05/06/2018 11:04 GMT+7

Bà mẹ Sài Gòn

PHẠM MINH HIỀN (Câu lạc bộ tình nguyện Lửa Ấm, Gò Vấp, TP.HCM)
PHẠM MINH HIỀN (Câu lạc bộ tình nguyện Lửa Ấm, Gò Vấp, TP.HCM)

TTO - Hơn 13 năm nay, tôi sống trong gia đình của ba má, tôi được tất cả mọi người đối đãi như con, như cháu. Tôi thấy phận mình quá đỗi hạnh phúc, sống bên cạnh những người bao dung, trên mảnh đất bao dung này!

Tôi không có ba. Mẹ tôi mất năm tôi lên 6 tuổi. Tôi không anh chị, không họ hàng thân thuộc. Tôi bám víu vào nhiều mảnh tình trong xã hội để học hành, để lớn lên.

Từ một người dân tỉnh lẻ Kiên Giang, tôi lang bạt lên đất Sài Gòn mưu sinh. Ngày tôi ôm túi quần áo vào hồ bơi ở quận Gò Vấp xin làm nhân viên tạp vụ, cũng là ngày định mệnh rẽ hướng cuộc đời tôi sang trang khác.

Tôi làm được khoảng vài tháng, bà chủ hỏi thăm tôi về hoàn cảnh gia đình mình. Tôi kể thật: là trẻ mồ côi, được bố mẹ nuôi ở Kiên Giang nuôi nấng cho đi học xong phổ thông. Bố nuôi đột ngột qua đời. Gia đình bắt đầu gieo neo. Tôi xin ra khỏi nhà để bắt đầu cuộc sống tự lập...

Từ ngày ấy, trong mọi bữa cơm, ông bà chủ kể chuyện cho tôi nghe nhiều hơn, là chuyện những khó khăn ngày xưa mà bà đã trải qua. Những chuyện rất riêng tư của một gia đình tôi đều được nghe bà kể. Những câu chuyện truyền cho tôi ngọn lửa phấn đấu...

Rồi ông bà chủ cho tôi đi học lấy một cái nghề, vừa làm vừa học. Sau khi tốt nghiệp, tôi được ông bà chủ cho về làm hướng dẫn viên bơi lội. Hằng ngày, tôi được những trẻ em gọi mình bằng "thầy", cái danh phận ấy, tôi có mơ... cũng không thể nào có được.

Cách đây khoảng 6 năm, vào dịp tết, bà chủ bảo tôi chọn trong phòng coi chỗ nào đó cao ráo, rồi xuống nhà rinh cái tủ thờ vào phòng, đem di ảnh mẹ tôi và bát hương vào đó để thờ. 

Tôi bất ngờ, hỏi: "Sao cô lại cho con thờ cúng mẹ con trong nhà của cô?". Bà cười hiền lành: "Có gì đâu, thờ cúng người đã khuất cũng là phước phần của mình. Và cũng muốn cho bây có chỗ mà hương khói cho mẹ ba ngày tết!". Tôi quay đi, lau nước mắt...

Và từ đó, cứ đến ngày giỗ mẹ hằng năm, bà chủ lại dạy tôi chuẩn bị các thứ: lau dọn bàn thờ, trái cây, cơm nước... Bà dạy tôi cách nấu món này món nọ để cúng mẹ ngày giỗ.

Có một lần sau bữa giỗ, bà nói chuyện với tôi: "Đó, cuối cùng mình cũng trưởng thành mà làm một ngày giỗ cho mẹ mình thật tươm tất. Cứ như vậy, mỗi năm mà tự làm. Làm một bữa cơm nhỏ, mời ai đó thân thích với mình tới ăn với mình bữa cơm ấm cúng mà tưởng nhớ tới mẹ. Số phận mình đã vậy, không có ai làm ruột thịt mà gọi là gia đình, thôi thì... bây hãy coi xã hội là gia đình. Vì bây lớn lên trong lòng xã hội và được tử tế như hôm nay".

Nước mắt tôi chảy dài. Từ tận đáy lòng mình, tôi đáp: "Dạ, con cám ơn má!". Khi bà nghe tôi gọi bà bằng má, tôi thấy bà chớp mắt thật nhiều, hít sâu, giữ cơn xúc động trong lồng ngực.

Hơn 13 năm nay, tôi sống trong gia đình của ba má, tôi được tất cả mọi người đối đãi như con, như cháu. Và câu nói "hãy xem xã hội là gia đình" đã giúp tôi chừng ấy thời gian không còn oán trách số phận mình. Tôi thấy phận mình quá đỗi hạnh phúc, sống bên cạnh những người bao dung, trên mảnh đất bao dung này!

Năm 2016, tôi quyết định thành lập một câu lạc bộ tình nguyện. Dẫn đưa câu lạc bộ ấy đi đến biết bao nhiêu vùng miền, đã đem lại rất nhiều niềm tin mới, hi vọng mới cho biết bao nhiêu trẻ em khó khăn. 

Tôi mỗi ngày chăm chút cho CLB của mình, với chí hướng "xem xã hội là gia đình", đang ngày lớn mạnh, và chúng tôi đem rất nhiều hi vọng đẹp đến cho trẻ em khó khăn, như tôi ngày xưa.

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Chiếc ghế đá bệnh viện Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Chiếc ghế đá bệnh viện

TTO - Tôi nhận kết quả tại phòng khám nhưng không mở ra ngay, mà cầm ra ngoài sân bệnh viện. Chọn một cái ghế đá cạnh gốc cây, tôi bóc ra.

Bà mẹ Sài Gòn - Ảnh 2.
PHẠM MINH HIỀN (Câu lạc bộ tình nguyện Lửa Ấm, Gò Vấp, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên