26/02/2024 13:32 GMT+7

Bình yên trong những 'ngôi nhà cấp ủy'

Tám năm, từ ngày Huyện ủy Bình Sơn, Quảng Ngãi phát động xây dựng "ngôi nhà cấp ủy" cho đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng có cuộc sống khó khăn, bệnh tật..., đến nay nghĩa tình ấy đã lan tỏa khắp nơi.

Bà Bùi Thị Ngọc Thanh (phải) đến thăm bà Lữ Thị Loan, người cán bộ địa phương từ chiến tranh đến tận thời bình, ngày bà về hưu cũng đơn độc và được hỗ trợ xây dựng “ngôi nhà cấp ủy” - Ảnh: TRẦN MAI

Bà Bùi Thị Ngọc Thanh (phải) đến thăm bà Lữ Thị Loan, người cán bộ địa phương từ chiến tranh đến tận thời bình, ngày bà về hưu cũng đơn độc và được hỗ trợ xây dựng “ngôi nhà cấp ủy” - Ảnh: TRẦN MAI

Bà Hà Thị Anh Thư, phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi (năm 2017 là bí thư Huyện ủy Bình Sơn), nhớ lại: "Hồi đó, tôi làm bí thư Huyện ủy, trong một lần họp chi bộ thôn Vạn Tường, thấy chi bộ góp 210.000 đồng để giúp một người đồng đội có tiền nuôi cháu. Người nhận, người cho đều hạnh phúc. Huyện ủy cảm kích và cũng trăn trở tại sao không mở rộng nghĩa tình của chi bộ thôn Vạn Tường.

Thế là "ngôi nhà cấp ủy" được phát động để giúp các cô chú thương binh, cán bộ... khó khăn có nhà cửa sinh sống".

Ở nơi khởi nguồn

Theo chân cán bộ Huyện ủy Bình Sơn đến với những người đã tận hiến đời mình cho đất nước, càng thấu hiểu đạo lý uống nước nhớ nguồn quý giá đến nhường nào. Bà Bùi Thị Ngọc Thanh, phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Sơn, nói: "Dịp Tết, ngoài chăm lo cho người nghèo, thì quan tâm đến gia đình chính sách, người có công là việc phải làm. Nhất là những cô chú đi qua chiến tranh có cuộc sống còn khó khăn".

Nói về "ngôi nhà cấp ủy", bà Thanh rất trân trọng. Rồi bà kể về những người đồng đội của cha mẹ mình tham gia cuộc chiến thống nhất sơn hà, rồi họ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của Tổ quốc sau ngày non sông thu về một mối. Vậy mà khi trở về cuộc sống bình thường rất nhiều cô chú có cuộc sống khó khăn. Nhưng chẳng ai than vãn, trách móc. Họ lặng lẽ sống.

"Khi "ngôi nhà cấp ủy" được phát động, những căn nhà được hình thành bởi nghĩa tình của đồng đội, đồng chí và những tấm lòng thật sự rất ý nghĩa. Nhìn các cô chú rưng rưng khi bước vào ngôi nhà mơ ước của đời mình mà tất cả phải rưng rưng", bà Thanh nói.

Chiếc xe dừng lại trong xóm nhỏ, bà Thanh cùng cán bộ Huyện ủy mang quà Tết vào nhà bà Trần Thị Bích Đào (77 tuổi, xã Bình Trung). Đón tiếp bằng nụ cười nồng hậu, bà Đào khoe căn nhà cấp ủy của mình, và nói: "Có số tiền hỗ trợ của Huyện ủy, tôi mới dám thêm tiền vô làm căn nhà này. Nhà mới ở sướng lắm, bão lũ không lo như khi ở nhà cũ".

20 tuổi, cô gái người Nghệ An bước vào cuộc chiến, làm y tá cứu chữa cho những người lính bị thương. Có lần bà được điều động qua Lào tận hai năm. Ông Phạm Văn Bảng (83 tuổi, chồng bà Đào) là một người lính tham gia chiến cuộc, rồi tập kết ra Bắc thì gặp bà. Họ nên duyên vợ chồng, nhưng mỗi người làm nhiệm vụ của mình.

Chiến tranh kết thúc, ông Bảng đưa bà Đào về xã Bình Trung sinh sống, bà tiếp tục làm y tá ở Trung tâm y tế huyện, còn ông xuất ngũ về bôn ba làm lụng nuôi con.

Vất vả, căn nhà ông bà dựng lên từ khi trở về Quảng Ngãi sau mấy chục năm đã rệu rã, cũng chẳng thể làm lại được. Mãi đến năm 2022, Huyện ủy Bình Sơn ngõ ý hỗ trợ ông bà xây dựng "ngôi nhà cấp ủy", nguyện ước cả đời mới thực hiện được. Ở tuổi xế chiều, ông Bảng nói nhìn bàn thờ tổ tiên tươm tất dịp Tết là điều hạnh phúc nhất.

Tôi vui nhất là căn nhà khang trang này đến từ cấp ủy, đến từ sự tử tế nghĩa tình của những người đồng chí, đồng đội. Tôi cảm ơn sự tử tế ấy.
Ông LÊ VĂN PHỤNG

Tỏa đi sự tử tế, nghĩa tình

Câu chuyện ấm áp nghĩa tình hòa cùng quá khứ, hiện tại của bà Đào thật sự ấm áp. Dòng sông Trà Bồng vẫn xanh thẳm như bao đời, những năm chiến tranh con sông hứng chịu những cuộc giao tranh quyết liệt, bao người đã ngã xuống cho Tổ quốc đứng lên. Bà Lữ Thị Loan (thị trấn Châu Ổ) đã ngoài 70 tuổi, sống cô quạnh ở căn nhà nơi hẻm nhỏ.

Cũng như bao người đảng viên, người lính, cán bộ được hỗ trợ xây "ngôi nhà cấp ủy", bà Loan giấu niềm riêng để vui chung. Mải miết lo việc Đảng, Nhà nước giao phó khi về già bà chẳng có cho mình một tổ ấm riêng. Gần 50 tuổi bà mới "rổ rá" cùng một người đàn ông mất vợ, cứ tưởng có chỗ nương tựa tuổi già, nào ngờ ông đau ốm rồi qua đời sau mấy năm gắn bó, bà lại lặng lẽ sống.

Đời tạm bợ, đến căn nhà cũng liêu xiêu. Năm 2020, Huyện ủy Bình Sơn ghé thăm, thấu cảm hoàn cảnh và những đóng góp của bà Loan đã hỗ trợ bà xây dựng "ngôi nhà cấp ủy". Mấy cái Tết trôi qua, bà Loan bảo rằng rất cảm kích tấm lòng của đồng chí thế hệ sau, luôn nghĩ đến thế hệ đi trước.

Nói chuyện mình, bà Loan không quên hỏi thăm công việc của Huyện ủy Bình Sơn và căn dặn lãnh đạo huyện Bình Sơn đến thăm những cán bộ lão thành dịp Tết. "Các cháu ghé thăm, tôi rất hạnh phúc. Nhiều cán bộ lão thành neo đơn như tôi cũng mong được động viên từ thế hệ con cháu", bà Loan nói.

Ông Võ Văn Đồng, bí thư Huyện ủy Bình Sơn, bảo rằng những "ngôi nhà cấp ủy" mà Huyện ủy và Đảng ủy các xã phát động xây dựng là lời nhắc nhở các thế hệ luôn nhớ đến công lao của cha anh. Từ khi khởi phát đến nay, "ngôi nhà cấp ủy" là điểm tựa của sự đoàn kết, tử tế và sẻ chia trong tổ chức Đảng.

"Huyện ủy Bình Sơn rất vui khi hay tin "ngôi nhà cấp ủy" lan tỏa đến nhiều địa phương khác trong cả nước", ông Đồng nói.

Những năm gần đây, Tỉnh ủy Phú Thọ đã xây dựng rất nhiều "ngôi nhà cấp ủy". Đảng viên có hoàn cảnh khó khăn được sống trong nhà mới thắm tình đồng chí, đồng đội. Bà Hà Thị Anh Thư đọc những thông tin này và nói: "Những điều tử tế, gần gũi luôn lan tỏa. Dịp đầu xuân, năm mới lướt qua tin tức về "ngôi nhà cấp ủy" tôi và nhiều người rất vui. Đây không chỉ là đạo lý đền ơn đáp nghĩa mà còn là sự yêu thương gắn bó của cấp ủy".

Tại Quảng Ngãi, dịp này Huyện ủy Mộ Đức cũng kịp hoàn thành hai "ngôi nhà cấp ủy" trao cho gia đình đảng viên Bùi Khánh Dư và Lê Văn Phụng kịp có nhà mới. Trong căn nhà còn thơm mùi vôi, ông Dư (xã Đức Chánh) không giấu được niềm vui. Đẩy chiếc xe lăn ra sân nhìn ngắm ngôi nhà của mình, ông Dư nói: "Ngôi nhà này với tôi như một giấc mơ, nhưng giấc mơ này lại có thật. Gần 80 tuổi, lần đầu tiên tôi được niềm vui lớn đến vậy".

Có đi, có đến mới thấy được hạnh phúc của những người đảng viên sống trong "ngôi nhà cấp ủy". Người nhận chung cảnh mải miết lo cho việc chung mà quên mất niềm riêng của mình. Đảng viên Lê Văn Phụng (xã Đức Hiệp) bảo rằng Huyện ủy Mộ Đức hỗ trợ sửa lại căn nhà ngay trước Tết như giúp ông sống lại nhiệt huyết tuổi trẻ của mình.

Hai năm triển khai mô hình "ngôi nhà cấp ủy", sáu căn nhà đã được Huyện ủy Mộ Đức xây dựng cho đảng viên có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình cũ xuất phát từ huyện Bình Sơn tám năm trước và lan tỏa khắp cả nước nhưng Huyện ủy Mộ Đức xem đây là mô hình mới.

"Những năm tới, Huyện ủy sẽ cố gắng phát động cán bộ đảng viên đóng góp xây dựng ít nhất hai căn nhà mỗi năm. Đây là việc làm để các cấp ủy sẻ chia và ngày một vững mạnh trong các tổ chức Đảng", ông Trần Minh Phúc, trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mộ Đức, nói.

Hạnh phúc trong Hạnh phúc trong 'ngôi nhà trái tim'

Bức ảnh ngôi nhà có hình trái tim đã rất nổi tiếng sau khi thắng giải Highly Commended trong cuộc thi Drone thế giới. Và bước vào căn nhà ấy, người ta sẽ hiểu câu "một túp lều tranh hai trái tim vàng" nghĩa là gì.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên