Ngày 25-11, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhà nghiên cứu Trịnh Bách (từng phục chế áo vua triều Nguyễn) cho biết đã xem qua ảnh của chiếc áo được cho là long bào mặc lúc đăng quang của vua Bảo Đại sắp được đấu giá ở Pháp vào ngày 7-12 tới.
Ông Bách nhận định "chiếc áo này có rất nhiều vấn đề cần phải xem xét".
Long bào được cho của vua Bảo Đại có thể là áo của vua Khải Định
Theo ông Bách, chiếc áo được đưa ra đấu giá lần này có khả năng cao là của vua Khải Định, chứ không phải của vua Bảo Đại như thông tin của nhà đấu giá đưa ra.
Ông Bách đưa ra một bức ảnh vua Khải Định từng mặc một chiếc áo có hình dáng tương tự như chiếc áo được đưa ra đấu giá, chỉ khác ở chỗ trong ảnh vua mặc áo cổ tròn, chứ không phải cổ dẹp.
Màu của cổ áo trong bức ảnh vua Khải Định đang mang là màu bạch tuyết (màu trắng tinh), chứ không phải màu vàng như chiếc áo sắp được đấu giá.
"Một điểm nữa đó là chiếc áo sắp được đấu giá này là áo long cổn, tức là áo được vua mang trong những buổi lễ quan trọng như đăng quang, tế trời.
Trong bức ảnh của vua Khải Định, áo long cổn được vua mặc bên trong, sau đó khoác bên ngoài một chiếc áo hoàng bào ô sa. Chiếc áo ô sa này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế", ông Bách nói.
"Không loại trừ khả năng chiếc áo của vua Bảo Đại sắp được đấu giá là đồ giả"
Cũng theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, chiếc áo được cho là long bào của vua Bảo Đại sắp được đấu giá "có rất nhiều vấn đề".
Ông Bách quan sát những bức ảnh mà nhà đấu giá công bố và cho biết những đường thêu, nét chỉ của chiếc áo có khả năng là kỹ nghệ may thêu của Trung Quốc.
Đặc biệt theo điển lệ triều Nguyễn, phần vải lót bên trong của áo vua phải là màu vàng, chứ không thể là màu cam như chiếc áo này được.
"Vải lót màu cam được quy định dùng may cho trang phục của các thân thần như Hoàng thái hậu chẳng hạn. Cũng có thể do chiếc áo vua này bị hư nên người sau này không biết, dùng lót màu cam để may lại", ông Bách nói.
Một điểm lạ lùng nữa, theo ông Bách đó là phần cổ của chiếc áo vua này. Theo đó phần cổ của áo vua dùng trong những dịp đại lễ được quy định dưới triều Nguyễn phải là màu bạch tuyết, chứ không thể là màu vàng.
Ông Bách đưa ra nhận định không loại trừ khả năng chiếc áo được cho là của vua Bảo Đại sắp được đấu giá ở Pháp là đồ giả.
Chung với ý kiến của nhà nghiên cứu Trịnh Bách, một nhà sưu tập cổ vật từng sở hữu áo vua ở Huế cũng nhận định rằng phải trực tiếp cầm trên tay, sờ nắn chiếc áo vua này mới có thể nhận định đây là áo thật của vua hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận