10/02/2025 17:35 GMT+7

Mục tiêu tăng trưởng 20-22% cho thương mại điện tử: cách nào?

Theo nghị quyết số 25 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương vừa được Chính phủ triển khai, chỉ tiêu tăng trưởng của ngành thương mại điện tử đạt từ 20 - 22%. Các doanh nghiệp trong ngành nói gì?

Mục tiêu tăng trưởng 20-22% cho thương mại điện tử: cách nào? - Ảnh 1.

Tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C năm 2024 đã đạt 18-20%, hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Anh Tuấn - giám đốc chiến lược Hãng chuyển phát nhanh J&T Express Việt Nam - tin tưởng thương mại điện tử Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được tăng trưởng bứt phá, nhưng cần phối hợp nhịp nhàng.

Chỉ tiêu tăng trưởng lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam trong năm 2025 ở mức 20 - 22% là phù hợp với xu hướng phát triển hiện tại của thị trường. Từ 2021 - 2024, mỗi năm thị trường đều duy trì mức tăng trưởng 21 - 25%.

Giai đoạn 2022 - 2023, thị trường đã tăng trưởng đến 25%. Giai đoạn 2023 - 2025, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá có đầy đủ các yếu tố để phát triển sang giai đoạn mới, khi có nhiều sàn thương mại điện tử lớn thế giới gia nhập thị trường.

Trong khi đó, các nhà bán hàng và các sàn đã tồn tại cũng đã đúc kết được các kinh nghiệm để có thể bứt phá trong giai đoạn sắp tới.

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này cần có sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa các đơn vị trong hệ sinh thái như doanh nghiệp bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, công ty logistics và chuyển phát nhanh, các đơn vị cung cấp dịch vụ marketing, lưu trữ hạ tầng... và cơ quan chức năng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, cải thiện hạ tầng logistics và tăng cường các dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử.

"Chúng tôi sẵn sàng tăng cường hợp tác với các đối tác công nghệ, đơn vị trong hệ sinh thái để hướng tới xây dựng nền kinh tế thương mại điện tử phát triển xanh và bền vững", ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Ông Bùi Hữu Nghĩa - nhà sáng lập thương hiệu Vicolas - chuyên kinh doanh trên sàn thương mại điện tử) - cho rằng để phát triển thương mại điện tử tăng trưởng như mục tiêu chung, các doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu mạnh kiểm soát tốt dữ liệu khách hàng, thực hiện chiến lược marketing hiệu quả và tránh thế bị động.

Việc bán hàng qua các nền tảng số không đơn giản như nhiều người nghĩ. Người bán phải gánh nhiều loại chi phí, bao gồm phí quảng cáo, phí hoa hồng cho sàn, thuế và chi phí vận hành khác, có thể chiếm từ 35 - 45% doanh thu.

Thậm chí để duy trì lượng đơn hàng, nhiều thương hiệu chấp nhận giảm giá "cắt máu", liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi quanh năm, khiến chi phí còn đội lên cao hơn.

Người bán hàng cần cân nhắc giữa các kênh phân phối, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào sàn thương mại điện tử. Các nền tảng này luôn muốn đẩy mạnh giảm giá, tạo thói quen chờ khuyến mãi ở khách hàng, từ đó làm mất giá trị sản phẩm.

Ngoài ra, một vấn đề lớn là người bán không có quyền truy cập vào thông tin chi tiết của khách hàng, mà chỉ nhận được mã đơn hàng và các dữ liệu cơ bản phục vụ giao hàng. Điều này gây khó khăn cho việc chăm sóc khách hàng và xây dựng mối quan hệ lâu dài.

Trong nhiều trường hợp, khách mua hàng hoàn toàn qua nền tảng, không tương tác trực tiếp với thương hiệu.

Mục tiêu tăng trưởng 20-22% cho thương mại điện tử: cách nào? - Ảnh 2.Thủ tướng: Đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng

Nêu rõ ý nghĩa quan trọng của việc đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải ưu tiên tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên