![Bán hàng online không còn dành cho tay ngang! - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/bg-173633505486424887131-173916248857467743414.jpg)
Sầu riêng cấp đông được bán bằng hình thức livestream - Ảnh: N.TRÍ
Đây là "tiếng chuông" báo động đến các nhà bán hàng, nhất là các cửa hàng nhỏ lẻ, đã đến lúc phải thay đổi vì bán hàng online không còn chỗ cho những tay "vỡ lòng", tay ngang.
Thương mại điện tử đã thay đổi thói quen tiêu dùng và trở thành lối sống của con người trong thời đại số.
Trong bối cảnh này, các sàn thương mại điện tử cạnh tranh nhau, mỗi một sàn sẽ đưa ra nhiều quy định để hướng tới bảo tín thương mại, bảo vệ người tiêu dùng. Để tồn tại, trước hết các chủ cửa hàng phải "nằm lòng" luật và học cách không phạm luật.
Chẳng hạn làm sao để "né" điểm phạt, làm gì để duy trì liên tục chương trình khuyến mãi của sàn, rồi không bị giới hạn traffic (lượt tiếp cận khách hàng); cách nào để tránh vi phạm về tỉ lệ đơn hàng không thành công, giao hàng trễ… thậm chí tránh bị khóa tài khoản vĩnh viễn...
Lỗi thì nhỏ, nhưng chủ cửa hàng có thể bị phạt nặng, chưa kể có những "oan gia" từ khách hàng mà nhà bán hàng phải ôm trọn.
Với mức chi phí kinh doanh trên sàn thương mại điện tử đang dao động khoảng 15%, người bán còn phải mất thêm khoảng 10 - 20% khoản tiền khác liên quan đến thuế, phiếu quà tặng, quảng cáo…
Người bán phải cân đối giá vốn, chi phí và giá bán để không thua lỗ… Nhìn chung, khi bước vào sân chơi thương mại điện tử, "người chơi" phải tuân thủ rất nhiều điều "hà khắc" để tồn tại được.
Về phía người mua hàng, khi đã có xu hướng và thói quen chỉ mua sắm online, những lượt sao đánh giá hay những bình luận "lấy lòng" đã không còn ý nghĩa.
Mà những người bán có uy tín và có lượt bán cao mới bán được hàng. Những người mới bán hoặc có lượt bán thấp rất khó cạnh tranh nếu không đầu tư bài bản và có chiến lược phát triển.
Để có một lối ra, những nhà bán hàng nhỏ lẻ muốn vào sân chơi "không còn như xưa" đầu tiên cần lựa chọn một nền tảng thương mại điện tử thích hợp với sản lượng hàng hóa, nghiên cứu sản phẩm và thị trường, tạo ra mặt hàng có sức cạnh tranh để có sức theo đuổi.
Sau đó là thiết lập một nền tảng thương mại điện tử thích hợp, hiểu hoạt động kinh doanh trực tuyến và nắm bắt được các kịch bản kinh doanh, từ đó vận hành "shop" giao diện đẹp để mỗi khách hàng bước vào không khác vào cửa hàng truyền thống.
Phát triển kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến mở ra cơ hội giúp cho nhà bán hàng dễ dàng tiếp cận được nguồn khách hàng rộng lớn và tăng doanh thu.
Để vượt qua những khắc nghiệt này, mỗi nhà bán hàng cần xây dựng lòng tin của khách hàng; tạo dựng uy tín dựa trên các phản hồi từ khách hàng đã mua hàng; tận dụng cơ sở hạ tầng đang được đầu tư để rút ngắn thời gian giao hàng, tránh chờ đợi; sự trung thực trong các hình ảnh trực tuyến; cung cấp đầy đủ minh chứng về hàng hóa như xuất xứ, giấy bảo hành…
Có như vậy dù lớn hay nhỏ, dù phong ba bão tố, các nhà bán hàng online sẽ vẫn "sống khỏe" trên sàn thương mại điện tử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận