Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ông Lê Văn Triết gặp Tổng giám đốc Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) Mike Moore, trước khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với VN - Ảnh tư liệu Lê Văn Triết |
>> Kỳ 1: Trong vòng vây cấm vận
>> Kỳ 2: Tín hiệu Jimmy Carter
>> Kỳ 3: Tảng băng mới
>> Kỳ 4: Siết chặt đinh ốc
>> Kỳ 5: Sóng gió từ "Tài liệu mật của KBG"
“Những lần tôi về nước đều dành cả ngày để báo cáo vấn đề ở Mỹ. Nhưng đến cuối giờ chiều, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc ấy vẫn vỗ vai tôi: Nếu đêm nay không mưa thì 20g cậu sang nhà tôi, còn nếu mưa thì đến lúc 19g. Nhớ nha, tôi muốn nghe cậu báo cáo thêm” - cựu đại sứ Lê Văn Bàng đến giờ vẫn nhớ kỷ niệm đó.
Áp lực đổi mới
“Tôi nhớ lúc ấy căng thẳng lắm. Khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu không còn để mà VN nhìn sang. Tiến trình Mỹ xóa bỏ cấm vận thì vẫn chưa có kết quả. Đất nước lại đang đổi mới, nếu Mỹ vẫn khóa chặt cửa thế giới với VN thì làm sao thành công được” - nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết kể.
Ở Pháp, có lần ông Võ Văn Kiệt và ông Triết đến thăm nhà nguyên phó thủ tướng Việt Nam cộng hòa, tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo. Gặp nhau tại nhà riêng, họ đã chia sẻ tình hình đất nước rất nhiều.
Nhưng ông Triết nhớ nhất ý ông Hảo tâm sự: VN nên đẩy nhanh việc mở rộng quan hệ với quốc tế ngay sau khi Mỹ xóa bỏ cấm vận, đừng khu hẹp mình lại như trước đây. Quan điểm VN làm bạn với thế giới phải đi vào thực chất, không nên dừng lại ở khẩu hiệu.
Ngoài ông Hảo, ông Kiệt và ông Triết cũng gặp ông Trần Văn Thình, người Pháp gốc Việt, nguyên trưởng phái đoàn thường trực của Liên minh châu Âu bên cạnh các tổ chức quốc tế tại Geneva.
Hai nội dung ông Thình tư vấn được Chính phủ VN lúc ấy rất quan tâm là phải chấp nhận một số điều kiện để Mỹ bỏ cấm vận và nhanh chóng nâng cao vị trí của khối kinh tế tư nhân.
Một dịp gặp lại ông Triết tại Hà Nội, ông Thình vẫn nhắc lời khuyên này và nhấn mạnh nếu Mỹ không bỏ cấm vận thì sẽ không thể làm gì được...
Trong lúc ấy, tình hình Mỹ cũng đang có những biến chuyển rất nhanh trong chính sách đối với VN. Các vướng mắc POW/MIA được giải quyết.
Đó là câu trả lời rõ ràng cho sự đòi hỏi của Tổng thống Bill Clinton khi mới vào Nhà Trắng: “Ưu tiên cao nhất của Mỹ trong giải pháp đối với VN là đạt được một sự thống kê đầy đủ về các tù binh và người Mỹ mất tích. Quan hệ Mỹ - Việt sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào tiến bộ thêm nữa của Việt Nam về vấn đề POW/MIA”.
Đặc biệt, khúc mắc tài sản Chính phủ Mỹ còn để lại Sài Gòn sau năm 1975 với số tiền kiểm khoảng 200 triệu USD cũng đã được giải quyết.
Vượt qua những khó khăn thực tế lẫn rào cản đầy chủ ý, chính phủ Bill Clinton liên tiếp mở những cánh cửa quan trọng đối với đất nước từng bên kia chiến tuyến. Ngay trong năm 1993 một loạt tập đoàn lớn của Mỹ lần lượt vào VN. Các văn phòng đại diện của Bank of America, Hãng thuốc lá Philip Morris, Công ty Vatico, Hãng máy tính IBM, Công ty thiết bị Caterpiller...
Nguyên trưởng đoàn đàm phán thương mại Việt - Mỹ Nguyễn Đình Lương kể về một sự kiện đặc biệt quan trọng: ngày 2-7-1993, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không còn phản đối các nước trong cộng đồng quốc tế hỗ trợ VN trả các khoản nợ quá hạn của Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Ngay lập tức kết quả vượt quá cả mong đợi. Đại diện 22 nước tham dự Hội nghị quốc tế Paris về tài trợ cho VN đã cam kết các khoản viện trợ không hoàn lại và cho vay ưu đãi đối với VN số tiền 1,86 tỉ USD.
Ngoài ra, thành viên Câu lạc bộ Paris cũng đồng ý giãn nợ, đồng thời giảm bớt 50% giá trị trực tiếp của các khoản nợ được hoãn.
Đến giờ ông Lê Văn Bàng vẫn chưa quên cột mốc lịch sử ngày 6-10-1993: ông Phan Văn Khải, phó thủ tướng VN lúc ấy, đã bay sang Mỹ gặp gỡ Ngoại trưởng Warren Christopher.
Trong buổi gặp gỡ đặc biệt này, phía Hoa Kỳ tuyên bố giữa Mỹ và VN không còn tình trạng chiến tranh, Mỹ không còn coi VN là kẻ thù.
Ông Nguyễn Cơ Thạch phát biểu tại buổi lễ do Công ty Vatico tổ chức, ngay sau khi tổng thống Mỹ tuyên bố chấm dứt cấm vận VN. Bên phải là James Rockwell, giám đốc công ty Mỹ đầu tiên được cấp phép tại VN - Ảnh tư liệu |
Bản tuyên bố lúc 5g chiều 3-2-1994
Ba tháng sau, đúng ngày 27-1-1994, bước ngoặt lịch sử lại diễn ra ở Thượng viện Mỹ khi 62/38 lá phiếu của các thượng nghị sĩ đã thuận theo yêu cầu của Tổng thống Bill Clinton: bãi bỏ lệnh cấm vận đối với VN.
Cựu đại sứ Bàng kể: “Mới trước đó ít hôm, tôi gặp một giáo sư Mỹ nghiên cứu về VN ở New York. Khi được hỏi liệu Mỹ sắp xóa bỏ cấm vận cho VN chưa, ông ta trả lời là chưa thể được vì phe chống cộng vẫn còn thế mạnh lắm”.
Và đến ngày 3-2-1994, vị tổng thống thứ 42 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ chính thức tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận với VN, mở cơ quan liên lạc ở hai nước.
“Bình minh ngày đặc biệt này, tôi đang ở New York thì nhận được điện từ Bộ Ngoại giao Mỹ mời về Washington gấp. Họ bảo rằng sẽ có một thông tin quan trọng cho ngài và đất nước ngài” - ông Bàng tâm sự đã lờ mờ hình dung về ngày mở bước ngoặt bang giao giữa hai nước nhưng vẫn chưa dám chắc.
Ông Bàng kể: “Tôi đến Washington vào buổi trưa và đang ngồi ăn cơm, trò chuyện với một người bạn là giáo sư đại học Mỹ thì Bộ Ngoại giao Mỹ lại gọi lúc 12g. Họ hẹn tôi chính xác 1g chiều đến văn phòng Bộ Ngoại giao. Tôi bỏ dở bữa cơm, đến hẹn sớm hơn vài phút.
Một nhân vật cấp cục trưởng của họ ra mời vào văn phòng với thái độ vừa vui vẻ lại vừa nghiêm trang khác thường. Ông ta nói: Tôi trịnh trọng tuyên bố cho ngài biết đúng 5g chiều nay, Tổng thống Bill Clinton sẽ có một tuyên bố rất quan trọng đối với VN”.
Rời Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Bàng về nhà bà Virginia Foote, một người bạn thân thiết với VN lúc ấy là chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt.
5g chiều, họ hồi hộp mở tivi xem Tổng thống Bill Clinton tuyên bố chấm dứt cấm vận VN. Người bạn Mỹ bắt tay chia vui. Còn ông Bàng xúc động mà nước mắt cứ chảy ra. Ông xúc động gọi điện về cho bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm.
Khi lên đường sang nhận nhiệm vụ ngoại giao ở Mỹ, ông Bàng vẫn nhớ thư dặn dò của cố vấn Phạm Văn Đồng: “Bác biết tin cháu sang Mỹ thì quá muộn, cháu đi mất rồi. Bác chỉ dặn cháu cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, khi nào về nhớ gặp bác”.
Và nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng căn dặn: “Cháu gặp người Việt bên đấy, bác biết là rất khó. Nhưng mà nếu đồng bào bên đấy có mắng cháu, có gây gổ thì cháu vẫn phải đứng lại, chân thành lắng nghe vì đồng bào cũng là người Việt”.
* 2-7-1993: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton ủy quyền cho Quỹ Tiền tệ quốc tế tái tài trợ cho Việt Nam số tiền 140 triệu USD, mở đường cho việc các tổ chức quốc tế hỗ trợ tài chính cho Việt Nam. * 14-9-1993: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton cho phép các công ty Hoa Kỳ tham dự vào một số dự án phát triển được quốc tế tài trợ tại Việt Nam. * 3-2-1994: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. * 28-1-1995: Hai nước mở văn phòng liên lạc. * 11-7-1995: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. |
__________
Kỳ tới: Lễ thượng cờ đặc biệt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận