02/04/2019 11:45 GMT+7

An toàn đường sắt: Còn quá nhiều việc phải làm

NGUYỄN ĐƯỚC
NGUYỄN ĐƯỚC

TTO - Từ nay đến năm 2025, ngành đường sắt sẽ xóa hơn 1.500 đường băng ngang đường ray để giảm tai nạn. Để thay đổi nhận thức về an toàn đường sắt, cần làm nhiều việc hơn nữa...

An toàn đường sắt: Còn quá nhiều việc phải làm - Ảnh 1.

Người và xe băng ngang đường sắt khi tàu hỏa đến gần (ảnh chụp tại TP Huế ngày 31-3-2019) - Ảnh: NGỌC HIỂN

Liên tiếp nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng trong năm 2017 và năm 2018. Theo thống kê của ngành đường sắt, từ năm 2015 đến nay tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng xảy ra hầu hết là tại các đường ngang dân sinh và các lối đi tự mở của người dân với 1.913 vụ, làm chết 879 người và 1.174 người bị thương. Con số thực tế có thể còn cao hơn.

Xóa lối băng ngang

Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở điểm giao cắt đường bộ - đường sắt, ở các lối đi người dân tự mở băng qua đường ray tại những nơi không gác chắn. Nhiều con đường băng qua đường sắt ban đầu là đường tự mở, giờ thành lối đi học, đi làm chính của cư dân gần đó... Và sự chủ quan vẫn còn đó, mỗi ngày, với người đi bộ, xe đạp, xe máy đến cả ôtô, xe tải.

Theo thống kê của ngành đường sắt, cả nước còn hơn 4.155 vị trí là các lối đi tự mở, lối đi tự phát của người dân sinh sống gần đường sắt ngang qua. Thực tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiểm họa tai nạn đường sắt hằng ngày. Ngành đường sắt cũng như chính quyền địa phương từng rào chắn lại, xử lý những lối đi này và cảnh báo nguy hiểm... 

Thế nhưng các biện pháp này dường như không ăn thua. Bữa trước rào chắn, cảnh báo xong, bữa sau đã có người "phá" để tiếp tục đi. Cách xử lý tạm thời, chỉ giải quyết phần "ngọn" chứ chưa có biện pháp giải quyết một cách triệt để, hiểm họa khó tránh.

Ngoài những lối đi tự mở, hiện có hơn 1.514 đường ngang dân sinh cũng có thể xảy ra tai nạn đường sắt thương tâm, kinh hoàng như thời gian qua. Theo đề án của ngành đường sắt, từ nay đến năm 2025, ngành sẽ tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các lối đi kiểu này. Bảy năm chờ đợi các lối đi này có thể được "xóa sổ", ngành đường sắt cần nhiều giải pháp khoa học hơn để giảm thiểu hậu quả tai nạn ở đường tàu.

Đề án 7.000 tỉ đồng để kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt đã được thông qua, hiện đang được triển khai, xây dựng những hạng mục đầu tư. 

Theo lộ trình đến năm 2020 phải hoàn thành việc lập hồ sơ, tổ chức và quản lý vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt, lối đi tự mở; thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở và các vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt; xóa bỏ các lối đi tự mở ở vị trí nguy hiểm; thu hẹp chiều rộng xuống dưới 3m. 

Đến năm 2025 sẽ xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở còn lại trên các tuyến đường sắt; xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao cắt với đường sắt quốc gia, tổ chức vận tải bằng phương thức khác hoặc bãi bỏ vị trí giao cắt này.

Tự động hóa các gác chắn tại những đường ngang dân sinh, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các lối đi tự phát, tự mở là việc cấp thiết cần thực hiện nhanh hơn. Nhưng vẫn chưa đủ...

An toàn đường sắt: Còn quá nhiều việc phải làm - Ảnh 2.

Người và xe băng ngang đường sắt khi tàu hỏa đến gần (ảnh chụp tại TP Huế ngày 31-3-2019) - Ảnh: NGỌC HIỂN

Luật chưa đi vàocuộc sống

Những hành vi vi phạm Luật đường sắt, trật tự an toàn giao thông đường sắt có thể thấy như "cơm bữa". Cụ thể: vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, chăn thả gia súc (như trâu, bò...) trên đường sắt. Nhiều người điều khiển xe máy, xe tải, xe ôtô còn lơ là, xem thường hiểm nguy khi băng qua đường ray, không quan sát biển báo, tín hiệu, tín hiệu nguy hiểm gần đường sắt...

Luật đường sắt 2005, qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, đến nay Luật đường sắt 2017 về mặt cơ bản được quy định chi tiết, đầy đủ hơn. Nhưng nhiều quy định chưa đi vào đời sống. 

Người dân thiếu hiểu biết về Luật đường sắt, những vụ vi phạm vẫn còn bị xem nhẹ, được xuề xòa cho qua. Nhiều hành vi lén lút phá, mở các lối tự đi, gây hiểm họa. 

Trong việc tổ chức thi và sát hạch để cấp giấy phép lái xe, những quy định về an toàn giao thông đường sắt bị bỏ qua hoặc chiếm tỉ lệ câu hỏi rất thấp... 

Vì vậy, người dân và cánh tài xế thiếu hiểu biết những quy định về Luật đường sắt cũng là điều dễ hiểu...

Thiết nghĩ, xóa bỏ lối đi tự mở là việc phải làm càng sớm càng tốt, chờ đến 7 năm là quá lâu. Cần đưa các quy định liên quan đến an toàn giao thông đường sắt vào nhà trường, đặc biệt là vào nội dung dạy, thi sát hạch cấp giấy phép lái xe. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, phòng ngừa và giảm thiểu hậu quả tai nạn đường sắt.

Đừng "đùa" với tàu lửa Đừng 'đùa' với tàu lửa

TTO - Với chiều dài 3.230,8km xuyên suốt từ Bắc chí Nam, tình trạng người đi bộ và lái xe chưa chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh, thậm chí vượt rào chắn khi tàu lửa sắp tới vẫn rất phổ biến với không biết bao tai nạn kinh hoàng chực chờ.

NGUYỄN ĐƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên