04/07/2015 09:36 GMT+7

20 năm quan hệ Việt - Mỹ, chuyện bây giờ mới kể

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - 20 năm sau cuộc chiến khốc liệt, quan hệ Mỹ - Việt Nam mới được bình thường hóa. Sự kiện này đã góp phần thúc đẩy Việt Nam đổi mới kinh tế thành công...

Ông Lê Văn Bàng gặp John Kerry - một thượng nghị sĩ thân thiện với VN Ảnh tư liệu Lê Văn Bàng
Ông Lê Văn Bàng gặp John Kerry - một thượng nghị sĩ thân thiện với VN - Ảnh tư liệu Lê Văn Bàng

 

Kỳ 1: Trong vòng vây cấm vận

20 năm sau cuộc chiến khốc liệt, quan hệ Mỹ - Việt Nam mới được bình thường hóa. Sự kiện này đã góp phần thúc đẩy Việt Nam đổi mới kinh tế thành công, mở cánh cửa toàn diện ra thế giới.

Nhưng để đi đến được sự đổi thay lịch sử này là cả những đêm dài đầy rẫy bất đồng, chông gai, bế tắc tưởng chừng không thể vượt qua. Và đó là những câu chuyện bây giờ mới kể, của những người trong cuộc...

Ngày 5-8-1995, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên đại sứ quán đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở Washington, Hoa Kỳ.

Nhưng trước khi đến được đoạn kết này, hai nước đã phải trải hành trình rất dài, đầy màu xám của khác biệt, chiến tranh, hận thù và cấm vận...

Kissinger nghe Nam quốc sơn hà ở Hà Nội

“Tôi có một kỷ niệm không thể quên vào mùa xuân năm 1973 khi dẫn đoàn cố vấn Mỹ Henry Kissinger vào thăm Bảo tàng Hà Nội, trong chuyến ông sang làm việc với ông Lê Đức Thọ.

Sau khi nghe thông dịch bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” của danh tướng Lý Thường Kiệt, Kissinger đã lặng người một lát, rồi nói nội dung bài thơ này cũng là điều khoản 1 khẳng định độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam của Hiệp định Paris”.

Với nhà ngoại giao kỳ cựu Lê Văn Bàng, nguyên đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ, thì năm 1973 được xem là cột mốc đặc biệt trong mối quan hệ hai nước. Mỹ rút quân, sau đó tiến hành chính sách bao vây, cấm vận khắc nghiệt với Việt Nam.

Nhắc nhớ chương quan hệ hậu chiến với Mỹ, nguyên phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm kể bước ngoặt năm 1975 không làm thay đổi nhiều chính sách của Mỹ với Việt Nam.

Đặc biệt, việc tăng cường bao vây, cấm vận với Việt Nam sau chiến tranh được Chính phủ Mỹ xem như một phần trong chiến tranh lạnh và thế giới hai cực. Vừa trải qua bom đạn khốc liệt, Việt Nam lại càng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong vòng vây của Mỹ.

Có một chuyện thú vị kể rằng từ bốn thế kỷ trước, tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson lúc ấy còn là đại sứ tại Pháp (1784 - 1789) đã quan tâm đặc biệt giống lúa ở nước Việt xa xôi.

Qua hoàng tử Cảnh, con vua Gia Long đang ở Pháp, ông muốn đưa giống lúa Việt về Mỹ nhưng bất thành. Chuyện này được xem như một trong những khởi mốc “duyên nợ” Việt Nam - Hoa Kỳ suốt mấy trăm năm.

Từ thời điểm Bùi Viện sang Mỹ hội kiến tổng thống Ulysses Simpson Grant năm 1874, Việt Nam - Hoa Kỳ đã có lúc manh nha giao thương, rồi đồng minh chống phát xít.

Tuy nhiên, một lần nữa lịch sử đổi dòng. Từ nửa cuối thế kỷ 20, mối quan hệ này rẽ bước khắc nghiệt: chiến tranh!

“Tôi nhớ ngay sau năm 1975, chúng ta có thông qua kênh Liên Xô gửi một thông điệp đến Mỹ: Việt Nam sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Mỹ trên cơ sở hai bên cùng tôn trọng nhau. Nhưng chính phủ tổng thống Gerald Ford không trả lời, vì thông điệp được gửi đi không chính thức” - ông Nguyễn Mạnh Cầm kể.

Đặc biệt, nước Mỹ còn dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc. Nhưng khoảng một năm sau, tháng 5-1976, tổng thống Ford lại bất ngờ đề nghị Quốc hội Mỹ tạm cho ngừng chính sách cấm vận sáu tháng để tìm cách đối thoại với Việt Nam.

Ngay sau đó, bộ trưởng ngoại giao Mỹ Kissinger gửi một bức thư cho quốc vụ khanh Việt Nam, đề nghị hai bên có thể gặp gỡ, trao đổi về vấn đề bình thường hóa quan hệ hai nước.

Phía Mỹ đưa ra lộ trình ba bước, nhấn mạnh Việt Nam phải thực hiện hồ sơ đầy đủ về trao trả hài cốt và lính Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm, trước lộ trình này của Mỹ, Việt Nam cũng đưa ra yêu cầu của mình, nhắc Mỹ phải bồi thường chiến tranh với số tiền 3,25 tỉ USD.

Yêu cầu này dựa trên một thỏa thuận được ký thành văn bản giữa ông Lê Đức Thọ và Kissinger vào tháng 1-1973 với nội dung Mỹ sẽ viện trợ để Việt Nam phục hồi kinh tế.

Lộ trình bình thường hóa vẫn giậm chân tại chỗ khi phía Mỹ đòi thực hiện các yêu cầu của mình để bình thường hóa quan hệ xong mới bàn đến chuyện viện trợ (Mỹ không chịu dùng từ bồi thường).

Còn Việt Nam vẫn khẳng định lập trường Mỹ phải bồi thường chiến tranh mới bàn đến chuyện bình thường hóa...

Tảng băng lạnh lẽo giữa hai nước Việt - Mỹ vẫn kéo dài suốt nhiệm kỳ 1974 - 1977 của tổng thống Ford. Vị tổng thống đầu tiên và duy nhất cho đến nay được hiến pháp Mỹ công nhận là lãnh đạo quốc gia không phải thông qua bầu cử sau khi Nixon phải từ chức vì vụ nghe lén Watergate.

Năm đầu tiên làm tổng thống, Ford không tái can thiệp quân sự vào chiến trường Việt Nam trong tình cảnh đồng minh Việt Nam cộng hòa bại trận. Nhưng sau đó, ông vẫn chủ trương siết chặt cấm vận toàn diện với Việt Nam hậu chiến.

Cựu bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết Ảnh: QUỐC VIỆT
Cựu bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết - Ảnh: QUỐC VIỆT

Những ngày khó khăn

Theo cựu bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết, sự cấm vận gay gắt của Mỹ đã làm Việt Nam đối diện rất nhiều khó khăn sau năm 1975.

Hầu bao viện trợ cho miền Nam suốt 20 năm đứt hẳn. Sự giúp đỡ của khối XHCN cũng sụt giảm rất nhanh sau chiến tranh. Tình trạng càng nan giải khi trong nước bị một số chính sách sai lầm nghiêm trọng trong kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp và thị trường.

“Có đêm, tôi vừa lên giường chợp mắt lúc gần 1g sáng thì nhận điện thoại của một lãnh đạo yêu cầu cách chức ngay tham tán thương mại ở Liên Xô. Mặc dù biết trước tình hình nhưng tôi vẫn hỏi tại sao. Vị lãnh đạo ấy trả lời rằng tham tán thương mại này không hoàn thành được việc “chạy” sắt thép, phân bón, thuốc trừ sâu, lương thực từ Liên Xô.

Tôi vâng, vâng, nhưng không thực hiện yêu cầu này, vì thật lòng nếu tôi ở hoàn cảnh ông ta cũng không thể làm gì” - đến giờ ông Lê Văn Triết vẫn nhớ kỷ niệm khó quên thời bị cấm vận, con đường duy nhất của Việt Nam chỉ là phía Liên Xô.

Sau này, ông Triết có hỏi cụ thể chuyện của tham tán thương mại ấy thì được nghe sau nỗ lực bất thành ông ta phải điện về nước báo tin “bó tay”! Liên Xô cũng đang chìm ngập trong khó khăn, không thể viện trợ được như trước cho Việt Nam.

Vị tham tán đành đề xuất giải pháp chữa cháy là trong nước cố gắng vét số ngoại tệ cực kỳ khan hiếm thời ấy để nhập tạm những mặt hàng hết sức thiết yếu như phân bón, thuốc trừ sâu.

Ở lĩnh vực ngoại giao, sự cấm vận của Mỹ cũng làm Việt Nam bị nhiều khó khăn. Ông Võ Anh Tuấn, nguyên đại sứ tại Liên Hiệp Quốc, kể: “Ngày 19-9-1975, đơn gia nhập Liên Hiệp Quốc của Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam được 123 phiếu thuận áp đảo, chỉ 9 phiếu trắng gồm Mỹ, Israel.

Thế nhưng, cuối tháng 9, khi Hội đồng Bảo an họp xét đơn, Mỹ đã dùng quyền phủ quyết trong lúc 14 lá phiếu còn lại đều thuận. Đến tháng 8-1976, Mỹ lại phủ quyết lần nữa”.

Ông Võ Anh Tuấn vẫn nhớ tuy là đoàn ngoại giao nhưng Việt Nam vẫn gặp rất nhiều trở ngại trên đất Mỹ.

Cán bộ, nhân viên ngoại giao Việt Nam chỉ được phép đi lại trong phạm vi bán kính 25 dặm tính từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.

Ai muốn ra ngoài tầm kiểm soát đó buộc phải xin phép từng trường hợp. Mọi hành động của đoàn ngoại giao Việt Nam đều bị FBI theo dõi sát sao. Bất cứ chiếc xe nào chở cán bộ ngoại giao Việt Nam lăn bánh đều có xe FBI bám theo.

______________

Tổng thống Ford thất cử nhiệm kỳ 2. Jimmy Carter, Đảng Dân chủ, lên lãnh đạo nước Mỹ. Ông hé mở lộ trình mới để bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Kỳ tới: Tín hiệu Jimmy Carter

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên