Tuy nhiên trước khi những phép tắc ngoại giao cấp nhà nước được ký kết, giữa Bhutan và Việt Nam đã có những câu chuyện ân tình rất cảm động.
Phóng to |
Hầu hết đồng ruộng Bhutan là những mảnh nương nhỏ giữa các thung lũng hẹp, không giàu có về tiềm năng nhưng người dân Bhutan vẫn an lạc - Ảnh: L.Đ.Dục |
Cơ duyên miền đất Phật
Năm 2000, Hội chợ triển lãm thế giới (Expo 2000) diễn ra ở TP Hannover, Đức, Bhutan cũng tham gia Expo 2000 này và để dựng lên gian trưng bày tại Hannover trong hình dáng một tòa dzong với kiến trúc đặc trưng của đất nước mình, Bhutan đưa một kíp thợ 20 người đến đây làm việc trong nửa năm trời. Dù thi công một công trình đại diện quốc gia ở một hội chợ tầm cỡ thế giới nhưng lo chỗ ăn ở đi lại ngần ấy con người trong nửa năm trời để làm việc, trong điều kiện mùa đông rét mướt của nước Đức là chuyện cũng không dễ. May sao, như một cơ duyên của vương quốc Phật giáo bên triền Himalaya này và một ngôi chùa Việt lại nằm tận nước Đức xa xôi: ngay trên con phố sẽ dựng tòa dzong của Bhutan, chùa Viên Giác trên phố Karlsruher chỉ cách vị trí khu triển lãm chừng mười phút đi bộ.
Và thế là sau khi có sự ngỏ lời của đại diện phía Bhutan, các sư tăng của nhà chùa Việt hoan hỉ đón tiếp kíp thợ 20 người của Bhutan đến tá túc miễn phí hơn nửa năm trời, họ ăn ở sinh hoạt ngay tại chùa để thuận tiện cho việc hoàn thành công trình trưng bày của nước mình. Expo 2000 ấy, hoàng hậu Bhutan sang Đức dự khai mạc, khi được biết sự giúp đỡ tận tình từ ngôi chùa Việt trên đất Đức, bà đã đến thăm chùa Viên Giác và sau đó những sư thầy từ ngôi chùa Việt trên đất Đức này đã đến thăm Bhutan trong sự đón tiếp trọng thị của hoàng gia.
Cũng liên quan đến hoàng gia, trong lễ tấn phong nhà vua trẻ Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, có một người Việt đã viết như thế này sau khi qua Bhutan dự lễ: “Và thằng bạn học năm xưa của tôi ở Oxford vừa lên làm vua”. Tình bạn ấy đã được nhắc nhiều trong những bài viết của anh về vị vua thứ 5 của xứ Bhutan - vốn là bạn học của anh ở Đại học Oxford danh tiếng nước Anh! Nhắc đến không phải vì người bạn ấy là vua của một xứ sở được mệnh danh là “hạnh phúc nhất thế giới” mà vì có những câu chuyện cảm động về nhà vua trẻ với thần dân của mình ít người được biết: “Hôm làm đám cưới ở cố đô Punakha xong, 7g sáng hôm sau vua và hoàng hậu Jetsun Pema đã lên xe trở về thủ đô Thimphu cách đó chừng hai giờ lái xe. Vậy nhưng phải đến 23g khuya cả hai mới về đến cung, vì trên đường về cứ mỗi khi có người dân ra đường đứng đón là cả hai lại xuống xe để có thể đến tận nơi cầm tay từng người một cảm ơn thăm hỏi. Không phải chỉ một bên đường mà cả hai bên cùng một lúc, không bỏ sót một ai...”.
Quỳnh, một người bạn của tôi đang làm việc ở Singapore, biết tôi đi Bhutan đã giới thiệu cho tôi gặp Pema, một cô bạn thân thiết của Quỳnh trong thời gian cùng học ở Singapore. Pema hiện phụ trách phòng nghiên cứu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Bhutan. Vậy nhưng khi tôi đến Bhutan thì vì công việc đột xuất, Pema lại đi công tác tại một địa phương giáp biên giới với Ấn Độ nên cô đã nhờ chị gái của mình là Kesang đến khách sạn đón chúng tôi đi chơi. Dù cuộc hội ngộ phải qua những liên lạc loanh quanh lòng vòng như vậy, nhưng thật bất ngờ khi chúng tôi lên thủ đô Thimphu, Kesang đã đến đón chúng tôi cùng với cả gia đình nhỏ của mình.Cuộc gặp ấy thật sự để lại trong chúng tôi những ấn tượng sâu đậm về tình người ở Bhutan, chan chứa và thân thiện mà không hề có những cảm giác dè chừng xa lạ. Và có lẽ sẽ thiếu sót nếu trong những câu chuyện về Bhutan này, chúng tôi không nhắc đến Kesang và gia đình cô với lòng biết ơn của mình về tình cảm mà gia đình cô đã dành cho chúng tôi khi lần đầu đến với đất nước xa xôi này.
Phóng to |
Một góc thủ đô Thimphu của Bhutan, tuy tốc độ phát triển nhanh chóng nhưng kiến trúc nhà cửa của thành phố vẫn sạch sẽ và hài hòa với thiên nhiên - Ảnh: L.Đ.Dục |
Ly ara và chiếc máy cày Việt
Trước khi rời Bhutan, sau một ngày vất vả leo lên tu viện Taktsang ở độ cao hơn 3.200m, đôi chân dường như đã rã rời, lúc xuống núi, anh chàng hướng dẫn viên Leki nói với chúng tôi: “Chốc nữa sẽ cho các bạn đến nhà một nông dân Bhutan để tận mắt thấy hạnh phúc giản dị của họ”. Xe đưa chúng tôi ra ngoại ô .phố Paro, ở một ngôi làng nhỏ có tên Shami. Để trút bỏ những mệt nhọc, chúng tôi được đón tiếp bằng những bồn gỗ chứa đầy nước nóng bốc hơi nghi ngút. Phía ngoài gian nhà với những chậu gỗ kia là bếp lửa với những viên đá to được nung nóng trong lò than đỏ rực. Những viên đá ở dưới chân Himalaya với mùa đông phủ tuyết và mùa hè nắng nung này tích lũy khí vị trời đất trong những phân tử của nó, sau khi nung nóng được thả vào bồn gỗ chứa đầy nước. Những cư dân bên triền Himalaya này cho đến bây giờ vẫn chống chọi lại mùa đông bằng những bếp lửa như thế, những viên đá nung đỏ như thế, và có lẽ núi cũng truyền cho họ sức mạnh của mình từ những sinh hoạt giản dị như thế!
Giữa cơn gió cuối chiều hun hút buôn buốt, trong căn bếp của gia đình người nông dân ở ngoại ô Paro ấy, chúng tôi còn được thưởng thức một thứ đồ uống rất đặc sắc từ chính tay chị chủ nhà pha chế với rượu ara (như rượu đế của xứ mình, chưng cất từ ngô hay gạo). Cho một ít rượu ara vào bình đun nóng lên, cho thêm một ít bơ và một quả trứng gà vào đấy, khi thứ hỗn hợp kia bắt đầu sôi thì rót vào ly và uống nóng, vị bơ béo xua tan giá rét, cùng với hương thơm của rượu và vị bùi của trứng.
Và bất ngờ hơn cả ly rượu ara pha với bơ và trứng gà kia là khi chị chủ nhà biết chúng tôi đến từ Việt Nam, chị đã nói một tràng tiếng Bhutan rất dài với vẻ mặt hoan hỉ, chàng hướng dẫn viên Leki đã dịch lại cho chúng tôi biết chị rất hài lòng với những chiếc... máy cày của Việt Nam! Quá đỗi bất ngờ nên chúng tôi hỏi thêm lần nữa: Vì sao lại có máy cày Việt Nam ở Bhutan này? Sau một hồi hỏi han, hóa ra Bhutan đã được Nhật tài trợ khá nhiều dự án để phát triển nông nghiệp và nông thôn, trong đó có việc trang bị cho nông dân Bhutan những chiếc máy cày loại nhỏ (mà chúng tôi đoán là loại máy cày “công nông” chừng 12 sức ngựa). Sở dĩ là máy cày Việt Nam bởi vì nhà tài trợ (Nhật Bản) không muốn Bhutan mua máy của những quốc gia khác. Giữa miền đất xa xôi dưới chân Himalaya này, những nông dân ở một làng quê hẻo lánh biết tới quê hương đất nước của mình cũng là một niềm vui thật đáng nhớ với chúng tôi trong những ngày đến với Bhutan...
___________
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Triết lý hạnh phúc Kỳ 2: Giữ môi trường trong từng... hơi thở Kỳ 3: Bản sắc hay là... chết! Kỳ 4: Khúc ca thái bình Kỳ 5: Từ “vương quyền” đến dân chủ Kỳ 6: Tiếng gầm của rồng sấm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận