17/06/2020 09:58 GMT+7

Bắc Kinh dập dịch như thời chiến

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Thủ đô Bắc Kinh từng gia nhập trạng thái 'bán phòng thành' vào đầu tháng 2, rồi dần nới lỏng các hạn chế. Nhưng sau 4 tháng, Bắc Kinh giờ đây lại phải mạnh tay sau sự xuất hiện của ổ dịch mới bất ngờ như 'từ trên trời rơi xuống'.

Bắc Kinh dập dịch như thời chiến - Ảnh 1.

Các nhân viên y tế di chuyển tới một địa điểm lấy mẫu xét nghiệm những người sống gần chợ Tân Phát Địa hoặc gần đây tới chợ đầu mối này ở Bắc Kinh, hôm 16-6 - Ảnh: AFP

Ngày 16-6, Bắc Kinh ghi nhận thêm 27 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 ở thành phố này lên 106 chỉ trong vài ngày. Giữa bối cảnh đó, ít nhất 4 quận là Phong Đài, Triều Dương, Môn Đầu Câu và Đại Hưng ở Bắc Kinh đã bước vào "trạng thái thời chiến".

Gõ cửa từng nhà

Hồi tháng 2, khi đưa ra các chỉ đạo liên quan đại dịch COVID-19, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói: "Sự an toàn và ổn định của thủ đô liên quan trực tiếp tới đại cục công tác (chống dịch) của quốc gia".

Trong khi hàng chục ca nhiễm mới ở Bắc Kinh dường như không "nhằm nhò" gì so với hàng trăm và thậm chí hàng ngàn ca nhiễm được ghi nhận hằng ngày ở các nước khác, sự xuất hiện ổ dịch mới giống như một cơn địa chấn bất ngờ sau gần hai tháng yên ổn.

Do đó, chính quyền Bắc Kinh đang đẩy mạnh các biện pháp để xử lý tình hình. Trước hết là nỗ lực dập tắt ổ dịch ngay tại chợ Tân Phát Địa ở quận Phong Đài, nơi nhiều ca nhiễm lúc đầu được ghi nhận. 

Sau khi đóng cửa chợ, Trung Quốc tiếp tục phong tỏa nhiều khu dân cư lân cận và cấm bất cứ ai đi vào hay rời khỏi.

Người dân được kiểm tra thân nhiệt thường xuyên và thức ăn, nhu yếu phẩm sẽ được giao tới cho họ. Xung quanh các khu này luôn có lực lượng an ninh canh gác. Biện pháp này cũng được áp dụng ở những địa điểm xuất hiện nhiều ca nhiễm ở các quận khác.

Tiếp đến, Bắc Kinh tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, lập gần 200 điểm lấy mẫu xét nghiệm khắp thành phố. Bắc Kinh có hơn 20 triệu dân và nhà chức trách thành phố này cho biết họ có năng lực xét nghiệm 90.000 người/ngày.

Song song đó là nỗ lực truy vết. Các khu dân cư và các công ty đang thu thập thông tin từ các thành viên, để biết liệu họ gần đây có đến chợ Tân Phát Địa hay tiếp xúc với người từng tới chợ đầu mối này hay không.

Trang Kinh Báo của Trung Quốc ngày 16-6 đã đăng một bài viết về các biện pháp chống dịch quyết liệt đang được thực hiện tại các quận của Bắc Kinh với tiêu đề: Triển khai toàn diện "hành động gõ cửa", các quận kiên quyết chiến đấu trong trận đánh ác liệt này.

Chẳng hạn ngay sau khi bước vào "trạng thái thời chiến", quận Môn Đầu Câu đã tiến hành cuộc điều tra toàn diện theo "hình thức rải thảm", điều người đến gõ cửa từng nhà để xem liệu có ai đã đến chợ Tân Phát Địa gần đây hay không.

Ngoài việc kiểm tra nghiêm ngặt để không sót lọt ca nhiễm, chính quyền cũng tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ thường xuyên, không tụ tập đông người... và giữ giãn cách xã hội.

Cái khó của Bắc Kinh

Dù quyết liệt nhưng có thể thấy Bắc Kinh hiện nay chỉ áp dụng các biện pháp hạn chế ở những khu vực tìm thấy ca nhiễm. 

Chẳng hạn chỉ trường học ở những khu vực có rủi ro cao mới bị đóng cửa. Trong khi đó, tàu hỏa và nhiều loại hình vận tải khác đi và đến Bắc Kinh hiện vẫn còn mở.

Việc Bắc Kinh, trung tâm chính trị của Trung Quốc, không thể phong tỏa cả thành phố vốn có lý do. 

Giáo sư Hoàng Nghiêm Trung đến từ Đại học Seton Hall (Mỹ) bình luận cái giá của việc đóng cửa toàn diện để chống dịch hiện quá cao, khi mà dân số của Bắc Kinh lớn hơn nhiều so với Vũ Hán.

"Việc phong tỏa khắp Bắc Kinh sẽ không chỉ đảo ngược quá trình mở cửa lại nền kinh tế và xã hội, mà còn phá hoại đáng kể câu chuyện của Trung Quốc về thành công trong công tác chống dịch" - ông nói.

Do đó, với việc truy vết và xét nghiệm quy mô lớn đang được tiến hành, những ngày tới sẽ quyết định liệu Bắc Kinh phải áp dụng lại các biện pháp chống dịch khắt khe như cách đây nhiều tháng hay không, khi công sở, nhà hàng bị đóng cửa và các cuộc tụ tập đông đúc cũng bị cấm.

"Số ca nhiễm được ghi nhận tại Bắc Kinh trong 3 ngày tới sẽ quyết định hướng đi của dịch" - nhà dịch tễ học Ngô Tôn Hữu đến từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) bình luận tối 15-6.

Bắc Kinh đã ghi nhận ca bệnh COVID-19 đầu tiên sau gần hai tháng, hôm 11-6. Ông Ngô ngày 15-6 nói rằng đối với những người đã nhiễm bệnh, nếu phát bệnh thì sẽ trong khoảng 2 ngày nữa và sau đó nếu số ca nhiễm không tăng cao thì có thể nói rằng dịch bệnh về cơ bản đã ổn định.

Đài Loan dự trữ chống dịch

Hãng tin Bloomberg ngày 16-6 cho biết trong bối cảnh Trung Quốc đối phó làn sóng COVID-19 thứ hai, Đài Loan - một trong số ít nền kinh tế chống dịch hiệu quả với các biện pháp quyết liệt từ sớm - một lần nữa đang dự trữ các nguồn lực để đối phó làn sóng dịch tiếp theo.

Ông Lâm Toàn Năng, phó lãnh đạo Cơ quan kinh tế Đài Loan, cho biết Đài Loan sẽ dự trữ năng lượng, lương thực, thiết bị bảo hộ cá nhân, máy thở, khẩu trang và các vật tư y tế khác.

Bắc Kinh đóng cửa toàn bộ trường học, yêu cầu dân không rời thành phố Bắc Kinh đóng cửa toàn bộ trường học, yêu cầu dân không rời thành phố

TTO - Sau khi ổ dịch mới bùng phát ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã phải lần thứ hai yêu cầu đóng cửa toàn bộ trường học ở thủ đô để phòng dịch.


BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên