Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung (trái), Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Chủ tịch Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC) phát biểu khai mạc ASCC 24 chiều 6-11 - Ảnh: Đ.BÌNH
Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Chủ tịch Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC) đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến ASCC lần thứ 24, chiều 6-11.
Theo ông Dung, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, hệ thống chăm sóc y tế và gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn về kinh tế cũng như tác động tiêu cực đến nhiều khía cạnh xã hội với tất cả các quốc gia trên thế giới nói chung và ASEAN nói riêng.
"Những thách thức mà đại dịch COVID-19 đặt ra đòi hỏi Chính phủ các nước phải ứng phó với tình huống khẩn cấp nhằm bảo vệ tính mạng của người dân, ổn định nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam nhận thức được trách nhiệm và đã đề xuất những sáng kiến và ưu tiên trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, tăng cường công tác xã hội, thông tin truyền thông, xử lý tin giả, ứng phó với đại dịch và phục hồi sau đại dịch... để thúc đẩy hơn nữa những nỗ lực của cộng đồng hướng tới tầm nhìn ASEAN 2025.
Hội nghị ASCC sẽ thảo luận, ra các tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy công tác xã hội để hướng tới một cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng", ông Dung phát biểu.
Hội nghị ASCC lần thứ 24 có 10 bộ trưởng phụ trách cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN và Tổng thư ký ASEAN tham dự bằng hình thức trực tuyến - Ảnh: Đ.BÌNH
Trao đổi với báo chí trước phiên khai mạc, ông Lê Văn Thanh, thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cho biết hội nghị ASCC sẽ thảo luận, thông qua 2 tuyên bố và 10 văn kiện liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy công tác xã hội để trình lên các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua tại hội nghị cấp cao ASEAN thứ 36 và 37 sẽ diễn ra vào tuần sau.
Với 2 tuyên bố trên, Việt Nam đề xuất các lĩnh vực ưu tiên gồm: lao động và phát triển nguồn nhân lực; phúc lợi xã hội và phát triển; y tế; truyền thông và thông tin; văn hóa; môi trường và biến đổi khí hậu...
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, Việt Nam cũng sẽ ưu tiên việc xây dựng các kế hoạch phục hồi sau đại dịch nhằm mang lại việc làm và sinh kế cho người lao động và thúc đẩy khả năng vực dậy về kinh tế, xã hội của các nhóm yếu thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận