07/07/2015 10:30 GMT+7

Siết chặt đinh ốc

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Vượt lên cuộc tranh cử nóng bỏng năm 1980 để đánh bại tổng thống Jimmy Carter vừa mới ngồi ghế chỉ được một nhiệm kỳ, Ronald Reagan bước vào Nhà Trắng.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và tướng Vessey tại Hà Nội tháng 8-1987 - Ảnh tư liệu
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và tướng Vessey tại Hà Nội tháng 8-1987 - Ảnh tư liệu

Vị tân tổng thống Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa này đã thay đổi rất nhiều chính sách của người tiền nhiệm. Vừa tăng cường chạy đua vũ trang với Liên Xô, Reagan vừa đóng băng thêm mối quan hệ mới le lói với VN.

“3 không” của Reagan

“Trong hai nhiệm kỳ của tổng thống Reagan, tiến trình bình thường hóa quan hệ với VN bị gián đoạn, hầu như không có sự trao đổi gì. Thậm chí Reagan tuyên bố rõ ràng là sẽ chống việc bình thường hóa cho đến khi có xác nhận VN đã rút hết quân khỏi Campuchia và có sự hợp tác đầy đủ về MIA, người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở VN” - nguyên phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nhớ lại thời kỳ băng giá khi Reagan lên cầm quyền.

Vấn đề VN đưa quân vào Campuchia được Mỹ đặt ra rất nặng nề và không đúng thực tế. Còn chương trình MIA thì VN đã hợp tác tích cực từ trước trên tinh thần nhân đạo. Tuy nhiên, chính sách “siết chặt đinh ốc” với VN của chính phủ Reagan vẫn ngày càng căng thẳng.

Trong phiên điều trần trước Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương, thượng nghị sĩ John H. Holdridge khẳng định lập trường chống VN: “Vấn đề trung tâm trong chính sách của Mỹ đối với VN là sự chiếm đóng Campuchia và đó là điều tại sao chúng ta phải duy trì sức ép với Hà Nội. Chúng tôi sẽ tiếp tục quá trình cô lập ngoại giao và tước đoạt kinh tế cho đến khi Hà Nội rút quân, bầu cử tự do và chấm dứt can thiệp từ bên ngoài”.

Theo nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết, chính phủ Reagan đã thi hành chính sách “3 không” với VN: không quan hệ ngoại giao, không viện trợ, không buôn bán. VN gặp nghịch cảnh cứu mình, cứu bạn mà phải mang tiếng xâm lược, bị tăng cường cấm vận.

Tình hình trong nước lúc ấy tràn ngập khó khăn. Hàng loạt chính sách kinh tế không thành công, đồng thời là sự giảm sút viện trợ nghiêm trọng từ các nước xã hội chủ nghĩa.

Ông Triết kể: “Có những chuyến đi ký nghị định thư trao đổi hàng hóa với các nước anh em truyền thống rất căng thẳng. Ta chẳng có gì giao cho họ và họ cũng chẳng có gì giao cho ta. Phía Liên Xô nói thẳng họ cũng rất khổ, rất thiếu thốn, chẳng thể tiếp tục viện trợ cho VN như trước”.

Chính sách “siết chặt đinh ốc” làm VN kiệt quệ kinh tế và cô lập ngoại giao của chính phủ Reagan đến gần cuối nhiệm kỳ hai có chút làn gió mới. Đầu tháng 8-1987, tướng John Vessey, cựu chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, làm đặc phái viên của tổng thống Reagan, bay sang Hà Nội thảo luận về các vấn đề nhân đạo mà hai bên cùng quan tâm. Trong đó, đặc biệt là tìm kiếm tù binh chiến tranh và quân nhân Mỹ mất tích POW/MIA.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm, tướng Vessey đã liên tiếp mấy lần sang VN với cùng mục đích này. Bay trên chiếc C141 của không lực Mỹ, viên tướng về hưu đến Hà Nội vào cuối mùa xuân.

Ngắm sông Hồng xuôi chảy dưới chân cầu Long Biên, Vessey ưu tư bước vào thủ đô của quốc gia đã từng ở bên kia chiến tuyến. Cùng đi với ông còn có đại tá Andre Sauvageot, một nhà VN học sành sỏi tiếng Việt trong lục quân Mỹ và từng là cố vấn cho chính quyền Sài Gòn suốt 10 năm.

Tướng Vessey làm việc với nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, gặp gỡ một số tướng lãnh quân đội. Đặc biệt, ông còn gặp cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau này đại tá Sauvageot kể lại đoàn Mỹ có tình cờ nghe được nỗi niềm của một số người dân Hà Nội rằng: Tại sao lại phải bỏ công sức đi tìm hài cốt lính Mỹ trong khi còn hàng trăm ngàn bộ đội vẫn đang vùi lấp xương cốt đâu đó?

Tuy nhiên suốt quá trình làm việc chính thức với phía đại diện VN, đoàn Mỹ đều nhận được thiện chí trong vấn đề này. Đó là quan điểm nhất quán ngay từ đầu của VN trên tinh thần nhân đạo.

Chỉ một năm sau, tướng Vessey lại bay đến Hà Nội với nội dung công việc như lần trước, mang theo cả nỗi niềm mong đợi của người dân Mỹ có con em còn nằm đâu đó ở VN lẫn thái độ chỉ trích căng thẳng của phe chống bình thường hóa quan hệ.

Hồi ký của thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ kể rằng suốt nhiệm kỳ tổng thống Reagan, điều kiện tiên quyết của Chính phủ Mỹ với VN luôn là “tảng băng” Campuchia. Đồng thời tốc độ và phạm vi bình thường hóa quan hệ hai nước tùy thuộc vào sự hợp tác của VN trong giải quyết vấn đề POW/MIA...

Sự “mặc cả” của Reagan gây khó khăn rất lớn cho VN trong khi chính phía VN đã bỏ yêu cầu tiên quyết về trách nhiệm bồi thường chiến tranh của Mỹ.

Mặc dù năm 1976 ông Phan Hiền tuyên bố: “Hoa Kỳ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở VN là nghĩa vụ không thể chối cãi xét về mặt pháp lý Hiệp định Paris cũng như đạo lý, lương tri và con người”.

Tổng thống Bush phát biểu về vấn đề tìm kiếm hài cốt lính Mỹ ở VN năm 1992. Đứng sau tổng thống là hai thượng nghị sĩ luôn ủng hộ VN: John Kerry và John McCain - Ảnh: AP
Tổng thống Bush phát biểu về vấn đề tìm kiếm hài cốt lính Mỹ ở VN năm 1992. Đứng sau tổng thống là hai thượng nghị sĩ luôn ủng hộ VN: John Kerry và John McCain - Ảnh: AP

Tia sáng mới ở đường hầm

Mùa xuân năm 1989, tân tổng thống George H. W. Bush vào tòa Bạch Ốc thay Reagan. Tình hình địa chính trị thế giới biến động rất lớn với sự tan rã của khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu, VN thực hiện công cuộc đổi mới và tình hình Campuchia biến chuyển rõ rệt.

“Đầu năm 1989, tổng bí thư Nguyễn Văn Linh sang tham dự lễ kỷ niệm 10 năm Quốc khánh Cộng hòa nhân dân Campuchia và tuyên bố VN sẽ rút hết quân. Một số chính sách cứng rắn thời Reagan đã được tổng thống Bush điều chỉnh. Việc trao đổi lộ trình bình thường hóa quan hệ với VN được nối lại. Tháng 8-1990 tại Liên Hiệp Quốc, đại sứ Trịnh Xuân Lãng gặp gỡ phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kenneth Quinn. Ông ta là người Mỹ gốc Việt” - ông Nguyễn Mạnh Cầm nhớ lại.

Nội dung trao đổi tập trung quanh vấn đề Campuchia. Khoảng một tháng sau, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Mai tiếp tục gặp gỡ trợ lý bộ trưởng ngoại giao Richard Solomon...

Những tia sáng lạc quan rọi xuống đường hầm băng giá mà chính phủ tiền nhiệm Reagan đã tạo ra với VN. Chính sách ngoại giao của chính phủ mới không còn bị vướng mắc ở tảng đá không đúng sự thật “VN xâm lược Campuchia”.

Giữa năm 1990, ngoại trưởng Mỹ James Baker tuyên bố Hoa Kỳ rút lui ủng hộ chiếc ghế của Campuchia dân chủ tại Liên Hiệp Quốc và sẵn sàng đối thoại trực tiếp với VN về vấn đề Campuchia.

Đến tháng 10-1990, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch sang làm việc ở Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã gặp gỡ ngoại trưởng Baker. Hai bên đồng ý thúc đẩy nhanh hơn nữa việc bình thường hóa giữa hai quốc gia.

Tháng 4-1991, Mỹ công bố Roadmap, bản lộ trình bốn bước với VN. Ông Nguyễn Mạnh Cầm kể: “Đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Ngoại giao thay ông Nguyễn Cơ Thạch, tháng 10-1991 tôi bay sang Paris dự hội nghị quốc tế cuối cùng về vấn đề Campuchia, trên cơ sở đó ký kết hiệp định lập lại hòa bình ở đất nước này. Baker cũng có gặp tôi. Ông ta đề nghị VN tiếp tục tích cực giải quyết vấn đề nhân đạo MIA. Tôi cũng đề nghị Mỹ phải bãi bỏ sự cấm vận với VN”.

Thời gian này Mỹ đã thực hiện các chính sách mềm dẻo hơn như thực hiện gói viện trợ cho người tàn phế bởi chiến tranh, nới lỏng quy định cấm công dân Mỹ vào VN, đặc biệt là bãi bỏ hạn chế liên lạc viễn thông với VN. Từ đây, người Việt ly hương đã có thể xúc động nghe được tiếng nói của người thân bên kia bờ Thái Bình Dương...

__________

Kỳ tới: Sóng gió từ tài liệu mật của KGB

Họ nói rằng VN đưa phi công Mỹ sang Liên Xô, có cả sĩ quan KGB làm chứng. Câu chuyện MIA trở nên nặng nề...

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên