
Thủ tướng Anh Keir Starmer (trái) gặp Tổng thống Ukraine Zelensky trong chuyến thăm Kiev vào tháng 1-2025 - Ảnh: REUTERS
Tạo áp lực lên đồng minh châu Âu?
Trong bài viết độc quyền cho tờ Telegraph, Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố: "Tôi sẵn sàng và mong muốn đưa quân đội Anh đến Ukraine".
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Anh Starmer tuyên bố rõ ràng về việc cân nhắc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Anh đến Ukraine.
Động thái này diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp các nhà lãnh đạo châu Âu tại Pháp vào ngày 17-2.
Theo Telegraph, tuyên bố của ông Starmer sẽ tạo áp lực lên các đồng minh trong việc công khai ủng hộ ý tưởng về một lực lượng gìn giữ hòa bình do châu Âu dẫn đầu tại Ukraine, đặc biệt là Đức - nước đã từ chối đưa quân đến Ukraine.
Ông cũng gợi ý rằng Anh có thể đóng một vai trò đặc biệt là cầu nối giữa châu Âu và Mỹ trong tiến trình hòa bình ở Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào ngày 17-2 với các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Thủ tướng Anh Keir Starmer.
Sự kiện diễn ra sau khi rộ lên các thông tin châu Âu không được mời tham dự các cuộc đàm phán hòa bình sớm của Nga và Mỹ về Ukraine.
Ông Starmer cảnh báo lặp lại sai lầm ở Afghanistan
Theo Telegraph, các bộ trưởng ngoại giao Nga và Mỹ sẽ gặp tại Saudi Arabia để bắt đầu các cuộc đàm phán về thỏa thuận hòa bình trong xung đột Nga - Ukraine. Song Kiev vẫn chưa được mời đến bàn đám phán.
Thủ tướng Starmer cảnh báo việc loại trừ Ukraine khỏi các cuộc đàm phán này sẽ lặp lại sai lầm của Mỹ khi gạt Chính phủ Afghanistan khỏi các cuộc thảo luận về việc rút quân hỗn loạn khỏi nước này.
"Anh sẵn sàng đóng vai trò dẫn đầu trong việc đẩy nhanh quá trình đảm bảo an ninh cho Ukraine. Điều này bao gồm hỗ trợ thêm cho quân đội Ukraine. Anh đã cam kết 3 tỉ bảng mỗi năm cho Ukraine cho đến ít nhất là năm 2030.
Nhưng điều đó cũng có nghĩa là phải sẵn sàng và mong muốn đóng góp vào việc đảm bảo an ninh cho Ukraine bằng cách đưa quân đội Anh vào cuộc nếu cần thiết. Tôi nhận thức rất sâu sắc trách nhiệm khi đưa quân nhân Anh vào tình thế nguy hiểm", ông nói.
Nhà lãnh đạo Anh nhấn mạnh bất kỳ vai trò nào trong việc đảm bảo an ninh cho Ukraine đồng nghĩa với bảo đảm an ninh cho toàn châu Âu và nước Anh.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022, các đời thủ tướng Anh đã từ chối công khai xem xét việc gửi quân đội Anh đến quốc gia này.
Trong những tuần gần đây, Thủ tướng Starmer đã để ngỏ khả năng xem xét các đề xuất của Tổng thống Pháp Macron về việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình do châu Âu dẫn đầu tại Ukraine.
Một nguồn tin thạo tin của Telegraph cho biết phát biểu công khai về lập trường của Thủ tướng Anh Starmer phần nào xuất phát từ các tuyên bố của chính quyền Mỹ tại Hội nghị an ninh Munich.
Các quan chức Mỹ nhấn mạnh châu Âu sẽ phải tự đảm đương trách nhiệm lớn hơn trong việc bảo vệ chính mình.
Lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tại Ukraine sẽ như thế nào?
Hiện chưa rõ lực lượng gìn giữ hòa bình do châu Âu lãnh đạo tại Ukraine sẽ tổ chức như thế nào.
Theo Telegraph, một trong những đề xuất được thảo luận là triển khai binh sĩ châu Âu tại các khu vực cách xa tiền tuyến, được xác định trong một thỏa thuận hòa bình.
Lính Ukraine sẽ được triển khai tại đường biên giới mới được thiết lập, và quân đội từ châu Âu sẽ triển khai phía sau họ.
Tuy nhiên chưa rõ các nước châu Âu có sẵn sàng cung cấp đủ quân để làm cho lực lượng này có hiệu quả hay không. Một ước tính cho rằng cần tới 100.000 binh sĩ cho nỗ lực này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận