào vẫn còn nguyên trong ký ức.

Đến những mùa bánh nổ

Tôi nhớ bếp nhà bác dâu tôi hay làm bánh nổ bán dịp Tết nên đỏ lửa từ giữa tháng chạp. Để làm bánh nổ, bác chọn mua nếp hạt từ mùa gặt tháng tám, giê sạch, phơi khô, cất trên gác. Bao thóc nếp được bác tôi cơi ra, rồi đem rang từng mẻ trong chiếc chảo đồng lớn. 

Nếp rang trên chảo nóng nổ lụp bụp thành những bông nếp trắng ngà, được sàng cho hết vỏ trấu rồi cho vào cối đá giã mịn, sau đó mới thắng đường bát với gừng giã thiệt nhuyễn, rồi trộn đều nổ với nước đường và nén bánh trong khuôn gỗ. 

Gỡ khuôn bánh ra, miếng bánh dẻo thơm có màu nâu sẫm ấy được lăn qua một lớp áo bằng nổ đã giã nát, cho bánh không dính vào nhau. Những miếng bánh nổ thơm nức mùi đường, mùi gừng được bác xếp vào mấy thùng giấy các tông để sẵn cho những nhà đã dặn từ trước, còn lại ít nhiều mới đưa ra chợ Tết.

Bánh Tết xứ Quảng: bánh tét, bánh nổ, bánh tổ, bánh in... - Ảnh 2.

Rồi bánh tổ

Cô tôi và mẹ tôi lại chuyên làm bánh tổ. Cái bếp hấp bánh tổ nhà tôi được đắp bằng đất sét, với cái thùng hấp bánh to đùng đỏ lửa suốt từ ngày hăm ba đến tối ba mươi tháng chạp. Để làm bánh tổ, việc đầu tiên là phải làm sạch nếp và xay thành bột mịn. 

Những thúng bột nếp mịn màng, trắng phau ấy được trộn đều với nước đường đã nấu chín với gừng rồi để nguội thành một hỗn hợp sánh đặc có màu vàng nâu. 

Những tàu lá chuối sứ xanh mướt được mẹ tôi đặt mua từ người quen ở làng bên được đem về lau thật sạch cả hai mặt lá rồi rọc thành từng miếng to bằng hai bàn tay, sau đó xếp ba lớp lá vào với nhau rồi lấy tăm tre ghim, hai đầu mối lá vào thành những chiếc đài bánh khum khum có hình tổ chim.

Cái tổ lá chuối ấy được lót vào trong những chiếc rọ tre mà cô tôi xâu thành từng chùm cất trên gác bếp sau mỗi mùa bánh. Lót xong những chiếc đài lá vào rọ, mẹ tôi múc từng vá bột cho vào đài bánh. 

Sau khi múc hết lượt bột cho vào đài bánh, mẹ tôi xếp lần lượt các tổ bánh vào thùng hấp trên bếp, mỗi lượt là mười tổ rồi lót tấm xửng tre, xong tiếp lượt khác đến khi thùng đầy ắp bánh thì đậy kín nắp và nhen lửa chuẩn bị hấp bánh. Lò đỏ lửa đều chừng một giờ là bánh chín. Mớ mè rang chín để sẵn bên cạnh được mẹ tôi rắc đều. 

Bánh tổ muốn ăn ngon thì phải chờ đến sau mùng ba Tết cúng đưa ông bà xong mẹ mới chậm rãi lột mấy miếng lá chuối lót ổ bánh, rồi cắt ổ bánh thành từng lát mỏng đem chiên, kẹp với miếng bánh tráng nướng rồi ăn thì mới thấy trọn cái ngon.

Và những loại bánh trong ký ức

Trong ký ức tôi, không có nơi nào làm được loại bánh in bột nếp nhân đậu phụng mà ngon như bánh in nhà ngoại tôi làm vào những dịp Tết. Cũng là nếp rang rồi giã nhuyễn, rây thật mịn, xong nấu nước đường và trộn với bột cho hai thứ quyện với nhau thành một hỗn hợp vừa tay. 

Đậu phụng rang chín, giã nhỏ sên với đường cát. Khi in bánh bằng khuôn đồng thì cho nhân đậu vào giữa hai lớp bột đã nhào mịn, xong sấy khô trên than hồng. Món bánh in nhà ngoại làm để ăn Tết nhưng đến rằm tháng giêng vẫn còn giòn tan như mới vừa sấy xong trên than hồng.

Tôi vẫn nhớ cảm giác háo hức mỗi sáng mùng một Tết được theo chân ba đi phố chúc Tết, được nếm những chiếc bánh đậu xanh mềm mướt, ngọt thanh được viên tròn cỡ hòn bi ve cuộn tròn trong mảnh giấy quyến mỏng. 

Hai đầu giấy được cắt tua rua và nhuộm các màu xanh đỏ tím vàng rất đẹp mắt. Mỗi lần được người lớn cho bánh, tôi vui mừng rón rén gỡ từng chút một mảnh giấy bọc bánh, như sợ chỉ động tay mạnh là chiếc bánh vỡ tan. 

Khi lớp bột bánh màu vàng mơ hiện ra, tôi chỉ muốn bỏ tọt vào miệng để lớp bột bánh tan trên đầu lưỡi. Cái vị ngon của lớp bột bánh đậu xanh mềm thơm thoảng mùi hương sen của những năm tháng tuổi thơ ấy như theo tôi suốt bao mùa Tết qua.

Bánh tét Bánh tét 'Chăm' thoáng hương trong ngày Tết Việt

TTO - Bánh tét, là nếp từ trong khương, lá chuối đã luôn có sẵn sau hè nhà, là cây lạt được bà nội chẻ lát để sẵn trên nền khói bếp nhà, là các loại hạt đậu vườn rẫy đang trồng thả quanh năm trong vườn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên