Tại hội thảo, các nhà làm phim trong và ngoài nước bàn tính chuyện phát triển các tác phẩm điện ảnh có cảnh quay tại Bình Định để quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh này.
Hội thảo nằm trong chương trình "Du lịch, điện ảnh và thể thao - Tự hào bản sắc Việt" năm 2024, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Bình Định tổ chức.
Cái khó... bó cái hay
Nhiều ý kiến cho rằng có một thực tế hiện nay là Chính phủ vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện đối với các nhà làm phim. Do đó các nhà làm phim gặp khó khăn trong việc lựa chọn, phát triển phim trường ở nước ta.
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú - chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - cho biết đến thời điểm này nước ta vẫn chưa có chính sách cho các địa phương sử dụng ngân sách để phối hợp, hỗ trợ cho các đoàn làm phim khi họ về địa phương quay phim.
Địa phương không có chi phí để quảng bá hình ảnh qua những bộ phim được quay tại nơi đó. Trong khi đây là việc làm mang hiệu quả cao để tiếp thị hình ảnh địa phương.
"Cái khó của chúng ta là cơ chế, chính sách không có. Thế nên dù lãnh đạo địa phương muốn giúp đoàn làm phim thì cũng không thể nào giúp được", ông Tú cho hay.
Nhà sản xuất, đạo diễn Đỗ Quang Minh chia sẻ để làm phim trường ở Việt Nam, ông gặp rất nhiều khó khăn và phải thông qua rất nhiều ban ngành ở một địa phương.
"Ví dụ như phim trường thác Lưu Ly (Đắk Nông) của tôi đến giờ sau 2 năm tiếp cận vẫn chưa được phép lưu trú.
Ở đây, muốn làm phim trường phục vụ điện ảnh, du lịch, thể thao thì trước tiên chúng tôi - những nhà làm phim - phải làm du lịch trước rồi mới làm phim sau.
Điều này cực kỳ khó. Do đó chúng tôi vẫn phải chờ cơ chế của địa phương và Chính phủ trước khi nghĩ tới những việc tiếp theo".
Bình Định có nhiều thế mạnh để thu hút người làm phim
Ông Hà Văn Siêu - phó cục trưởng Cục Du lịch Việt Nam - đánh giá võ cổ truyền Bình Định rất hấp dẫn và đặc sắc.
Nếu các tác phẩm điện ảnh được quay tại Bình Định với những cảnh quay về con người, văn hóa, võ thuật tại đây sẽ hứa hẹn vô cùng mãn nhãn, chinh phục được khán giả.
Đồng quan điểm trên, ông Ek Buntha - quốc vụ khanh Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia - nói Bình Định có rất nhiều lợi thế về phong cảnh, văn hóa, con người, võ thuật.
"Nếu các bạn khai thác tốt những tiềm năng này thông qua phim ảnh, du lịch, các bạn sẽ rất mạnh", ông Buntha nhận xét.
Trong khi đó, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết nếu Bình Định muốn hình ảnh của mình được lên phim thì phải thuyết phục các nhà làm phim tại sao bộ phim đó, câu chuyện đó phải thực hiện ở Bình Định. Nội dung phim cũng rất quan trọng chứ không chỉ riêng cảnh đẹp.
Nhà phát hành, doanh nhân Bùi Quang Minh thì nêu quan điểm Bình Định không nhất thiết cứ phải giới thiệu du lịch bằng cảnh đẹp. Nhiều khi cái đẹp nằm ở con người. Đó là những câu chuyện nhân văn, ý nghĩa, có chiều sâu về dân sinh cũng có thể làm phim để quảng bá du lịch.
"Những câu chuyện tuy nhỏ ấy có khi chỉ người dân nơi này được biết còn khắp nơi không biết, các bạn cần giới thiệu về nó để mọi người tìm đến. Đó cũng là một cách làm hiệu quả. Bình Định làm được những việc này thì chắc chắn sẽ có nhiều dự án phim tìm về", ông Minh chia sẻ.
Theo chuyên gia điện ảnh Thái Lan Sirisak Koshpasharin, hiện nay cả thế giới về Thái Lan để quay phim. Họ đến Thái Lan để quay tất cả các thể loại phim: tài liệu, phóng sự, quảng cáo…
"Các bạn hãy cho phép các đạo diễn sử dụng trí tưởng tượng của họ để làm phim. Nhà nước, chính quyền chỉ giám sát, cho cơ chế ưu đãi, tự khắc họ sẽ tìm đến các bạn. Bình Định đã có sẵn rất nhiều thuận lợi: thiên nhiên, con người, văn hóa… để các nhà làm phim tìm đến", ông Sirisak nói.
Hãy trân trọng, tạo cơ hội cho những nhà làm phim chưa nổi tiếng
Chuyên gia điện ảnh Thái Lan Sirisak Koshpasharin khuyên Bình Định chớ vội nghĩ đến những gì đó to lớn mà hãy cố gắng trân trọng những nhà làm phim đang tìm đến, dù là nhỏ.
Hãy tạo cơ hội cho cả những bộ phim nhỏ, cả những nhà làm phim chưa tiếng tăm được thử sức ở đây. Đó cũng là cơ hội của Bình Định trước khi nghĩ đến chuyện lớn hơn.
Đạo diễn Aaron Toronto chia sẻ thêm, các đoàn làm phim thế giới rất muốn về Việt Nam và Bình Định. Tuy nhiên, họ không biết liên lạc với ai.
Nếu liên hệ chính quyền không suôn sẻ, họ không biết phải xin giấy phép hoặc giấy tờ thủ tục như thế nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận