05/07/2015 09:59 GMT+7

Tín hiệu Jimmy Carter

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - “Có một số nguồn nghiên cứu cho rằng VN để lỡ bước bình thường hóa quan hệ với Mỹ từ năm 1977 khi Jimmy Carter, Đảng Dân chủ, mới lên làm tổng thống.

“Có ý kiến cho rằng VN đã để mất cơ hội năm 1978, nhưng sự thật không đơn giản như vậy” - nguyên phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm - Ảnh: QUỐC VIỆT
“Có ý kiến cho rằng VN đã để mất cơ hội năm 1978, nhưng sự thật không đơn giản như vậy” - nguyên phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm - Ảnh: QUỐC VIỆT

 

Sự chậm chân gần 20 năm thật đáng tiếc. Nhưng sự thật không thể đơn giản như vậy khi nhìn vào bàn cờ địa chính trị của các nước lớn, đặc biệt là những vấn đề VN với khu vực lúc ấy” - nguyên phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nhìn nhận lại thời kỳ này.

Tảng băng Ford tan chảy

Mùa xuân năm 1977, Jimmy Carter lên làm tổng thống Mỹ sau cuộc đua tranh cử nước rút với người đương nhiệm Gerald Ford. Thống đốc tiểu bang Georgia bước vào tòa Bạch Ốc thủ đô Washington với nhiều đổi thay trong thái độ và hành động với thế giới song cực đương thời.

Thông qua kênh Liên Xô như chính VN từng làm trước đây, ông ta đã gửi thông điệp về một kế hoạch bình thường hóa quan hệ có vẻ khá mềm dẻo gồm ba bước với VN: 1/ Phía VN thông báo cho Mỹ tin tức về những người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA). 2/ Mỹ đồng ý để VN gia nhập Liên Hiệp Quốc đồng thời thiết lập quan hệ ngoại giao. 3/ Mỹ có thể đóng góp khôi phục VN qua phát triển thương mại, cung cấp trang thiết bị và các hình thức hợp tác khác.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm, chỉ ba tháng sau khi nhậm chức, Jimmy Carter đã gửi một phái đoàn đặc biệt do thượng nghị sĩ Leonard Woodcock làm trưởng đoàn lần đầu sang thăm VN thời hậu chiến.

Cùng đi với vị thượng nghị sĩ, chủ tịch Liên hiệp Công đoàn xe hơi này còn có các nhân vật quan trọng như thượng nghị sĩ Mike Mansfield, Charles Yost, Sonny Montgomery...

Ngày 16-3-1977, chiếc C141 không quân Mỹ hạ thấp độ cao đáp xuống sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Rải rác bên dưới, những hố bom chưa kịp san lấp vẫn còn toang hoác dấu hiệu chiến tranh tàn khốc.

Tại sân bay, thứ trưởng Bộ Ngoại giao lúc ấy là ông Phan Hiền đón đoàn. Sau đó, buổi làm việc chính thức giữa ông Phan Hiền và Woodcock đã diễn ra khá dài, nhưng chưa đạt được kết quả mong đợi.

Đoàn Mỹ nhấn mạnh vấn đề tìm hài cốt và người Mỹ mất tích. Phía VN nhắc lại yêu cầu Mỹ phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả chiến tranh theo như ký kết giữa Kissinger và Lê Đức Thọ năm 1973.

Ngoài những buổi làm việc chính thức, thượng nghị sĩ Woodcock còn gặp bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh và đến chào xã giao Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Về sau, vị thượng nghị sĩ Mỹ này kể lại có nhiều ấn tượng đặc biệt ở Hà Nội dù tiến trình thảo luận bình thường quan hệ giữa hai nước còn lắm bất đồng.

Tuy kết quả làm việc tại Hà Nội chưa được như mong đợi, nhưng ông Phan Hiền vẫn lặp lại chủ trương VN sẵn sàng tích cực giải quyết vấn đề hài cốt và người Mỹ mất tích theo tinh thần nhân đạo.

Có hai chuyện đặc biệt khác cũng diễn ra ngay sau các buổi làm việc ngoại giao. Đoàn Mỹ rất xúc động khi được phía VN trao cho 12 bộ hài cốt quân nhân Mỹ ngay trong chuyến đi này.

Lúc chuẩn bị lên máy bay, chính Woodcock còn nhờ ông Phan Hiền giúp một việc đặc biệt: đại tá Paul Mather, thành viên chính thức trong phái đoàn này, có một người yêu VN bị kẹt lại ở Sài Gòn sau năm 1975. Viên sĩ quan ấy thiết tha mong mỏi phía VN tìm lại cô gái đã hứa hôn cho mình.

Ông Phan Hiền mỉm cười, gật đầu. Chiếc C141 màu xám của không lực Mỹ chao cánh rời Hà Nội, bay ra Biển Đông, đem về được 12 chiếc quan tài lính Mỹ cùng niềm hi vọng của viên sĩ quan có người yêu Việt.

Nguyên đại sứ đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng kể ông có nhớ chỉ một thời gian ngắn sau, phía VN đã tìm được cô gái này và cho phép đoàn tụ với người yêu ở Mỹ.

Đó là thái độ rất thiện chí và tình cảm của VN dù lộ trình bình thường hóa quan hệ hai quốc gia xa cách đôi bờ Thái Bình Dương vẫn còn đầy chông gai phía trước...

Đại diện Ngân hàng Nhà nước VN tham dự Hội nghị tài chính thế giới tại Manila năm 1976 trong tình hình bị Mỹ cấm vận gay gắt - Ảnh tư liệu
Đại diện Ngân hàng Nhà nước VN tham dự Hội nghị tài chính thế giới tại Manila năm 1976 trong tình hình bị Mỹ cấm vận gay gắt - Ảnh tư liệu

Những cuộc đàm phán căng thẳng

Ngay sau khi đoàn nghị sĩ Mỹ đến Hà Nội, ông Phan Hiền đã bay sang Paris để tiếp tục ba vòng đàm phán tiếp theo trong năm 1977.

Cùng đi với ông còn có các nhà ngoại giao Trần Quang Cơ, Lê Mai, Hà Huy Tâm, Bùi Xuân Ninh... Phía Mỹ do trợ lý bộ trưởng ngoại giao Richard Holbrooke dẫn đoàn.

Lộ trình tiến tới bình thường hóa được đề xuất các bước đi cụ thể hơn. Mỹ đề nghị thiết lập ngoại giao vô điều kiện giữa hai nước, rồi Mỹ sẽ bỏ kiểm soát xuất khẩu và tài sản cho VN.

Còn VN vẫn kiên trì yêu cầu Mỹ phải thực hiện hứa hẹn đã ký ở Hiệp định Paris là khắc phục hậu quả chiến tranh, mới bình thường hóa quan hệ. Ngoài ra, phía Mỹ còn đề nghị nhanh chóng lập văn phòng liên lạc ở thủ đô hai nước trước khi có thể bình thường hóa quan hệ.

Một đoạn hồi ký của ông Trần Quang Cơ đã nêu rõ quan điểm của Chính phủ Mỹ lúc này với VN: “Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Andrew Young đã nói rõ điều đó: Chúng tôi coi VN như một Nam Tư ở châu Á, không phải là một bộ phận của Trung Quốc hay Liên Xô mà là một nước độc lập. Một nước VN mạnh và độc lập là phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ”.

Tuy nhiên, trong lúc các vòng đàm phán đang tiếp diễn ở Paris, phe chống “bắt tay” với VN ở Quốc hội Mỹ cũng có những hoạt động căng thẳng. Họ tìm cách thông qua thành công một đạo luật sửa đổi về viện trợ nước ngoài do các nghị sĩ Đảng Cộng hòa bảo trợ với số lá phiếu thuận áp đảo 266/131.

Nội dung ghi rõ ngăn cấm Chính phủ Mỹ không được đàm phán đền bù chiến tranh, viện trợ hoặc bất cứ một hình thức chi trả nào với VN.

Đặc biệt, sang tháng 6-1977 trong khi VN vẫn giữ quan điểm Mỹ phải bồi thường chiến tranh tại vòng đàm phán Paris, thì phe Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ lại thông qua thành công đạo luật viện trợ được sửa đổi tiếp theo: hủy bỏ lời hứa của Nixon viện trợ 3,25 tỉ USD cho VN.

Đoàn đàm phán Richard Holbrooke và Chính phủ Mỹ xem như bị phía lập pháp “chặt chân” trong khả năng tìm giải pháp tiệm cận với yêu cầu của VN...

Đặc biệt, những nhà ngoại giao VN cũng nhìn thấy rõ chiều hướng ở Quốc hội Mỹ bất lợi hẳn cho lập trường đàm phán của mình.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm, trước diễn biến ấy, đoàn đàm phán Mỹ đã nói rõ những khó khăn, bất khả thi về thực hiện viện trợ cho VN vì vướng mắc luật pháp của họ.

Trong khi đó, phía VN bắt đầu có những điều chỉnh nội dung đàm phán trên cơ sở thuận lợi cho cả hai nước.

Ngày 11-7-1978, tại vòng đàm phán ở Tokyo, ông Phan Hiền tuyên bố VN sẽ bỏ tất cả điều kiện tiên quyết để tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước. Khúc mắc “gói bồi thường 3,25 tỉ USD” được tháo gỡ. Phía Mỹ cũng xác nhận trước quốc hội họ rằng VN đã xóa bỏ yêu cầu trước đây.

Lộ trình tiến đến sự “bắt tay” thật sự giữa hai cựu thù có vẻ sáng hơn. Tháng 11-1978, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đi New York với hi vọng thực hiện bước đàm phán cuối cùng với Richard Holbrooke.

Bất ngờ một bước ngoặt lịch sử mới lại diễn ra. Ông Nguyễn Cơ Thạch cử ông Trần Quang Cơ nán lại New York để tiếp tục những nỗ lực ngoại giao, nhưng bàn cờ địa chính trị các nước lớn đã thay đổi, và tình hình VN với khu vực cũng đổi thay...

____________

VN phản công Khmer Đỏ và đưa quân tình nguyện sang giúp nhân dân Campuchia. Đặng Tiểu Bình đi Mỹ, tuyên bố sẽ “dạy cho VN một bài học”...

Kỳ tới: Tảng băng mới

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên