8h sáng, anh Phạm Quang Minh đỗ xịch chiếc xe ô tô trước cổng mái nhà chung tình thương cho người nghiện ma túy, nhiễm HIV ở thôn Khe 5 (xã Sơn Kim 1, Hương Sơn, Hà Tĩnh).
Vừa xuống trạm y tế uống Methadone, anh Minh đã "thu nạp" được hai thành viên mới đến xin gia nhập câu lạc bộ.
Hạt nhân về "H"
13 năm qua, câu lạc bộ tình thương là địa chỉ quen thuộc của những người nghiện ma túy, nhiễm HIV. Đây là sáng kiến của ban chỉ huy đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh.
Ở câu lạc bộ, anh Minh được ví là hạt nhân nòng cốt tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là cảm hóa được những đối tượng nghiện ma túy và nhiễm HIV.
Lần giở lại ký ức, anh kể ngày trước là dân buôn gỗ qua biên giới Việt - Lào, nghe lời rủ rê nên tìm đến "thuốc". Lỡ sa vào con đường nghiện ngập, anh Minh chỉ lo đi tìm thuốc mà bỏ bê công việc, sức khỏe giảm sút, công việc cũng lụi dần.
Dù không bàn tán trước mặt, sau lưng dân làng lại kháo nhau tránh xa những "con nghiện". Thế nhưng, bộ đội biên phòng lại tạo điều kiện cho anh Minh vào câu lạc bộ, giúp "con nghiện" có việc làm, từ bốc xếp, dỡ hàng hóa cho đến trồng cây, nhận con giống để chăn nuôi. Được biên phòng cảm hóa đến nay anh Minh được ví như "tấm gương trở về nẻo thiện", tu chí làm ăn và gầy dựng được sự nghiệp.
"May nhờ có đồn biên phòng, có hội phụ nữ giúp đỡ thì mình mới được như bây giờ. Nếu không có những người đó, chúng tôi cũng không biết đi đâu về đâu, cũng có thể không còn sống rồi" - anh bộc bạch.
Cạnh bên, anh Nguyễn Mạnh Cường (35 tuổi, thị trấn Tây Sơn, Hương Sơn) chia sẻ anh biết về mái nhà chung cho người nghiện ma túy từ lâu, nay anh đến "gõ cửa" viết đơn xin gia nhập câu lạc bộ.
"Phải thay đổi thôi, nghiện ngập nên gia đình, mọi người không tin tưởng nữa. Giờ mình phấn đấu lấy lại lòng tin của mọi người. Làm sẽ rất khó, nhưng khó mấy cũng cố gắng. Mình xin tham gia câu lạc bộ để học hỏi anh em, học hỏi anh Minh, mình muốn làm lại cuộc đời!" - anh Cường quả quyết.
Gieo tình thương nơi "điểm nóng"
Trung tá Phan Văn Thông - đội vận động quần chúng, đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, gắn bó với câu lạc bộ từ những ngày đầu thành lập - hồi tưởng vào những năm 2004 - 2010, xã Sơn Kim 1 được coi là "điểm nóng" về tệ nạn ma túy và HIV.
Rất nhiều con em trên địa bàn đã dính vào ma túy, nổi lên nhiều đối tượng "cộm cán" gây mất trật tự an toàn xã hội, thậm chí còn gieo rắc cho người dân nỗi sợ hãi về "cái chết trắng".
Trước tình hình đó, ban chỉ huy đồn biên phòng quyết định phải làm công tác điều tra cơ bản, xác định rõ các thành phần lầm lỡ, từ đó tuyên truyền, vận động, tập hợp các đối tượng để quản lý riêng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi khu vực biên giới.
Tháng 6-2010, câu lạc bộ tình thương dành cho người nghiện ma túy, nhiễm HIV được thành lập. Ban đầu người dân ai cũng né tránh, họ kháo nhau đó là mái nhà dành cho người nghiện ma túy, người nhiễm "H".
"Qua nhiều lần tuyên truyền, bằng cách dùng các hạt nhân với nòng cốt là chính quyền địa phương, người có uy tín, thành viên nhiễm HIV đã được cảm hóa cùng với bố mẹ, vợ chồng hoặc con cái của người nhiễm HIV để động viên họ. Dần dần họ chịu gặp, nghe theo và tin tưởng cách làm của chúng tôi" - anh Thông kể.
Bà Trần Thị Giản (63 tuổi, trước kia là chi hội trưởng hội phụ nữ thôn Khe 5) cũng nhớ lại ngày trước những người nghiện, nhiễm HIV rất mặc cảm, tự ti, không ai dám vào câu lạc bộ vì sợ bị mang tiếng nghiện ngập. Bà nghĩ đã làm công tác này thì phải giúp người dân. Do đó, gia đình bà không kỳ thị, xa lánh, trái lại còn chia sẻ với người nghiện ma túy, nhiễm HIV.
"Từ ngày đó đến nay số lượng con em nghiện hút giảm hẳn, có người vô câu lạc bộ đã cai nghiện được, có người chăm chỉ uống thuốc Methadone thì sức khỏe tốt lên, chí thú làm ăn" - bà Giản bày tỏ.
Trao "cần câu cơm" cho người nhiễm HIV
Với sự đồng hành của bộ đội biên phòng, của chính quyền địa phương, từ 15 thành viên đầu tiên đến nay câu lạc bộ đã tập hợp được 65 thành viên tham gia, duy trì sinh hoạt đều đặn vào ngày 16 âm lịch hàng tháng.
Tại mỗi buổi sinh hoạt, trung tá Thông sẽ cập nhật tin tức về các vụ án, chuyên án ma túy lớn vừa được bộ đội biên phòng triệt phá để bà con nắm rõ và có ý thức phòng tránh.
Cùng đó, cán bộ y tế sẽ chia sẻ về các kiến thức phòng tránh HIV/AIDS, sử dụng thuốc Methadone để cai nghiện, kiến thức về kế hoạch hóa gia đình...
Bên cạnh đó, câu lạc bộ còn đưa ra sáng kiến "ngân hàng bò" để giúp đỡ các thành viên phát triển kinh tế. Với hình thức bò đến kỳ sinh sản, các thành viên khó khăn sẽ nhận nuôi, sau đó 6 tháng khi bê con tách mẹ sẽ trả bò mẹ về cho câu lạc bộ. Ngoài ra, hỗ trợ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi dê, đàn gà...
Anh Lê Đình Dung (38 tuổi) có hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ ngày tham gia câu lạc bộ anh quyết tâm cai nghiện, cùng các thành viên đều đặn đi uống thuốc Methadone, sức khỏe được cải thiện dần.
Anh Dung còn được tạo điều kiện, nhận con giống về chăn nuôi, đến nay đã có thể tự lao động và nuôi được cha mẹ già yếu.
"Tui chỉ mong anh em, con cháu không có ai sa vào con đường ni. Khi vô khó thật nhưng để mà nghỉ hẳn cũng không dễ nữa. Tốt nhất ai có con cái, cháu chắt đừng để cho dính vô con đường ni mà khổ, tội lỗi lắm" - anh Dung bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận