
Địa giới hành chính Đồng Nai liền kề huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giáp biển và kết nối trực tiếp với các tuyến đường quan trọng của Đồng Nai. Trong quá khứ, huyện Xuyên Mộc từng thuộc địa bàn Đồng Nai - Đồ họa: PHƯƠNG NHI
Tuần qua, bài viết trên Tuổi Trẻ Online “TP.HCM và Đồng Nai phải ‘mượn đường’ của nhau khi sáp nhập tỉnh theo tỉnh?” đã thu hút đông đảo bạn đọc quan tâm chia sẻ, gợi ý.
Đồng Nai sau sáp nhập cần có biển không và nên đưa vùng nào về để có biển?
Theo một số chuyên gia, trong quá trình sáp nhập, nếu linh hoạt điều chỉnh địa giới, điều chỉnh một số huyện như Nhơn Trạch, Long Thành của Đồng Nai về TP.HCM; đưa Phú Giáo, Tân Uyên (Bình Dương) về Đồng Nai (sau khi sáp nhập) thì phương án tổ chức giao thông sẽ thuận lợi, tránh trường hợp TP.HCM và Đồng Nai phải "mượn đường" của nhau.
Từ đề xuất của các chuyên gia, nhiều bạn đọc ủng hộ sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM và Bình Phước vào Đồng Nai. Khi đó sẽ bổ sung cho nhau các tiêu chí về dân số, diện tích và thuận lợi để phát kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên hiện từ TP.HCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu phải “quá cảnh” Đồng Nai, tương tự Đồng Nai đi Bình Phước phải “quá cảnh” Bình Dương.
Nhiều bạn đọc đề xuất, hiến kế về vấn đề này, làm sao để khi sáp nhập được "thông".
Bạn đọc Mr.Hiển cho rằng nhập Long Thành, Nhơn Trạch vào TP.HCM là hợp lý, đảm bảo kết nối, tổ chức giao thông sau này.
Hơn nữa, sân bay Long Thành thuộc TP.HCM mở rộng cũng thuận tiện hơn cho những người nước ngoài khi đến Việt Nam.
Còn bạn đọc Hưng Thịnh đề xuất đưa Nhơn Trạch và sân bay Long Thành về cho TP.HCM và đưa Phú Giáo và Bắc Tân Uyên về Đồng Nai là hợp lý. Quan điểm này cũng được nhiều bạn đọc đánh giá là phương án "vẹn cả đôi đường".
Tương tự bài "Sau sáp nhập Đồng Nai có biển không?" cũng được nhiều bạn đọc đưa ra bàn luận sôi nổi với nhiều góc nhìn khác nhau.
Theo bạn đọc Nghĩa, năm 1991, Đồng Nai tách 3 huyện Xuyên Mộc, Long Đất, Châu Thành (giờ Châu Đức và Tân Thành) về Bà Rịa - Vũng Tàu. Giờ nên cho sáp nhập lại để Đồng Nai có biển. Một tỉnh đông dân, rộng lớn nhất nhì miền Nam mà không có biển sẽ khó phát phát triển sau này.
Bạn đọc Hoàng Tư Giang góp thêm: "Đồng Nai có vị trí địa lý quan trọng và các khu công nghiệp thuộc tốp đầu Việt Nam mà không có cảng biển thì chưa phù hợp. Sản xuất xong hàng hóa xuất khẩu lại đi qua tỉnh khác, giảm đi tính cạnh tranh rất lớn của tỉnh, giảm thu hút đầu tư".
Ở góc nhìn khác và nhấn mạnh đến không gian kinh tế, bạn đọc Vũ Phan lưu ý: "Tỉnh mới sau sáp nhập phải tạo ra thế mạnh chủ đạo, một phân vùng phải có định hướng phát triển riêng, phân chia nhiệm vụ, chứ không phải anh có cái này thì tôi cũng phải có, anh làm cái này thì tôi cũng làm.
Vậy hiệu suất sẽ bị pha loãng và không tạo ra sức mạnh riêng của mỗi địa phương. Câu hỏi không phải là sao không có biển mà phải là tôi có cần biển hay không? Nếu cần thì để làm gì? Tính hiệu quả có hay không?...".
Tuy nhiên theo nhiều bạn đọc, nếu cần thiết Đồng Nai có biển thì có thể đưa vùng biển Xuyên Mộc của Bà Rịa - Vũng Tàu về cho Đồng Nai, đồng thời tính toán thêm một phần biển ở khu vực Bình Thuận.
"Đồng Nai muốn có biển thì thêm Tân Thắng đến La Gi. Khu này tỉnh Bình Thuận chưa được phát triển dù vị trí rất đẹp, quá đáng tiếc. Hàm Tân về Đồng Nai sẽ phát triển" - bạn đọc tên Quang gợi ý.
Phiên tòa người thắng và thua kiện đều vui
Tuần qua, TAND thị xã Hương Thủy (thành phố Huế) đã đưa ra xét xử vụ kiện dân sự liên quan việc tờ vé số trúng giải đặc biệt 2 tỉ đồng nhưng không được trả thưởng do bị rách một phần góc.
Kết quả, bà Nguyễn Thị Nguyệt (chủ nhân tờ vé số trúng giải đặc biệt bị rách) được tòa tuyên thắng kiện Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Huế.
Rất nhiều bạn đọc đồng tình phán quyết của TAND thị xã Hương Thủy là hợp tình hợp lý, rất nhân văn. Đây là cái kết có hậu cho cả một hành trình xem xét, kiện tụng của chủ nhân tờ vé số.
Bên cạnh "cơn mưa" lời chúc mừng gửi đến chủ nhân tờ vé số trúng giải đặc biệt bị rách, bạn đọc còn hoan nghênh cái bắt tay của giám đốc Công ty Xổ số Huế chúc mừng chị Nguyệt đã thắng vụ kiện.
"Một phiên tòa thật cảm động, người thua kiện vui vẻ đến chúc mừng người thắng cuộc. Chúc mừng tất cả những người đã tham gia vào vụ kiện này" - tài khoản batu****@gmail.com chia sẻ.
Chủ nhân tờ vé số trúng đặc biệt bị rách cũng cho biết sẽ sửa nhà, chia sẻ món quà nhỏ với người khó khăn, neo đơn.
* Sáng 24-3, một số người dân phản ánh đến Tuổi Trẻ Online đang đốn hạ một số cây xanh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM dù các cây nhìn vẫn còn xanh tốt.
Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM cho biết có 17 cây bị đốn hạ. Nguyên nhân do trong quá trình thi công cải tạo vỉa hè, đơn vị thi công đã làm đứt một số rễ của các cây trên.
Nhận thấy cây có khả năng mất an toàn trong mùa mưa bão sắp tới nên đơn vị đã xin phép đốn hạ, trồng mới thay thế.
Trả lời Tuổi Trẻ Online chiều 27-3, ông Trần Tuấn Việt - phó giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp và xây dựng Nam Việt (nhà thầu phụ trách thi công cải tạo vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai) nói nguyên nhân có một số rễ cây xanh nằm trong phạm vi kết cấu vỉa hè làm mới nên khó tránh khỏi làm hư hỏng rễ cây này.
Tuy nhiên nhiều bạn đọc cho rằng cần hài hòa giữa chỉnh trang đô thị và bảo vệ cây xanh. Thi công phải đảm bảo an toàn cho cây xanh, đơn vị nào xâm hại cây xanh phải bồi thường.
* Tuần qua nhiều phản ánh, thắc mắc khác của bạn đọc cũng được Tuổi Trẻ nhanh chóng triển khai thành tin, bài: Vẫn đóng tiền vận chuyển nhưng không được thu gom rác; Dự án đường Nguyễn Ảnh Thủ ở TP.HCM vẫn dang dở, bụi bặm sau 7 năm thi công.
Sáu người thoát nạn trong đám cháy căn nhà 5 tầng ở Tân Bình; Dùng mức tham chiếu thay mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng, chế độ thay đổi thế nào?; Vì sao Trường đại học Luật TP.HCM thu học phí giáo dục quốc phòng gần 23 triệu đồng?
Cảm ơn bạn đọc đã tin tưởng và đồng hành với Tuổi Trẻ.
Mong tiếp tục nhận được những thông tin phản ánh của bạn đọc qua điện thoại Đường dây nóng và Zalo 0918.033.133, email bandoc@tuoitre.com.vn, tto@tuoitre.com.vn, fanpage Tuổi Trẻ, hoặc mục Bình luận dưới các tin bài trên tuoitre.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận