27/02/2024 11:27 GMT+7

Ba đời làm nông dân giữa thành phố

Có một góc mộc mạc chân quê ngay giữa TP.HCM hiện đại, nơi đàn trâu gặm cỏ, vịt chạy trên cánh đồng bát ngát và những người nông dân sớm chiều làm ruộng suốt nhiều năm qua.

Cha bị bệnh, anh Trí đảm đương việc nặng

Cha bị bệnh, anh Trí đảm đương việc nặng

Lúc đầu gia đình cũng bàn định bán đàn trâu cho cha đỡ cực mà giá bây giờ bèo quá, chỉ bằng một nửa so với hai năm trước. Tui thấy tiếc quá nên bấm bụng phụ tới khi có giá thì bán chứ tiền bạc chẳng có bao nhiêu, vợ tui ở nhà cũng nóng ruột chạy ăn từng bữa.
Anh NGUYỄN CÔNG TRÍ

Hễ đi gần tới chân cầu Phú Mỹ phía phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức), người ta lại hay nghe tiếng "quạc quạc" của bầy vịt gần trăm con, cảm nhận cơn gió thoảng qua thơm mùa lúa chín và đôi lúc còn ngửi cả cái mùi ngai ngái từ đàn trâu vừa đi ăn cỏ về.

Một miền quê thu nhỏ

Bầy trâu, đàn vịt, cánh đồng ấy là tài sản của vợ chồng ông Nguyễn Văn Kim (65 tuổi) và bà Phạm Thị Vân (63 tuổi), hai người tự nhận là nông dân chính hiệu đã gắn bó với ruộng đồng.

Đến căn chòi mộc mạc của vợ chồng ông chẳng khác nào một miền quê thu nhỏ, ngó sang bên kia sông là khu đô thị sầm uất với các chung cư cao tầng và các công trình đang xây dựng.

Gọi vợ chồng ông Kim là dân du mục thì không hẳn, vì ông cho biết mình đã ba đời gắn bó với mảnh đất phồn hoa này để làm ruộng.

Nhưng nếu nói ông an cư cũng không đúng, vì cái chòi hiện tại đã là... cái thứ sáu mà người đàn ông này dựng lên sau khi bị chủ đầu tư yêu cầu dời đi ở cánh đồng đối diện.

Đó cũng là lý do ông không dám dựng căn chòi kiên cố vì khoảnh ruộng của ông nằm trong diện quy hoạch, được chủ đầu tư cho phép ở. Bởi vậy, ông luôn sẵn sàng cho trường hợp bị yêu cầu dời đi là sẽ dời chòi ngay.

Thứ quý giá nhất trong chòi vợ chồng ông Kim có lẽ là tấm pin năng lượng mặt trời. "Dành dụm mua được mấy năm nay chứ trước kia vợ chồng tui xài đèn dầu không hà, giờ có điện thắp sáng, nấu cơm tiện hơn nhiều rồi", ông Kim kể.

Đàn trâu 13 con của vợ chồng ông là thành quả những ngày đi chăn thuê, gầy được ba con nghé rồi nuôi cho tới giờ.

Ông nói làm nông dân là do hoàn cảnh đưa đẩy, chứ bắt ông vào trung tâm TP chẳng biết mần gì để mà ăn.

Ông Kim lùa đàn trâu xuống kênh để con trai dắt đi ăn

Ông Kim lùa đàn trâu xuống kênh để con trai dắt đi ăn

Đứng từ bên kia TP nhìn sang, khoảnh ruộng của ông Kim xinh đẹp, bình yên đến lạ. Nhưng khi hỏi, ông lại than thở tiền bạc kiếm được chẳng bao nhiêu, ông có năm đứa con mà chỉ đủ tiền lo cho đi học hết tiểu học.

Ông Kim cho rằng cái sướng nhất của ông là được làm chủ chính mình. "Dậy sớm thì ra đồng sớm, mệt giờ nào nghỉ giờ đó, không bị ai quản lý la rầy.

Đi ra đồng suốt ngày như vầy về ngủ cũng ngon lắm à nghen", ông Kim cười chất phác.

Làm nông dân ở Sài Gòn

Ngày mới của vợ chồng nông dân này bắt đầu từ 5h sáng. Bà xách rổ ra đồng hái mớ rau dại chuẩn bị luộc, sẵn kiếm vài búp sen để trưa đi bán.

"Giàu thì không thể, chứ kiếm 100.000 - 200.000 đồng mỗi ngày nhờ búp sen, bông sen hay vài con cá dưới ruộng thì thoải mái", bà Vân cười nói.

Ngồi chéo nguẩy ngó ra cánh đồng bát ngát đã thu hoạch, người đàn ông ở tuổi lục tuần có nước da sạm đen quả đoán hôm nay trời nắng gắt, phải tranh thủ phơi lúa phụ vợ và cậu con trai cả để lùa đàn trâu đi sớm.

Anh Trí bơi xuồng đưa đàn trâu đi ăn cỏ - Ảnh: NHƯ VIỆT

Anh Trí bơi xuồng đưa đàn trâu đi ăn cỏ - Ảnh: NHƯ VIỆT

Cách đây một năm, ông Kim bị tai biến, dù may mắn thoát tử thần nhưng sức khỏe ông đã xuống. Việc chăn thả bầy trâu đi đến vài cây số giờ trở nên quá khó với cái chân tập tễnh, nên ông phó thác lại cho người con trai cả vốn đã quen phụ cha từ nhỏ.

Cậu trai cả Nguyễn Công Trí vừa đến, cả gia đình xúm nhau mỗi người một việc trước khi mặt trời lên đỉnh. Ông Kim mở bạt đậy lúa, vơ lấy một nắm xem thử đã khô tới đâu, rồi giao lại cho anh Trí và bà Vân đang xách hai cái cào to tướng đi sau.

Ông Kim nói lúa ở đây mần được có một mùa, giữ để ăn với nuôi vịt chứ không bán. Nhìn cách vợ chồng ông và anh Trí nâng niu từng hạt vàng sau mùa vụ mới thấu được cái cực của người nông dân, nhất là nông dân canh tác trên mảnh ruộng quy hoạch đầy thấp thỏm.

Bước vội theo ông trên bờ ruộng, tôi bất ngờ khi đằng sau chòi ông Kim còn "giấu" một mớ lúa được trồng trong chậu rất chỉn chu.

"Hôm bữa tui đi ngang chợ thấy người ta chưng lúa bán Tết, về mình bắt chước học theo xem tới đó ai mua thì bán. Trồng lúa trên đồng thì dễ ẹc mà sao trồng trong này phức tạp, canh thời gian, chỉnh cho nó bung xõa đủ kiểu", ông Kim nhìn mấy cây lúa kiểng lắc đầu cười.

Xong việc lặt vặt, ông mở cửa chuồng dẫn đàn trâu ra con kênh trước nhà để anh Trí chèo xuồng lùa xuống đồng cỏ cho ăn. Đàn trâu nhìn có vẻ "bướng" nhưng đã quen hơi chủ, ông Kim cầm cây roi quất nhẹ điều hướng là cả đàn đi theo răm rắp.

Tới kênh, ông giao lại cho con lùa đi nhưng vẫn cố dõi theo đàn trâu đến khi khuất bóng...

Thế hệ nông dân cuối cùng

Ông Kim thử trồng lúa kiểng để bán dịp Tết - Ảnh: NHƯ VIỆT

Ông Kim thử trồng lúa kiểng để bán dịp Tết - Ảnh: NHƯ VIỆT

Lùa trâu dọc theo con kênh sang đồng cỏ cách đó chừng 2km, anh Nguyễn Công Trí cắm xuồng, mua vội bịch bánh cam rồi xách lủng lẳng đi phía sau đàn trâu.

Nhìn công việc có vẻ dễ, nhưng tới nơi cả tôi và anh đều vã mồ hôi hột. Anh Trí cho biết mùa này cỏ ít, phải dẫn đi xa chứ như mùa mưa thì cỏ bao la tha hồ cho trâu ăn.

Cả ngày anh phải luôn theo sát đàn trâu, nhất là ở những bãi cỏ gần khu dân cư để tránh trâu chạy ra đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Ngồi dưới gốc cây tránh nắng, chàng trai 38 tuổi nói không hề muốn nối nghiệp cha mình vì thu nhập từ chăn trâu, làm ruộng chẳng đáng là bao. Trước đây anh làm công nhân, vì thất nghiệp mấy tháng nay nên mới về phụ cha chăn trâu.

Đến khoảng 15h, anh dẫn trâu về giao lại cho ông Kim rồi về nhà. Nhìn theo bóng lưng người con, ông Kim chắt miệng: "Giờ nó thất nghiệp giao cho nó làm đỡ, đợi trâu có giá thì tôi bán. Chắc tôi là đời cuối cùng gắn bó với khoảnh ruộng, con trâu ở nơi này rồi".

Dứt lời, ông dắt đàn trâu vào chuồng rồi ăn cơm với vợ, bữa cơm chiều đạm bạc của họ là đĩa rau lang luộc cùng con cá phi ông vừa câu dưới ruộng lên. Nếu là ngày cuối tuần, mâm cơm sẽ rộn rã tiếng cười con cháu, còn như hôm nay thì vắng hoe.

Đêm TP lên đèn rực rỡ cũng là lúc căn chòi nhỏ xíu nơi chân cầu Phú Mỹ chỉ còn thấy được loáng thoáng cái bóng của vợ chồng nông dân dưới ánh đèn lòe nhòe, hiu hắt.

Nhưng cặp vợ chồng ở tuổi lục tuần này vẫn chưa bao giờ than thở lấy một lời. Khi hỏi, họ đều đáp gọn rằng sống vậy đã quen rồi!

Họ quen với tiếng ễnh ương ngoài ruộng như một bản hòa ca khi mặt trời khuất bóng, quen với khung giờ mà đàn muỗi "hành quân".

Những giấc ngủ ngắn giật mình giữa đêm cũng trở thành một nếp quen của đôi vợ chồng già để canh giấc cho đàn trâu, bầy vịt giữa chốn đồng không mông quạnh.

Sau ông Kim, khoảnh ruộng nơi chân cầu Phú Mỹ nhiều khả năng sẽ không còn được canh tác, những tòa nhà chọc trời rồi sẽ mọc lên, nhưng người đàn ông 65 tuổi cho hay đã chuẩn bị tâm lý cho việc này cả rồi.

Nghề hấp cá vào vụNghề hấp cá vào vụ

Huyện Gio Linh (Quảng Trị) có nghề hấp cá rồi phơi khô để xuất khẩu. Nắng càng to nghề càng tất bật, cho thu nhập cao hơn nhưng cũng đầy vất vả.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên