15/01/2025 06:42 GMT+7

Bánh căn trứng, tôm, mực, thịt bò kiểu Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang... bạn đã thử chưa?

Bánh căn là một món ăn dân dã nổi tiếng tại nhiều nơi ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh thành ven biển miền Trung và Đà Lạt.

Bánh căn trứng, tôm, mực, thịt bò kiểu Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang... bạn đã thử chưa? - Ảnh 1.

Bánh căn ở Mũi Né (Phan Thiết) có nhiều món ăn kèm như xíu mại, da heo, cá kho... - Ảnh: NHÃ XUÂN

Vì hình dáng mà đôi khi có người nhầm lẫn bánh căn với bánh khọt - món ăn nổi tiếng ở xứ biển Vũng Tàu, tuy nhiên hai món ăn này hoàn toàn khác nhau cả về cách chế biến lẫn hương vị.

Bánh căn được làm từ bột gạo, làm chín bằng lò đất nung chuyên dụng.

Cũng là bánh căn, mà sao mỗi nơi mỗi khác - Ảnh 2.

Bánh căn được làm từ bột gạo, làm chín bằng lò đất nung chuyên dụng - Ảnh: NHÃ XUÂN

Lò bánh căn có hình bán cầu, cấu tạo gồm 3 phần chính: bên dưới là lò than, bên trên là một khay tròn có kích thước to vừa bằng đường kính lò bên dưới. Khay tròn này được thiết kế có nhiều lỗ nhỏ, mỗi lỗ nhỏ lại chứa vừa vặn từng khuôn bánh.

Khuôn bánh to cỡ lòng bàn tay, gồm phần đế hình chén, kèm theo nắp đậy hình nón. Khi đổ bánh căn, người ta rót bột vào từng khuôn rồi đậy nắp, chờ bánh được “nướng” trên lò.

Nhiệt độ lò khiến bột bánh nở phồng lên, tạo nên kết cấu khi chín có lớp vỏ bên ngoài giòn, bên trong mềm xốp, bẻ ra nóng hổi còn bốc khói, thơm nức mùi gạo. Để có bột đổ bánh căn, người ta ngâm gạo rồi xay loãng với nước, thêm cơm nguội vào xay cùng để vỏ bánh giòn hơn.

Cũng là bánh căn, mà sao mỗi nơi mỗi khác - Ảnh 3.

Bánh căn tôm tại một quán bánh căn kiểu Phan Rang ở quận 11, TP.HCM - Ảnh: NHÃ XUÂN

Tùy từng vùng, bánh căn có thể được thêm nhân trứng cút, trứng gà, tôm, mực hoặc là thịt băm, thịt bò.

Khi ăn gắp bánh chấm vào nước chấm ăn kèm cũng đa dạng không kém, có nơi dùng mắm nêm, mắm đậu phộng, nước cá kho, có chỗ lại ăn với nước mắm ớt, mắm hành.

Muôn kiểu ăn bánh căn

Ở Nha Trang và Phan Rang, bánh căn thường có nhiều loại nhân đa dạng như trứng, tôm, mực, thịt bằm…; còn bánh căn ở Đà Lạt lại được yêu thích bởi nhân thịt bò, trứng cút… béo ngậy.

Cũng là bánh căn, mà sao mỗi nơi mỗi khác - Ảnh 4.

Bánh căn ở Nha Trang - Ảnh: DUY KHANG

Trong khi đó, người dân ở Mũi Né - Phan Thiết thường chỉ ăn bánh căn bột không, hoặc cho thêm chút trứng gà đánh lên để được phần nhân vàng ươm, thơm trứng.

Những năm gần đây khi du lịch phát triển, bánh căn ở Mũi Né mới có thêm các loại nhân hải sản để chiều lòng thực khách từ phương xa.

Phần bánh đơn giản là vậy, bù lại, bánh căn ở Mũi Né - Phan Thiết cầu kỳ ở mấy món ăn kèm, với chén nước chấm “đề huề” nào xíu mại, da heo luộc, trứng, cá kho, xoài bằm…

Bánh căn trứng, tôm, mực, thịt bò kiểu Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang... bạn đã thử chưa? - Ảnh 5.

Bánh căn Mũi Né: khi ăn gắp bánh căn cho thẳng vào chén nước chấm - Ảnh: NHÃ XUÂN

Bánh căn ở Phan Rang - được cho là nơi bánh căn ra đời - cũng không hề đơn điệu với nhiều lựa chọn nước chấm, nào là mắm nêm, mắm đậu phộng, mắm ớt và nước cá kho. Nhiều người thường thích pha mỗi loại một ít để thưởng thức.

Bánh căn trứng, tôm, mực, thịt bò kiểu Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang... bạn đã thử chưa? - Ảnh 6.

Bánh căn kiểu Phan Rang được ăn kèm ba loại nước chấm: mắm ớt, mắm đậu phộng và mắm nêm tại một quán ở quận 11, TP.HCM - Ảnh: NHÃ XUÂN

Còn bánh căn Nha Trang và Đà Lạt lại hút mắt với chén nước mắm xíu mại mỡ hành.

Thời điểm ăn bánh căn trong ngày tại các nơi cũng khác nhau một cách thú vị.

Một số quán bánh căn Nha Trang và Đà Lạt có mở cửa vào buổi sáng, thì tại Phan Thiết và Phan Rang, bánh căn là món mà người ta chỉ thường ăn lúc chiều tối.

Cũng là bánh căn, mà sao mỗi nơi mỗi khác - Ảnh 7.

Bánh căn ở Đà Lạt - Ảnh: DUY KHANG

Bánh căn, dù là món ăn quen thuộc ở nhiều nơi, nhưng nhờ vào sự khác biệt trong cách chế biến, nguyên liệu và nước chấm, mỗi vùng lại mang đến một phiên bản riêng, phản ánh khẩu vị địa phương, khiến món ăn này vừa gần gũi vừa đầy sự mới mẻ với thực khách.

Cũng là bánh căn, mà sao mỗi nơi mỗi khác - Ảnh 8.Đến Đà Lạt nhất định phải ăn bánh căn

TTO - Người Đà Lạt có thói quen ăn sáng với món bánh căn. Đó cũng là thói quen buổi tối nhưng ít hơn, có lẽ để nhường chỗ cho du khách muốn được ngồi hít hà hơ tay bên lò lửa ấm than hồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên