18/06/2020 08:27 GMT+7

Ấn - Trung đổ máu: vì đâu nên nỗi?

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân Trung - Ấn bất ngờ có cuộc đối đầu căng thẳng dọc biên giới dẫn tới chết chóc lần đầu tiên trong 45 năm.

Ấn - Trung đổ máu: vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

Các binh sĩ thuộc lực lượng an ninh biên giới Ấn Độ canh gác tại một con đường dẫn tới thị trấn Leh, giáp biên giới với Trung Quốc, ngày 17-6 - Ảnh: AFP

Đầu tuần này, ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong một vụ việc mà theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ là "cuộc đối đầu trực diện bạo lực" với binh sĩ Trung Quốc dọc biên giới tại thung lũng Galwan ở vùng Ladakh, nơi binh sĩ của hai nước bị khóa chặt trong thế bế tắc từ tháng 5.

Không nổ súng, chỉ ẩu đả

Bộ Ngoại giao Ấn Độ tố cáo cuộc đụng độ tối 15-6 diễn ra do "nỗ lực của phía Trung Quốc để đơn phương thay đổi hiện trạng tại đó". Một số nguồn tin từ Ấn Độ cho biết ngoài số binh sĩ thiệt mạng, có hàng chục binh sĩ Ấn Độ còn đang mất tích và được cho là đã bị bắt đi.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng xác nhận đây là một cuộc đối đầu bạo lực. Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tuyên bố Ấn Độ "đã từ bỏ các cam kết". Không rõ có bao nhiêu binh sĩ thương vong bên phía Trung Quốc, nhưng theo một số nguồn tin từ truyền thông Ấn Độ là hơn 40.

Cả hai bên đều cáo buộc nhau vi phạm một thỏa thuận giảm căng thẳng giữa hai bên hôm 6-6. Không bên nào được cho là đã nổ súng hôm 15-6, mà chỉ là ẩu đả với việc sử dụng tay chân cùng đá và gậy sắt.

Năm 2018, thời điểm diễn ra cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng nói rằng việc Ấn Độ và Trung Quốc "không bắn một viên đạn nào về phía nhau" trong 4 thập niên liên quan tranh chấp biên giới đã cho thấy sự trưởng thành của hai bên.

Dù cuộc đụng độ đầu tuần này không có tiếng súng nổ (ít nhất là theo các thông tin hiện tại), vụ việc đã đánh dấu cuộc đụng độ chết chóc đầu tiên của hai bên ở biên giới kể từ năm 1975.

Các nguồn tin nói với báo Guardian rằng cuộc đụng độ nổ ra tối 15-6 khi một đội tuần tra Ấn Độ tình cờ gặp các binh sĩ Trung Quốc trên một dải đất hẹp - nơi họ tin là phía Trung Quốc đã rút quân phù hợp với thỏa thuận hôm 6-6.

Sau đó đụng độ xảy ra và một sĩ quan chỉ huy của phía Ấn Độ bị đẩy rơi xuống một hẻm núi tử vong. Kế đến, hàng trăm binh sĩ từ hai bên được gọi đến và ẩu đả với nhau. Một số người khác đã té chết.

Tình hình hiện khá nghiêm trọng và nguy hiểm. Trước đây các cuộc đụng độ chỉ khiến hai bên bị thương, nhưng cái chết có thể là thứ thay đổi cuộc chơi vì các vụ việc như vậy sẽ khuấy động những cảm xúc liên quan chủ nghĩa dân tộc từ cả hai nước.

Ông Tôn Sĩ Hải (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á ở Đại học Tứ Xuyên của Trung Quốc) bình luận.

Ấn - Trung đổ máu: vì đâu nên nỗi? - Ảnh 3.

Sốc, giận dữ và im lặng

Theo trang Vox, trong khoảng 80 năm qua, Ấn Độ và Trung Quốc đã có nhiều cuộc cãi vã về phần biên giới dài gần 3.500km trên dãy Himalaya. Hai nước từng bước vào chiến tranh năm 1962 - mà sau đó hình thành Đường kiểm soát thực tế (LAC) vốn được coi là biên giới Trung - Ấn, vì những yêu sách chồng chéo của hai bên.

Dù có hơn 20 vòng đàm phán, hai nước vẫn chưa thống nhất chính thức về hầu hết khu vực biên giới và đây chính là một nguồn căng thẳng dai dẳng trong quan hệ Trung - Ấn. Chẳng hạn năm 2017 xảy ra cuộc đối đầu 73 ngày giữa binh sĩ hai bên trên cao nguyên Doklam.

Căng thẳng mới nhất bắt đầu xảy ra hồi đầu tháng 5 tại thung lũng Galwan ở Ladakh. Hàng trăm binh sĩ hai bên ẩu đả dẫn tới thương tích. Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đưa hàng ngàn quân vào thung lũng này. Trong khi đó, việc Ấn Độ tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng dọc LAC ở Ladakh được cho đã khiến Trung Quốc nổi giận.

Giới phân tích quân sự và chính trị cho rằng Bắc Kinh và New Delhi đều không muốn leo thang căng thẳng nhưng cả hai bên đều có thái độ ngày càng kiên quyết mà có khả năng gây ra xung đột thật sự.

Nhà nghiên cứu Ashley J. Tellis tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ) bình luận: "Thủ tướng Narendra Modi hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều không muốn xảy ra chiến tranh, nhưng cũng không bên nào có thể từ bỏ yêu sách chủ quyền của họ".

Tại Ấn Độ, cái chết của ít nhất 20 binh sĩ trên đã gây ra cơn sốc và sự giận dữ, theo báo Guardian. "Sao Thủ tướng Modi lại im lặng chứ? Quá đủ rồi! Chúng tôi cần biết chuyện gì đã diễn ra. Sao Trung Quốc lại dám giết binh sĩ của chúng ta và lấy đất của chúng ta?!" - ông Rahul Gandhi, lãnh đạo Đảng Quốc Đại của Ấn Độ, nói.

Tuy nhiên, Ấn Độ hiện được đánh giá không thể mạo hiểm gây chiến với Trung Quốc, đặc biệt khi nước này đang bị cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế bủa vây. "Chính quyền ông Modi hiện trong một tình thế khó xử" - giáo sư nghiên cứu an ninh Bharat Karnad đến từ Trung tâm Nghiên cứu chính sách (Ấn Độ) đánh giá.

Với Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này, ông Triệu Lập Kiên, ngày 17-6 tuyên bố Bắc Kinh không muốn chứng kiến bất kỳ cuộc đụng độ nào nữa ở biên giới với Ấn Độ. Ông nói rằng Trung Quốc không có lỗi và tình hình ở biên giới hai nước hiện có thể kiểm soát.

Liên Hiệp Quốc, Mỹ lên tiếng

Sau vụ việc trên, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thúc giục cả Ấn Độ và Trung Quốc "kiềm chế tối đa". "Chúng tôi quan ngại về các báo cáo cho thấy xảy ra bạo lực và chết chóc tại Đường kiểm soát thực tế giữa Trung - Ấn" - người phát ngôn của ông cho biết.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington đang "giám sát chặt chẽ" tình hình. "Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều bày tỏ mong muốn xuống thang căng thẳng và chúng tôi ủng hộ giải quyết tình hình hiện tại trong hòa bình" - một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói. Washington cũng gửi lời chia buồn tới gia đình của ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Ngoại trưởng Ấn nói thẳng với Vương Nghị: Các ông đã ủ mưu tấn công từ trước Ngoại trưởng Ấn nói thẳng với Vương Nghị: Các ông đã ủ mưu tấn công từ trước

TTO - Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar không ngần ngại tố cáo Bắc Kinh trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Vương Nghị tối 17-6. Cuộc gọi kết thúc khi hai bên đều đồng ý giảm căng thẳng ở biên giới.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên