![Bán hàng trên sàn tìm hướng đi mới: 'Bán bia kèm lạc', không cạnh tranh bằng giá - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/sokfarm-1739502024733849257356.jpeg)
Sản phẩm từ tài nguyên bản địa có thể giúp nhà bán hàng tạo lợi thế cạnh tranh - Ảnh: P.Đ.N.
Thêm dịch vụ gia tăng
"Thương mại điện tử có thể đóng vai trò như một kênh dẫn, không chỉ tạo ra doanh thu từ việc cung cấp sản phẩm chính, mà còn giúp nhà bán hàng đáp ứng các giải pháp trọn gói. Đó chính là con đường mới của thương mại điện tử" - ông Lê Anh Tuấn, CEO A1Demy, nhận định.
Thực tế đã có nhiều nhà bán hàng nhìn thấy hướng đi mới khi không sử dụng các sàn thương mại điện tử chỉ để bán sản phẩm.
Anh Đặng Lê Hùng, một chủ xưởng mộc quy mô nhỏ ở Đồng Nai, ban đầu chỉ bán bàn ghế gỗ theo cách truyền thống, phụ thuộc vào khách quen và khách tình cờ ghé thăm cửa hàng.
Doanh thu từ xưởng bấp bênh vì có tháng cao, có tháng lại chẳng đủ trang trải chi phí.
Hiệu quả kinh doanh thay đổi khi anh Hùng đưa sản phẩm lên một sàn thương mại điện tử lớn. Ban đầu, anh chỉ mong tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
Tuy nhiên sàn thương mại điện tử không chỉ giúp tăng doanh số bàn ghế mà còn mang đến cơ hội cung cấp các dịch vụ đi kèm như tư vấn thiết kế nội thất, lắp đặt tận nơi và bảo hành sản phẩm.
Nhận thấy cơ hội, anh Hùng hợp tác với nhà tư vấn thiết kế nội thất, thuê đội thợ để lắp đặt tận nhà, rồi bảo trì và đánh bóng đồ gỗ theo định kỳ.
Ông Tuấn cho rằng doanh nghiệp Việt vẫn có nhiều lợi thế nếu hoạt động trong ngành có chi phí sản xuất không quá chênh lệch với hàng giá rẻ, và biết tận dụng nguồn lao động, nguyên liệu, cùng các chính sách ưu đãi.
"Các mặt hàng có tính tùy biến cao vẫn là một điểm mạnh của Việt Nam. Đặc biệt, những sản phẩm cần điều chỉnh theo thị hiếu vùng miền, nhu cầu đặc thù, hoặc yêu cầu độ linh hoạt trong sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp Việt có lợi thế" - ông Tuấn nói.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, anh Trần Lâm, sáng lập Julyhouse, cho biết để tạo lợi thế, thương hiệu này đã tập trung vào nguyên liệu thiên nhiên, minh bạch nguồn gốc và quy trình sản xuất nhằm xây dựng niềm tin với khách hàng.
Nhà sáng lập này cho rằng các thương hiệu kinh doanh hiệu quả không phải là những thương hiệu rẻ nhất, mà là những thương hiệu mang lại giá trị thực cho khách hàng.
Theo báo cáo của Tổ chức FAO và Nielsen, khoảng 73% người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm chi phí cho sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, tập trung vào sản phẩm chủ lực thay vì dàn trải danh mục hàng hóa, kết hợp với xây dựng thương hiệu có bản sắc riêng đang là hướng đi giúp doanh nghiệp nội địa tồn tại.
Việc đa dạng hóa kênh bán hàng và chăm sóc khách hàng cũng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nội trụ vững trước sự cạnh tranh gay gắt.
Cơ hội không chỉ ở nội địa
Có một số đặc điểm chung của các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển.
Thứ nhất là tìm ra phân khúc ngách và tận dụng lợi thế vùng miền. Ví dụ điển hình là Sokfarm, một doanh nghiệp tập trung vào dòng sản phẩm mật hoa dừa từ Trà Vinh, khai thác thế mạnh tài nguyên bản địa và kể câu chuyện hấp dẫn về sinh kế bền vững để tạo sự khác biệt.
Thứ hai là các doanh nghiệp biết ứng dụng công nghệ để tối ưu vận hành. Coolmate (thời trang nam) và Nerman (mỹ phẩm nam) là hai ví dụ điển hình.
Những doanh nghiệp này không chỉ tận dụng thương mại điện tử, mà còn xây dựng nền tảng công nghệ để đồng bộ dữ liệu, giảm chi phí nhân sự và tăng hiệu suất vận hành.
Mô hình tiếp theo là các doanh nghiệp biết "nương theo con sóng", tận dụng thương mại xuyên biên giới như Amazon, Alibaba để đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Xiaofeng Xu, quản lý cấp cao tại Sandler, Travis & Rosenberg - hãng luật chuyên về thương mại quốc tế, nhận định rằng chi phí sản xuất tại Việt Nam đôi khi cao hơn Trung Quốc trong một số ngành hàng.
Tuy nhiên, với mức thuế quan ngày càng gia tăng đối với hàng hóa Trung Quốc, tổng chi phí để đưa sản phẩm vào thị trường Mỹ có thể thấp hơn nếu được sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực may mặc và điện tử.
Ông cũng nhấn mạnh thương mại điện tử thường đòi hỏi quy mô sản xuất nhỏ và khả năng phản ứng nhanh với nhu cầu thị trường.
Do đó các nhà sản xuất Việt Nam nên cân nhắc việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thương mại điện tử, bởi đây có thể là cơ hội kinh doanh tiềm năng khi nhiều mặt hàng của Việt Nam vẫn được hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu vào Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận