16/12/2022 09:12 GMT+7

Bánh tét 'Chăm' thoáng hương trong ngày Tết Việt

KIỀU MAILY
KIỀU MAILY

TTO - Bánh tét, là nếp từ trong khương, lá chuối đã luôn có sẵn sau hè nhà, là cây lạt được bà nội chẻ lát để sẵn trên nền khói bếp nhà, là các loại hạt đậu vườn rẫy đang trồng thả quanh năm trong vườn.

Bánh tét Chăm thoáng hương trong ngày Tết Việt - Ảnh 1.

Bánh tét biến tấu ngày nay - Ảnh: KIỀU MAILY

Trời Hội An những ngày qua mưa liên tục, mưa kéo thêm hơi lạnh, nhà kế bên bắt đầu xuống giống hoa, luống rau, họ nói trồng chuẩn bị đón Tết.

Nghe thôi là hình ảnh khói bếp bốc lên từ sau lớp mái tranh làm tôi nhớ vị palei. Trời đang chuyển mùa chuẩn bị năm mới rồi chăng? Nhắc tới Tết tôi lại nhớ hương bánh tét từ quê nhà.

Tên gọi "bánh tét" có thể có xuất xứ từ hành động nắm đầu dây buộc khoanh tròn xung quanh đòn bánh đã lột vỏ, "tét" từng khoanh một đơm lên đĩa.

Cũng có người cho rằng, do bánh tét được sử dụng trong các ngày Tết nên tên gọi của bánh có cách phát âm gần giống với từ "Tết", lâu ngày tên ấy có thể được đọc trại âm ra thành tét …

Bánh tét Chăm thoáng hương trong ngày Tết Việt - Ảnh 2.

Các bà đang xếp bánh tét cặp vào mâm lễ

Tên thì vậy, còn nguồn gốc bánh tét thì mơ hồ hơn, không được đến từ thời vua Hùng như bánh chưng.

Theo một lý giải của cố giáo sư Trần Quốc Vượng, "rất có thể đòn bánh tét mà người Nam Trung Bộ dùng trong ngày Tết hôm nay là sản phẩm của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, hay cũng có thể là sự kế thừa những giá trị của tiền nhân đi trước để lại. Khi người Việt vào khai hoang, mở hóa vùng đất phương Nam".

Bánh tét Chăm thoáng hương trong ngày Tết Việt - Ảnh 3.

Bánh tét cặp (binah) trong mâm cúng

Phương Nam khi ấy là vùng đất người Chăm sinh sống. Và người Chăm cũng có món bánh tét.

Trong quá trình cộng cư Chăm - Việt không thể thiếu sự giao thoa văn hóa học hỏi lẫn nhau, nên chiếc bánh tét cũng có thể từng là một đầu cầu.

Bánh tét Chăm như thế nào?

Trong những chuyến đi tìm mảng ghép ký ức hình bóng trang phục, tiếng nói và hương vị món ăn của tổ tiên, tôi đã len lỏi theo mọi ngõ ngách làng quê Chăm, đi từ miền Trung Việt Nam qua đến làng Chăm Châu Đốc An Giang, rồi sang làng Chăm Campuchia.

Tôi đã tìm thấy bánh tét, bánh Girong liya, bánh nổ… và bánh tét là loại bánh tôi tò mò nhất vì nó mang nhiều hình bóng, cả Việt cả Chăm.

Bánh tét Chăm thoáng hương trong ngày Tết Việt - Ảnh 4.

Maily làm bánh tét Chăm giới thiệu cho khách xem tại Hội An

Tôi được vài lần dự nghi lễ Ngak Mamum và lễ Ngak Ndam Padhi tại làng Chăm Kompong Chhnang, đây cũng là hai nghi lễ truyền thống giống cộng đồng người Chăm ở Việt Nam, trong mâm lễ tôi thấy bóng dáng bánh Chăm tràn vào ký ức của tôi, món bánh tét Tapei nung và các loại bánh khác, nhưng bánh tét là món chủ đạo không thể thiếu trong mâm cúng truyền thống của họ.

Cách gói bánh, nấu bánh vẫn mang hương vị truyền thống của cố hương, đặc biệt là bánh tét cặp. Nếu bên người Việt có "Ăn Tết" thì Chăm có Bbang Katê, còn Chăm Bani có Bbang Muk kei.

Bánh tét Chăm thoáng hương trong ngày Tết Việt - Ảnh 5.

Maily làm bánh tét Chăm tại Ý

Bánh tét tiếng Chăm là Tapei nung.

Người Chăm có câu tục ngữ: Tapei nung ala, Sakaya ngok, bánh tét bên dưới, bánh Sakaya bên trên.

Trong các lễ cúng tế của người Chăm, như đám tang, lễ cúng gia tiên,... trên các mâm lễ không thể thiếu Tapei nung.

Bánh tét Chăm thoáng hương trong ngày Tết Việt - Ảnh 6.

Bánh tét và bánh Sakaya chuẩn bị cho lễ cúng người Chăm Bani

Tapei nung Chăm có hai loại: Tapei nung bbek và Tapei nung binah.

Tapei nung bbek là bánh tét đòn. Bánh tét đòn của người Chăm đường kính khoảng 7cm, dài khoảng 30cm.

Nguyên liệu chính để làm hai thứ bánh này là gạo nếp brah điêup và đậu ratak. Nhân lạt kati taba thường là đậu đen hay đậu phộng, nhân "mặn" kati bbak gồm đậu xanh bóc vỏ, hấp và xào chung với hành củ tím thái mỏng thêm tiêu.

Lá dùng để gói bánh là lá chuối hala patei. Nếu là lá chuối chát thì tốt hơn, bánh sẽ xanh và thoảng hương dễ chịu.

Lá chuối mang phơi nắng cho vừa dẻo để khi gói không bị nứt và rách. Khi gói người ta dùng lá chuối hai lớp làm vỏ, để bọc đậu nếp, cuộn tròn, cột bằng dây lạt giang kanôr tiang, hai bên đầu bánh gói gấp như hình tam giác, sau đó cột tiếp bốn vòng dựng cho bánh đứng thẳng.

Muốn cho bánh cứng tránh bị hư để dành ăn lâu ngày, người ta để giữ bánh đứng và dùng cây đũa thọc, nêm cho chặt, người ta đem xếp theo hình chéo vào khương, nấu khoảng từ 5 đến 6 giờ đồng hồ là dùng được.

Tapei nung binah hay còn gọi là bánh tét cặp.

Nguyên liệu được dùng như bánh tét đòn, nhưng nhỏ hơn ngắn hơn, không có nhân kati. Bánh gói theo hình bán nguyệt, người ta mới ghép hai bánh đối xứng với nhau rồi mới buộc lạt, tạo thành hình một bánh đòn. Tapei nung binah được luộc trực tiếp trong nồi nước đun sôi, như bánh tét đòn.

Bánh tét cặp được dùng trong các đám tang (padhi, giỗ kỵ patrip).

Tapei nung bbek và Tapei nung binah là hai loại bánh nổi bật của truyền thống Chăm. Ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang và cả cộng đồng người Chăm ở Campuchia, đến mùa lễ hội là bà con Chăm cùng tụ họp giúp nhau làm bánh, người phơi lá chuối, người lau xếp lá, người cột dây. Không khí làm bánh tét đã làm nên câu chuyện sự gắn kết xóm làng,

Bánh tét Chăm thoáng hương trong ngày Tết Việt - Ảnh 7.

Bánh tét cặp trong mâm lễ tôn giáo

Các loại bánh mang giá trị truyền thống của người Chăm xưa nay được làm ra từ những sản vật quanh mình ở địa phương, mỗi món bánh đều có câu chuyện gắn liền với vùng đất ấy.

Bánh tét, là nếp từ trong khương, lá chuối đã luôn có sẵn sau hè nhà, là cây lạt được bà nội chẻ lát để sẵn trên nền khói bếp nhà, là các loại hạt đậu vườn rẫy đang trồng thả quanh năm trong vườn.

Và bánh tét luôn hiện lên trong tất cả mâm cúng lễ nghi tôn giáo, đặc biệt trong hai đại lễ lớn đó là Kate và Ramưwan không thể không có bánh tét, nên hai thứ bánh ấy trở thành biểu tượng ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực của người Chăm.

Mỗi khi có lễ cũng là dịp để họ thể hiện tài nghệ khéo léo, nét duyên dáng của người phụ nữ Chăm và là dịp để họ đắm mình trong những lễ nghi mang giá trị văn hóa ẩm thực của dân tộc mình.

Tết về núi ăn khâu nhục Tết về núi ăn khâu nhục

TTO - Tôi sinh ra ở nơi cư ngụ của đồng bào nhiều dân tộc như: Kinh, Sán Dìu, Thổ, Hoa... Người dân quê tôi vẫn giữ được những món ẩm thực cổ truyền, trong đó có một món rất thân thuộc, tạo ra hương vị Tết rất riêng là khâu nhục.

KIỀU MAILY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên