09/09/2013 10:36 GMT+7

Ba chị em nhà "Phạm Thị Family"

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TT - Trong một con hẻm nhỏ trên đường Phạm Ngũ Lão, có câu chuyện tình yêu nảy nở giữa ba chị em ruột đến từ Vĩnh Phúc và ba chàng trai nước ngoài đi du lịch sang VN bất chấp sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ.

l03xhHcq.jpgPhóng to
Anh Cédric Mont-Jovet và chị Phạm Thị Dung - Ảnh: Quỳnh Trung
vfQupBDI.jpgPhóng to
Anh Pierre Charil và chị Phạm Thị Loan - Ảnh: nhân vật cung cấp

Thực khách và cô chủ

Anh Larry Park lần đầu tiên gặp chị Phạm Thị Thùy khi anh cùng nhóm bạn đi du lịch ở phố Tây và tạt vào nhà hàng Asian Kitchen của chị cách đây chín năm. Anh nói mình bị cuốn hút bởi vẻ đẹp Á Đông và sự hài hước của Thùy ngay lần đầu gặp gỡ. Sau đó anh quay lại nhiều lần nữa và mạnh dạn mời chị đi chơi.

Nhớ lại chuyện này, Thùy, 28 tuổi, bẽn lẽn kể rằng cô cảm thấy rất run khi Larry đề nghị như thế nhưng vì cũng có chút cảm tình với anh chàng thật thà và cởi mở này nên cô gật đầu. “Tôi bảo anh ấy theo truyền thống VN, nếu anh ấy muốn mời tôi đi chơi thì phải xin phép người lớn trước. Larry lúc đó rất bỡ ngỡ nhưng sau đó cũng mạnh dạn xin phép dì của tôi. Và thế là chúng tôi cùng nhau đi dạo ở công viên văn hóa Đầm Sen - chị kể - Hai ngày sau anh ấy về nước và chúng tôi duy trì liên lạc qua email và điện thoại. Tôi thấy anh dễ thương quá trời và bắt đầu cảm thấy nhớ anh ấy...”.

Còn anh Pierre Charil, chồng chị Phạm Thị Loan, ngày đó ngồi đồng uống một chai bia từ 4-5 tiếng đồng hồ trong quán liên tục nhiều ngày chỉ vì chị đang ở quán. Sau đó Pierre tìm cơ hội trò chuyện với Loan bằng cách đề nghị dạy chị tiếng Pháp miễn phí. Pierre tâm sự rằng anh bắt đầu cảm thấy rung động sau nhiều lần tiếp xúc với Loan và khám phá dần những phẩm chất tốt đẹp từ chị.

Tâm sự với chúng tôi, chị Loan, 30 tuổi, chia sẻ sau mối tình tan vỡ với một anh chàng người Anh năm 2004 cũng là khách du lịch đến khu phố Tây, chị tưởng như trái tim mình sẽ đóng chặt với bất kỳ người đàn ông nào cho đến khi gặp anh Pierre, khi đó là sinh viên dạy học tình nguyện ở VN, cách đây bốn năm và cảm nhận được sự chân thành từ chàng trai người Pháp. “Có hôm tôi bị trầm cảm và uống rượu đến gần 5g sáng. Anh ấy chạy tìm kiếm tôi khắp nơi. Tôi thật sự cảm động và quyết định tiến tới một mối quan hệ nghiêm túc với anh ấy” - chị Loan bộc bạch.

Còn cô em út Phạm Thị Dung, 25 tuổi, kể lại lần đầu gặp anh Cédric Mont-Jovet (người Pháp) năm 2009, chị cảm thấy ngượng ngùng vì anh ấy cứ nhìn chị cười hoài. Cho đến khi chuẩn bị ra sân bay về nước thì Cédric bất ngờ xin email và số điện thoại của chị. Dung nói chị ấn tượng với chồng sắp cưới nhất ở cái tính thật thà và vô cùng thân thiện với gia đình chị, nhưng yêu thì lại yêu nụ cười chân thật của anh. “Anh ấy luôn cười cũng như luôn tìm cách làm cho tôi và gia đình tôi vui những lúc gặp chuyện buồn” - chị nói.

Theo chị Thùy, sở dĩ tình yêu của ba chị em và ba chàng trai nước ngoài ngày càng đơm hoa kết trái là nhờ sự ủng hộ của gia đình. Chị chia sẻ rằng ngay từ nhỏ bố mẹ đã dạy dỗ ba chị em sống độc lập cũng như luôn tôn trọng ý kiến và chọn lựa của ba chị em.

e4CFoHtA.jpgPhóng to
Anh Larry Park và chị Phạm Thị Thùy - Ảnh: nhân vật cung cấp

Tìm hòa hợp trong khác biệt

Những mối quan hệ hôn nhân xuyên biên giới như câu chuyện của ba chị em nhà “Phạm Thị Family” (cách gọi trìu mến của ba chàng rể Tây) rõ ràng đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều của những người trong cuộc để vượt qua được các rào cản về văn hóa, quan niệm và hủ tục.

Nhớ lại lần đầu tiên đi ăn với Cédric, Dung nói cho đến giờ chị vẫn còn thấy giận. “Lúc người ta đem hóa đơn tính tiền ra, anh ấy bảo anh ấy trả phần ảnh, tôi trả phần tôi. Tôi cảm thấy khá bất ngờ và sốc”.

Nhìn sang Dung, anh Cédric cười và nói rằng điều làm anh cảm thấy bất ngờ nhất ở vợ là lúc Dung yêu cầu anh há miệng ra để ngửi mùi bia rượu khi anh nói mình uống hai chai bia và hút hai điếu thuốc. “Phụ nữ ở đất nước tôi không bao giờ hỏi những câu kiểu như anh uống bao nhiêu bia hay hút bao nhiêu điếu thuốc. Nhưng những gì cô ấy làm chứng tỏ cô ấy quan tâm và yêu tôi. Tôi nghĩ phụ nữ VN quan tâm đến chồng họ rất nhiều. Tôi cảm thấy vô cùng khó khăn khi bỏ thuốc nhưng tôi vẫn cố gắng vượt qua để cho cô ấy thấy rằng cô ấy mới đích thực là “chất gây nghiện” của tôi” - anh Cédric lại cười.

Dù sống hạnh phúc với chồng trong 10 năm qua, chị Thùy vẫn thừa nhận rằng chị mới hiểu chồng được 80% bởi vì theo chị, những đôi vợ chồng cùng ngôn ngữ, văn hóa thậm chí còn không thể hiểu hết nhau 100% huống chi là chồng Tây - vợ Việt. Thùy tâm sự rằng sau khi cưới nhau, cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng cũng nảy sinh nhiều bất đồng mà phần lớn là do khác biệt về văn hóa và lối sống. “Khi dạy dỗ con cái, tôi giữ quan điểm của người VN, con hư thì phạt đòn vì thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi, nhưng anh ấy không chịu cách làm như vậy. Anh ấy bảo tôi không nên lạm dụng quyền cha mẹ để đánh con, hãy dạy con những điều cần dạy, nói cho con biết những gì được làm và không được làm”.

Kể từ đó hai vợ chồng cô học cách sống với nền văn hóa của nhau, tìm hiểu những phong tục tập quán để tìm tiếng nói chung trong mọi việc. Nói về khác biệt văn hóa giữa hai vợ chồng, anh Larry nhìn nhận: “Dĩ nhiên nếu bạn kết hôn với một người đến từ một nền văn hóa khác thì tất nhiên bạn sẽ cảm thấy khó hòa hợp hai lối sống và phong tục hoàn toàn khác biệt nhau. Lúc đầu thì khó khăn nhưng bây giờ tôi thấy bình thường. Tất cả chúng ta đều khác nhau, chứ không tính đến người nước này hay nước kia”.

Pierre gật gù tán thành: “Chúng tôi sẽ cùng nhau xây dựng thói quen và tập quán chung rút tỉa từ hai nền văn hóa. Tôi nghĩ điều này sẽ đạt được khi cả hai cùng vượt qua những thử thách sóng gió. Tôi hiểu được trách nhiệm gia đình và tôi cảm nhận mình đang là thành viên trong một đại gia đình người Việt. Tôi và Loan quyết định ở bên nhau vì chúng tôi có những cảm xúc mãnh liệt dành cho nhau. Chúng tôi chấp nhận nhau và tôn trọng những sự khác biệt của nhau”.

Nhìn hai bé Tam My và Duy Jason, hai thiên thần đáng yêu của chị Loan và chị Thùy, đang vui đùa chạy nhảy trước ngõ, tôi tự hỏi không biết có bao nhiêu chuyện tình Tây - ta có kết cục đẹp như thế trong một khu phố mà đa số du khách chỉ dừng chân trải nghiệm tạm thời, thay vì chọn gắn bó lâu dài với một đất nước và một nền văn hóa khác như ba anh chàng nước ngoài Pierre, Cédric và Larry.

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Những ngõ hẻm đầy Tây Kỳ 2: Tây balô, 12 đô một ngày Kỳ 3: Nhộn nhịp ẩm thực đường phố Kỳ 4: Cơ hội và cạnh tranh Kỳ 5: Ông Tây bán xúc xích trên vỉa hè Kỳ 6: Những ông Tây “siêu quậy”

___________

Kỳ tới: Từ hẻm Tây bước ra thế giới

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên