Lực lượng quân y đi phát kit test nhanh và hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại hẻm 381 Phan Văn Trị, phường 11, quận Bình Thạnh cuối giờ chiều 24-8 - Ảnh: QUANG KHẢI
Theo công văn, Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm phòng chống dịch COVID-19.
Công văn cũng giao Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế chủ động lập kế hoạch hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai mua sắm hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm..., không để xảy ra thiếu vật tư, thiết bị chống dịch.
Đề nghị địa phương, đơn vị phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm vật tư, thiết bị.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra kiểm soát giá dịch vụ chẩn đoán COVID-19 và các dịch vụ khác, phát hiện kịp thời các trường hợp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường công khai minh bạch trong mua sắm, đấu thầu.
Văn bản này có nhiều nội dung gần giống công văn ngày 23-9 Bộ Y tế gửi sở y tế các địa phương và các đơn vị trực thuộc, cũng có nội dung đề nghị kiểm tra, giám sát khắc phục ngay những tồn tại liên quan đến công tác phòng, chống dịch, nhất là việc tổ chức xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Trả lời trên Sức Khỏe & Đời Sống, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế hôm 28-9, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng Bộ Y tế đã hướng dẫn các đơn vị công lập điều chỉnh giá xét nghiệm theo từng giai đoạn.
Cụ thể, trước 1-7 căn cứ thông tư 13, 14, giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/mẫu, test PCR là 734.000 đồng/mẫu. Từ 1-7 áp dụng thực thanh thực chi do thị trường có nhiều loại test khác nhau.
Thứ trưởng Thuấn cũng cho biết đơn vị sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị chịu trách nhiệm công bố giá và chịu trách nhiệm về tính chính xác của giá trên cổng thông tin do Bộ Y tế quản lý.
Đồng thời cho biết "Bộ Y tế chưa mua mặt hàng test kit xét nghiệm, chủ yếu do địa phương mua. Tới đây Bộ Y tế sẽ xin ý kiến các bộ, ngành đưa mặt hàng này vào nhóm bình ổn giá".
Theo Bộ Y tế, đến nay bộ đã cấp phép cho 97 loại test xét nghiệm, gồm test xét nghiệm PCR, xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể. Hiện ý kiến về giá chủ yếu với nhóm PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên do số lượng sử dụng nhiều.
Với test kháng nguyên nhanh, giá doanh nghiệp công bố trên trang của Bộ Y tế chủ yếu từ 80.000-200.000 đồng/test.
Cuối tháng 8 vừa qua đã có một doanh nghiệp Hàn Quốc có thư gửi cấp có thẩm quyền, cho biết sẵn sàng bán cho Việt Nam test nhanh kháng nguyên, sản phẩm đã được cấp phép tại Việt Nam và đã lưu hành tại gần 50 quốc gia, giá 56.000 đồng/test (giá mua tại Việt Nam, đã bao gồm thuế phí).
Cùng thời điểm này, Bộ Y tế có đề nghị trích ngân sách mua test nhanh kháng nguyên giá bao gồm thuế phí khoảng 72.000 đồng/test. Số lượng cần mua trên 100 triệu test.
Tháng 6 vừa qua từng có đề nghị bàn bạc để tổ chức đấu thầu tập trung test kit nhằm giảm giá sản phẩm, tuy nhiên sau này cấp có thẩm quyền không triển khai đấu thầu tập trung, để các địa phương, đơn vị tự mua sắm.
Do thị trường có nhiều mức giá khác nhau và đấu thầu/mua sắm riêng lẻ không mua được giá tốt nhất, trong khi số lượng test kit sử dụng thời gian qua rất lớn.
7/22 quận huyện của TP.HCM kiểm soát được dịch
Đến thời điểm này là còn hơn 1 ngày nữa là 1-10, thời điểm TP.HCM dự kiến bước vào giai đoạn mở cửa nền kinh tế, nới lỏng nhiều hoạt động. Căn cứ vào chỉ đạo của Chính phủ và Tổ công tác đặc biệt, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM đang khẩn trương hoàn thành dự thảo hướng dẫn ban hành trước ngày 1-10.
Đến ngày 28-9, có 7/22 quận huyện, TP của TP.HCM kiểm soát được dịch, gồm quận 7, TP Thủ Đức, Gò Vấp, Phú Nhuận, Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè.
Đến 28-9, TP.HCM đã tiêm được gần 9,78 triệu mũi vắc xin, trong đó có trên 6,82 triệu mũi 1, trên 2,95 triệu mũi 2. Số vắc xin đã tiêm cho người có bệnh nền, người trên 65 tuổi là trên 1,1 triệu mũi.
Hiện TP.HCM đang tiêm vắc xin Pfizer bình thường, trước đó, chiều 28-9, Sở Y tế TP.HCM có chỉ đạo tạm ngưng sử dụng lô Pfizer FK0112 để họp hội đồng chuyên môn, đánh giá nguyên nhân tai biến nặng sau tiêm vắc xin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận