Thế nhưng ít ngày sau đó tôi lại nhận được cuộc gọi về lịch tiêm chủng vắc xin tôi đã bỏ qua. Chính sự nhắc nhở tận tình ấy mà tôi đã không bỏ lỡ mũi tiêm vắc xin nhắc lại cho con.
Ông bà lũ trẻ thường bảo "tiêm vắc xin bây giờ khác thật!". Ngày xưa chưa có vắc xin, nhiều trẻ mắc bệnh sởi, đậu mùa, ho gà… đã không qua khỏi. Bây giờ y tế phát triển, trẻ em đều được tiêm vắc xin miễn phí để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm.
Câu chuyện "ngày xưa" mà ông bà nói là chuyện của hơn 40 năm về trước, chứ thực ra với tôi hơn 10 năm nay việc tiêm chủng vắc xin đã khác biệt rất nhiều.
Con gái lớn của tôi sinh năm 2006. Ngày đó ngoài vắc xin miễn phí của Chương trình tiêm chủng mở rộng, một số điểm tiêm chủng đã triển khai tiêm các vắc xin dịch vụ, song rất ít ỏi.
Ngoài những mũi tiêm vắc xin miễn phí ở xã/phường, tôi cũng cho con tiêm một số vắc xin tại điểm tiêm dịch vụ. Đây là những vắc xin phối hợp thế hệ mới hoặc chưa có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Dĩ nhiên thời đó chưa có nhiều cơ sở tiêm chủng dịch vụ nên cảnh xếp hàng dài chờ đợi, thậm chí mất cả ngày để đưa con đi tiêm vắc xin cũng khiến nhiều cha mẹ khá căng thẳng. Có những người từ tỉnh xa đi hàng trăm km đưa con đến điểm tiêm dịch vụ ở Hà Nội xếp hàng lấy số để tiêm những mũi vắc xin có công nghệ mới hoặc không thuộc diện miễn phí.
Đến khi có con thứ 2, dù "sinh sau đẻ muộn" hơn vài năm nhưng cảnh chờ đợi, mệt mỏi và sự ngột ngạt ở điểm tiêm dịch vụ vẫn không có sự thay đổi nhiều.
Dù sống ở Hà Nội nhưng có nhiều lúc tôi phải xin nghỉ làm nửa ngày chỉ để đưa con đi tiêm vắc xin. Không những thế, khi con đi tiêm vắc xin dịch vụ luôn phải có hai người "hộ tống", vì một người đứng xếp hàng lấy số, làm thủ tục, người còn lại sẽ trông con.
Nhưng nay thì khác. Bố mẹ có nhiều sự lựa chọn, không chỉ điểm tiêm gần nhà nhất mà thời gian tiêm cũng có thể chọn giờ tiêm buổi trưa (nhiều phòng tiêm mở xuyên trưa) và cả hai ngày cuối tuần. Đến điểm tiêm đã có nhân viên hỗ trợ để hoàn thành các thủ tục và thực hiện tiêm chủng cho con.
Cảnh chen chúc, mệt mỏi cũng không còn mà thay vào đó bố mẹ dễ dàng quan sát số thứ tự trên hệ thống chạy trước cửa phòng tiêm.
Trong thời gian chờ đợi đến lượt, các bé có thể thoải mái vui chơi tại một không gian gần đó, còn người lớn thảnh thơi ngồi lướt web. Với những mẹ "bỉm sữa" cũng yên tâm vì nhiều phòng tiêm dịch vụ đã dành hẳn một phòng để mẹ cho con bú và thay tã bỉm.
Với bạn nhỏ 3 tuổi nhà tôi thì việc đi tiêm vắc xin bây giờ cũng giống như việc bạn ấy được đưa đến khu vui chơi với nhiều trò yêu thích trước và sau khi hoàn thành các mũi tiêm vắc xin.
Ba đứa con tôi, mỗi đứa đều có một cuốn sổ tiêm chủng. Có cuốn đã sờn rách, long cả trang bìa, thế nhưng mốc thời gian về những mũi vắc xin phòng bệnh cho con từ 15 - 17 năm trước vẫn còn nguyên vẹn.
Với tôi đó không chỉ là bằng chứng về việc con tôi đã được phòng bệnh, bảo vệ các bệnh nguy hiểm bằng vắc xin để có tương lai khỏe mạnh, mà còn là trách nhiệm chung với sức khỏe cộng đồng trong việc tạo miễn dịch chủ động, tránh nguy cơ mắc bệnh trước những vụ dịch lớn.
Dịch bệnh thì không thể đoán trước, vi rút thì tiến hóa khôn lường. Vắc xin được đánh giá là thành tựu y học vĩ đại của nhân loại, là "vũ khí" siêu hạng, hữu hiệu đối với sức khỏe con người.
Minh chứng gần nhất chính là đợt dịch COVID-19 vừa qua, rất nhiều người đã được bảo vệ nhờ vắc xin… Tôi tin rằng những cuốn sổ tiêm chủng của các con sẽ còn có thêm nhiều mốc thời gian về các loại vắc xin thế hệ mới để bớt đi sự lo lắng trước mối nguy hiểm của bệnh tật.
Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể
Báo Tuổi Trẻ và Hệ thống tiêm chủng VNVC đồng tổ chức cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ban Tổ chức cho biết cuộc thi mở cho tất cả mọi người từ 16 tuổi trở lên, không giới hạn quốc tịch hay nghề nghiệp. Cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phép viết bài để hưởng ứng cuộc thi nhưng không được chấm giải.
Về dung lượng, tác phẩm dự thi là bài viết ngắn bằng tiếng Việt, tối đa 800 từ, khuyến khích tác phẩm có hình ảnh, chùm ảnh hoặc video clip minh họa.
Nội dung là một câu chuyện liên quan đến chủ đề "tiêm chủng" và tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc duy trì, nâng cao sức khỏe cộng đồng, như kỷ niệm đẹp về tiêm chủng của bạn hoặc người thân;
Kỷ niệm về việc bạn đã cân nhắc lý do và đưa ra quyết định tiêm chủng; Cảm nhận và trải nghiệm cá nhân trong, sau khi tiêm chủng hoặc những ảnh hưởng của tiêm chủng đối với cuộc sống cá nhân và cộng đồng xung quanh.
Người tham gia có hai cách để nộp bài viết dự thi: Gửi email đến địa chỉ tiemngua@tuoitre.com.vn. Trong email, cần cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ: tên, tuổi, quốc gia, địa chỉ email, số tài khoản và số điện thoại liên lạc; Hoặc vào chuyên trang của cuộc thi ở địa chỉ tuoitre.vn, sau đó điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu.
Những tác phẩm dự thi tốt sẽ được ban tổ chức chọn lựa, đăng tải trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (bài được chọn đăng không đồng nghĩa là bài sẽ đoạt giải). Thời gian nhận bài viết: Ngày 10-6 đến 30-7-2023, bất kỳ tác phẩm nào gửi sau thời hạn này 30-7-2023 sẽ không được xem xét.
Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà báo, nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội.
Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải nhì (5 triệu đồng/giải); 20 giải ba và 100 giải khuyến khích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận