"Thậm chí họ còn khẳng định bản tài liệu này có nguồn gốc từ cơ quan tình báo Liên Xô KGB. Nó như một cú sét giáng vào dư luận Mỹ”, nhiều năm đã trôi qua, cựu đại sứ VN đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng vẫn nhớ sự kiện đặc biệt này.
Máy bay trực thăng đưa chuyên gia Mỹ và lao động Việt Nam đến một điểm cao trên núi ở tỉnh Quảng Ninh để tìm hài cốt lính Mỹ - Ảnh: Hoài Linh |
Thông tin "giật gân" về tù binh Mỹ
Tổng thống Bill Clinton, Đảng Dân chủ, chính thức bước vào tòa Bạch Ốc thủ đô Washington ngày 20-1-1993. Ngay từ đầu ông gây ấn tượng với VN vì khi còn là sinh viên Đại học Oxford đã lánh nghĩa vụ quân sự để không phải tham chiến ở VN.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống Bill Clinton, tháng 1-1993, Ủy ban báo cáo về vấn đề POW/MIA, tìm kiếm tù binh chiến tranh và quân nhân Mỹ mất tích của Thượng viện Mỹ đã đưa ra báo cáo khẳng định rằng không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy có thể còn tù binh Mỹ đang bị giam giữ ở VN và Đông Nam Á.
Tuy nhiên, thực tế diễn biến trong dư luận Mỹ vẫn hết sức phức tạp. Ông Lê Văn Bàng kể: “Chính phủ Bill Clinton đang có những bước đi tích cực với VN, đột nhiên lại có những “tài liệu mới” về tù binh Mỹ mất tích ở VN.
Một người là giáo sư Stephen Morris bất ngờ công bố tài liệu mật nói rằng tướng Trần Văn Quang đã từng báo cáo với Bộ Chính trị về vấn đề đưa tù binh Mỹ sang Liên Xô”.
Để “củng cố sự thật 100%” tài liệu này, Morris tuyên bố lấy được trong một chuyến công tác ở Matxcơva, Nga.
Đặc biệt lại xuất hiện thêm nhân vật Kalugin, sĩ quan KGB lưu vong ở Mexico, phụ họa “hình như là có tài liệu mật đó”.
Trong dư luận Mỹ còn rộ thông tin cho rằng Liên Xô muốn tiếp cận phi công Mỹ qua nguồn tù binh VN để tìm hiểu máy bay chiến đấu và kỹ thuật tác chiến của không lực đối phương...
Mặc dù rất vu vơ như vậy nhưng hai chính phủ VN và Mỹ phải mất suốt mấy tháng để xác minh nguồn “tài liệu mật” này. Quốc hội Mỹ cử nhóm điều tra sang Việt Nam, Nga để xác minh. Tướng Vessey, đặc phái viên của Tổng thống Bill Clinton, bay sang Hà Nội để “đối chất” với thượng tướng Trần Văn Quang.
Kiểm tra doanh trại quân đội
Theo cựu đại sứ Bàng, có nhiều đề nghị hết sức nhạy cảm từ Mỹ. Thậm chí có lần phía Mỹ còn yêu cầu được kiểm tra tầng hầm ở một nơi tôn nghiêm tại trung tâm Hà Nội để xem có giấu tù binh Mỹ dưới đó không. Phải đến lãnh đạo cấp cao nhất quyết định, yêu cầu nhạy cảm này mới được thực hiện.
Có những nghị sĩ Mỹ rất thân thiện sau khi đi thực tế ở VN như John McCain, John Kerry, nhưng có những nghị sĩ luôn gây khó khăn dù chưa từng đến hoặc đã đến VN nhiều lần. Họ đưa ra lập luận chắc chắn vẫn còn quân nhân Mỹ mất tích ở VN.
Khi ông Bàng còn làm đại sứ ở Liên Hiệp Quốc đã từng gặp thượng nghị sĩ Bob Smith, một người của Đảng Cộng hòa luôn gây khó khăn cho VN.
Ông Bàng hỏi thẳng: “Nếu ngài có chứng cớ quân nhân Mỹ còn đang ở đất nước chúng tôi thì hãy cho một thông tin để tôi báo về Hà Nội làm rõ ngay”. “Được rồi. Tôi có một thông tin mà tôi mới nhận được đây. Tôi sẽ đích thân đi kiểm tra. Các ông có cho đi không?" - Bob Smith trả lời. Ông Bàng vẫn vui vẻ: “Chúng tôi hoan nghênh ngài đến VN để làm rõ những gì còn nghi ngờ”.
Không lâu sau đó, nghị sĩ Bob Smith bay đến Hà Nội. Ông ta yêu cầu được kiểm tra đột xuất một doanh trại quân đội ở Quân khu 9, miền Tây Nam bộ.
Nhiều vị lãnh đạo quân đội VN rất khó chịu chuyện này vì cho rằng đã đáp ứng quá nhiều yêu cầu phía Mỹ. Tuy nhiên, cuối cùng họ vẫn đồng ý để Bob Smith vào nơi đóng quân của mình. Rồi ông nghị sĩ trở về tay không...
Ông Lê Văn Bàng kể rằng Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lần tâm sự hết sức chân tình với các nhà báo Mỹ đến VN để trao đổi về vấn đề MIA: “Ở Việt Nam có hàng chục ngàn gia đình có người thân bị mất tích. Tôi cũng là một nạn nhân. Trực thăng Mỹ đã giết 300 người trong một trận càn dọc sông Sài Gòn, vợ và con trai, một con gái của tôi đã mất trong trận càn đó. Tôi có thể thấu hiểu nỗi đau của các gia đình Mỹ có người thân bị mất tích trong chiến tranh... Tôi cũng mong muốn người dân Mỹ hiểu được hoàn cảnh chúng tôi trong vấn đề này. Chúng tôi xin mời bất cứ người nào nghi ngờ còn tù binh Mỹ sống ở Việt Nam hãy đến Việt Nam mà tìm hiểu”...
Tướng Quang nói gì về “tài liệu KGB”? Thượng tướng Trần Văn Quang trả lời Tuổi Trẻ ngay sau cuộc gặp tướng John Vessey, đặc phái viên của tổng thống Mỹ. * Thượng tướng có ý kiến như thế nào về cái gọi là “tài liệu Nga” đang được tranh luận ầm ĩ trên báo chí Mỹ? - Tôi xin tuyên bố đó là một tài liệu giả mạo, một sự bịa đặt. Bởi đơn giản là hoàn toàn không có chuyện đó. Đồng thời đó còn là một hành động thiếu đạo đức, gây nhức nhối trong tình cảm ở những gia đình có thân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam, nhằm mục đích phá hoại tiến trình quan hệ hợp tác và tạo tâm trạng căng thẳng giữa hai nước. * Những người tung tài liệu này ra cho rằng ông đã viết nó tại Hà Nội và báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 9-1972... - Ồ, không đúng. Trong suốt thời gian chiến tranh, khi thì tôi ở B2 (các tỉnh Nam bộ cũ), khi thì ở B4 (các tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế), mãi đến năm 1973 tôi mới ra ngoài này chữa bệnh. Năm 1972 tôi đang là tư lệnh mặt trận B4 và vào thời điểm đó tôi đang công tác trong Nam, chứ không phải ở Hà Nội. * Và đó cũng là điều mà thượng tướng trình bày với tướng J. Vessey hồi nãy? - Vâng. Tôi đã nói với tướng J. Vessey là trong suốt thời gian chiến tranh, tôi chưa hề làm một báo cáo nào về tù binh Mỹ. Đơn giản là tôi không phải là người phụ trách về vấn đề đó và đó không thuộc quyền hạn của tôi. Thứ hai là trong suốt thời gian từ 1961 - 1973, đặc biệt là vào năm 1972, tôi không công tác ở Hà Nội và cũng không phải là phó tổng tham mưu trưởng. Xin nói thêm là trong suốt cuộc chiến tranh, tôi chưa có cuộc tiếp xúc nào với tù binh Mỹ cả. Tôi phụ trách công tác địch vận thời kỳ chống Pháp và có gặp nhiều tù binh Pháp. Còn sau này đối với tù binh Mỹ thì không. Về dư luận bịa đặt là tù binh Mỹ còn bị giam giữ ở Việt Nam, tôi cho rằng không có cách bác bỏ nào khác hơn là bằng chính sự thật vậy. * Trong cuộc tiếp xúc với thượng tướng, ý kiến của tướng J. Vessey thế nào? - Trong cuộc gặp vừa rồi, tướng J. Vessey có nói với tôi hai điều. Một là nội dung tài liệu đó không được chính xác. Thứ hai, ông biết rõ vào thời điểm đó tôi không ở Hà Nội. Trước khi chia tay, tướng J. Vessey có tuyên bố với tôi là “chúng ta đã hiểu nhau hơn và cuộc gặp gỡ đã đạt được kết quả”. Và đó cũng là ý kiến của tôi. BÙI THANH thực hiện, ngày 19-4-1993 |
________________________
Kỳ tới: Bản tuyên bố lúc 5 giờ chiều
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận