04/02/2018 16:45 GMT+7

Anh ngã xuống đường băng năm ấy - Kỳ cuối: Việc của người còn sống

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Trong quá trình đi tìm những cựu chiến binh trên đường băng Tân Sơn Nhất năm nào, điều làm chúng tôi ngạc nhiên nhất là quá ít người biết về họ.

Anh ngã xuống đường băng năm ấy - Kỳ cuối: Việc của người còn sống - Ảnh 1.

Các cựu chiến binh tiểu đoàn 269, 267 luôn day dứt khi nghĩ đến những đồng đội vẫn đang còn nằm đâu đó trong sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: TỰ TRUNG

Hỏi từ người này sang người khác, từ hội cựu chiến binh này sang hội cựu chiến binh khác, đến khi gặp được thì hiểu được một phần lý do: không một ai từng nói về mình, về trận đánh để đời ấy. Suốt câu chuyện với chúng tôi, ai nấy chỉ nhắc đến đồng đội...

“Tôi giờ chỉ có hai mong ước: mong ước anh em sớm được yên nghỉ và mong các tiểu đoàn 267, 269 sớm được nhận danh hiệu Anh hùng như tiểu đoàn 16 của chúng tôi. Các anh em đã ra đi mà không hề suy nghĩ, yêu cầu gì, nhưng người còn sống như chúng tôi thì không thể yên lòng

Ông BÙI HỒNG HÀ

Hẹn nhau chỗ khó

Từng 15 năm là phó bí thư rồi bí thư Huyện ủy Đức Huệ, Long An, ông Châu Văn Hòa hẹn tiếp chúng tôi ở nhà một đồng đội của tiểu đoàn 269: ông Nguyễn Văn Chiến. Căn nhà trong ngõ trống hoang, chỉ có hai bức tường gạch trần chưa tô, cái bàn inox đầy bụi, chiếc kệ ván trang trí không có vật dụng nào, vừa được trưng dụng làm bàn thờ cho bà Nguyễn Thị Tằm, vợ ông Chiến, cũng là chiến sĩ quân y tiểu đoàn 269 mới mất chưa đầy năm. Ông Hòa giải thích: "Nhà của Chiến Tằm (tên các đồng đội thường gọi vợ chồng ông Chiến) là điểm họp mặt của anh em 269 từ nhiều năm nay".

Ông Hòa, ông Chiến cùng nhau ngồi nhẩm lại tên những anh em đồng đội từ thời khói lửa vẫn còn giữ liên lạc đến nay: Tư Hòa, Ba Ẩn, Sáu Niêu, Sáu Hồng Quân, Năm Liêm, Năm Phương, Bảy Thắng... Người ở Long An, người ở Tây Ninh, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ... "Lần họp mặt gần nhất 22-12-2017 chỉ có 14 người" - ông Tư Hòa thở dài. Nhắc đến đơn vị, ông thở sâu hơn nữa: "Quân số duy trì trên 1.000, thêm ba bốn đợt bổ sung quân, phần lớn là người miền Bắc, những chiến sĩ mang phiên hiệu 269 có lẽ phải trên 3.000. Ấy thế rồi chúng tôi chỉ còn khoảng 200, buộc phải sáp nhập với đơn vị bạn. Bao nhiêu người đã ngã xuống ấy, chúng tôi đã bao năm đi tìm...".

10 năm qua, kể từ lúc nghỉ hưu, nhà ông Hòa cũng trở thành một điểm hẹn. Đồng đội từ Bắc vào, từ các tỉnh đến Đức Hòa, Đức Huệ đều ở nhà ông. Họ cùng nhau về lại các chiến trường xưa, thăm hỏi các gia đình cơ sở, cùng nhau quyên góp, vận động giúp xây nhà cho các gia đình liệt sĩ, đồng đội khó khăn, cùng nhau tổ chức đi tìm mộ đồng đội xưa kia chôn vội. "Chúng tôi sang tận biên giới Campuchia tìm. Riêng sân bay Tân Sơn Nhất là nơi tiểu đoàn 269 để lại hơn 100 người, lại là khu quân sự, chúng tôi luôn nhớ nhưng không đến được" - ông Hòa nói.

Cẩn thận lưu lại trên điện thoại loạt tin tức tìm kiếm ngôi mộ tập thể đang diễn ra, ông trầm ngâm: "Nếu tìm thấy thì may mắn quá. Ở đó có đồng đội tiểu đoàn 269 của chúng tôi, có các anh em tiểu đoàn 267, 16, có cả các anh chị em biệt động dẫn đường, dân công giúp mang vũ khí. Bao năm rồi họ ở đó, hương tàn khói lạnh...". Ông Chiến tiếp lời: "Khi xưa chiến đấu cùng nhau, lên đường chỉ nghĩ sẽ cố gắng làm nhiệm vụ đến giọt máu cuối cùng, chẳng một mảy may nghĩ đến việc làm sao sống để thấy hòa bình. Ấy vậy rồi các anh chị em đã nhường suất sống cho tôi được thấy hòa bình. Buông súng về với cuộc sống đời thường, dù vất vả, dù nghèo, với tôi đã là may mắn lắm. Không mong gì hơn là anh em được an nghỉ yên ấm".

Anh ngã xuống đường băng năm ấy - Kỳ cuối: Việc của người còn sống - Ảnh 3.

Mộ tập thể 182 liệt sĩ đã dự trận tấn công sân bay Tân Sơn Nhất ngày 31-1-1968 được quy tập an táng tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM năm 1995 - Ảnh: TỰ TRUNG

50 năm lặng lẽ

Chỉ người đã vào sinh ra tử đến hàng trăm lần như ông Chiến mới cảm nhận được rõ rệt may mắn của mình. Với tiểu đoàn 267, chỉ còn đội thông tin của ông Ngô Văn Miềng, Ngô Công Chiến là thi thoảng tổ chức gặp được nhau. "Chúng tôi không còn "nhà" nữa" - các cựu chiến binh tiểu đoàn 267 thở dài. Mỗi lần gặp nhau, giữa họ vẫn là những câu chuyện của 50 năm trước, trong nỗi nhớ về đồng đội.

Khi nghe chúng tôi nhắc đến một danh hiệu Anh hùng hình như đã muộn 50 năm với các tiểu đoàn 267, 269, các ông Hòa, ông Chiến, ông Miềng chỉ lắc đầu thở dài: tiểu đoàn không còn phiên hiệu, cựu chiến binh không còn đơn vị, các tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó đều đã hi sinh... Những người còn lại ra trận thì quen cầm súng, về nhà thì quen cầm cuốc, không biết phải bắt đầu từ đâu với những thủ tục mà chỉ cần nghĩ đến thôi đã thấy vô cùng rắc rối.

Chỉ có ông Vũ Chí Thành ở tiểu đoàn 16 rất kiên nhẫn lập những bộ hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho anh Sáu, anh Mẹo, cho tập thể tiểu đoàn. "Tôi đang tiếp tục tìm kiếm thông tin để lập hồ sơ của anh Đồ, người đã ôm bộc phá lao vào lỗ châu mai, mở đường cho anh em tiến lên. Làm được đến đâu cho những người đã khuất tôi đều sẽ làm. Khi xưa, đồng đội tôi bị thương vẫn không rời vị trí, bị bắn gãy tay phải còn dùng tay trái chỉ hướng cho người khác bắn... Nay thủ tục dù có rắc rối, chúng tôi không nề hà" - ông Thành khẳng định.

Nhắc đến chuyện này, ông Bùi Hồng Hà mếu máo: "Tôi giờ chỉ có hai mong ước: mong ước anh em sớm được yên nghỉ và mong các tiểu đoàn 267, 269 sớm được nhận danh hiệu Anh hùng như tiểu đoàn 16 của chúng tôi. Các anh em đã ra đi mà không hề suy nghĩ, yêu cầu gì, nhưng người còn sống như chúng tôi thì không thể yên lòng".

Đúng là không thể yên lòng trước máu xương của những người đã vào trận, đã ra đi khi tuổi còn rất trẻ. Cuộc tìm kiếm ngôi mộ tập thể thứ hai tại sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đang được tiến hành với trách nhiệm, cẩn trọng và quyết tâm. Hồ sơ đề nghị danh hiệu Anh hùng cho tiểu đoàn 267, 269 cũng đang được gấp rút hoàn tất. Dẫu biết người đã khuất đâu cần gì nữa, nhưng người đang sống vẫn phải làm việc của mình.

Phải tuyên dương tất cả...

Ông Nguyễn Văn Cẩn lục cho chúng tôi xem lá thư của ông Võ Trần Chí, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM, trả lời cho ông khi thực hiện hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho tiểu đoàn 16 và anh Nguyễn Văn Sáu: "Với tư cách là bí thư Phân khu ủy II kiêm chính ủy Phân khu trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, tôi có ý kiến như sau: Nếu cần tuyên dương, tôi đề nghị phải tuyên dương tất cả các đơn vị vũ trang tấn công vào thành phố cả đợt 1 và 2, không chỉ tuyên dương tiểu đoàn 16, bởi vì các đơn vị đánh vào nội đô đều ác liệt, thương vong nhiều, thậm chí còn tấn công thọc sâu nhiều lần... Ngày 21-7-2000. Võ Trần Chí".

Người để lại "dáng đứng VN trên đường băng Tân Sơn Nhất" là ai? Người để lại 'dáng đứng VN trên đường băng Tân Sơn Nhất' là ai?

TTO - "Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt"... Người chiến sĩ đã lưu dấu ấn của mình trong trí nhớ đồng đội, gợi nên cảm hứng cho những câu thơ đi vào lòng nhiều thế hệ ấy là ai?

Anh ngã xuống đường băng năm ấy: Người anh hùng của tiểu đoàn 16 Anh ngã xuống đường băng năm ấy: Người anh hùng của tiểu đoàn 16

TTO - 'Đám trẻ chúng tôi có khúc mắc, rắc rối gì cũng đi tìm anh Sáu Bắc. Trên đường hành quân anh Sáu luôn đi cuối cùng chăm sóc cả tiểu đoàn'.

Anh ngã xuống đường băng năm ấy: Đồng đội Anh ngã xuống đường băng năm ấy: Đồng đội

TTO - Những cựu binh tuổi 70 mà chúng tôi gặp hôm nay ai cũng rơi nước mắt, nghẹn lời, có lúc ôm ngực nhói tim khi nhắc đến những đồng đội đã mãi mãi ở lại với tuổi 20.

Anh ngã xuống đường băng năm ấy: Ngày mùng 2 Tết Anh ngã xuống đường băng năm ấy: Ngày mùng 2 Tết

TTO - Đúng 50 năm trước, ngày 31-1-1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã bắt đầu trên khắp miền Nam. Và tại Sài Gòn, một trận chiến bi hùng đã diễn ra tại sân bay Tân Sơn Nhất.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên