Bộ trưởng Quốc phòng ba nước Nhật Bản, Mỹ và Úc trong cuộc gặp bên lề Đối thoại Shangri-La 2018 hôm 2-6 - Ảnh: REUTERS
Mỹ và Ấn Độ một lần nữa có cơ hội nói rõ hơn về tầm nhìn của họ đối với châu Á - Thái Bình Dương trong Đối thoại Shangri-La 2018. Thực tế, nói thẳng ra, cả hai tầm nhìn này đều chỉ tập trung vào khu vực Đông Á và dù luôn né tránh chuyện đối đầu với Trung Quốc, cả hai chính sách đều có ý đó.
Không phải ngẫu nhiên khi Mỹ công bố quyết định đổi tên Bộ chỉ huy Thái Bình Dương thành Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngay trước diễn đàn quân sự lớn ở Singapore.
Đó không hẳn là một hành động mang tính tượng trưng, người đứng đầu nó, Đô đốc Philip Davidson, cách đây không lâu, đã nói về viễn cảnh Trung Quốc sẽ kiểm soát cả Biển Đông và vươn vòi bạch tuộc ra ngoài khu vực, đến tận các khu vực vốn chịu sự ảnh hưởng truyền thống của Mỹ như châu Đại Dương.
"Không quốc gia nào có thể hoặc nên thống trị cả châu Á - Thái Bình Dương. Với các quốc gia mong muốn hòa bình và quyền tự quyết, chúng ta cùng chia sẻ trách nhiệm làm việc cùng nhau để cùng xây dựng một tương lai chung", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2018 ngày 2-6.
Cần nhìn ra ý tứ trong câu nói này. Người Mỹ cách đây vài mươi năm chưa bao giờ có khái niệm cùng chia sẻ sự ảnh hưởng với nước khác tại khu vực, nhưng hiện giờ đã có.
Việc nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một trong hai trụ cột xoay trục sang châu Á của người tiền nhiệm Barack Obama khiến nhiều người bối rối.
Thực tế thì tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã xuất hiện như thể đã được chuẩn bị từ trước và thay thế cho cái gọi là xoay trục đó.
"Nói cho rõ như thế này, chúng tôi không yêu cầu bất kỳ quốc gia nào phải chọn Mỹ hoặc Trung Quốc. Bởi vì một người bạn sẽ không bao giờ yêu cầu bạn phải chọn chơi với ai trong số họ", Bộ trưởng Mỹ Mattis giải thích đầy khéo léo.
Đây cũng là lần đầu tiên người ta nghe người Mỹ nhắc tới cụm từ "hướng tây" trong một tuyên bố chính thức.
Dễ hiểu khi ông Mattis nói đến sự lựa chọn bởi giữa một người bạn từ xa mới đến và một người ở gần từ lâu, ta luôn có sự so sánh và cân đo, đong đếm.
Nước Úc là một ví dụ điển hình. Đáng tiếc là trong bài phát biểu tại Shangri-La năm ngoái, thủ tướng Úc đã không nói nhiều về điều này.
Bài phát biểu mở màn năm nay đã được dành cho thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của Đông Nam Á
Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông bị cộng đồng quốc tế cảnh báo và lên án - Ảnh: REUTERS
Cách đây không lâu, sự hồi sinh của các gọi là "Tứ giác kim cương" với 4 đỉnh là Ấn Độ, Úc, Mỹ và Nhật Bản đã khiến Trung Quốc thực sự khó chịu.
Cần hiểu sự khó chịu này đến từ mục đích ban đầu của sự hợp tác này là nhằm bao vây Trung Quốc. Với tiềm lực đang lên và cần nhiều hơn không gian chiến lược, không lấy làm lạ khi Bắc Kinh khó chịu ra mặt lúc cuộc họp của bộ tứ này được tổ chức sau hơn một thập kỷ hồi tháng 2-2018.
Quay trở lại câu chuyện hướng đông của Ấn Độ, sau nhiều năm tổ chức thực hiện, dưới thời thủ tướng Modi, nó đã chuyển thành chính sách "Hành động hướng đông", một bước nâng tầm và khẳng định cam kết của New Delhi đối với các nước phía đông của nước này.
Câu đầu tiên trong bài phát biểu đinh tại Shangri-La của ông Modi đã nói về khu vực phía đông Ấn Độ, trong đó nhấn mạnh đầy ẩn ý rằng trong hàng ngàn năm qua người Ấn đã nhìn về phương đông không phải chỉ đợi chờ mặt trời lên.
Cả ông Modi và ông Mattis đều nhắc đến vai trò của ASEAN trong bài phát biểu, nhấn mạnh đến yếu tố đoàn kết.
"Chúng tôi ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc an ninh khu vực và sẽ tìm cách để tăng cường hơn nữa vai trò đó. ASEAN càng đồng lòng chung một tiếng nói, chúng ta càng có cơ hội tốt hơn để duy trì một khu vực không có sự cưỡng ép, một khu vực thượng tôn luật pháp quốc tế", Bộ trưởng quốc phòng Mỹ khẳng định.
Tại sao lại nhắc đến chuyện thượng tôn pháp luật nếu tất cả đều thực thi tốt? Cần gì nhắc đến việc ASEAN đồng lòng nếu không có sự chia rẽ?
Vậy rốt cuộc Trung Quốc hướng về phía nào? Tây để đụng Ấn Độ, Bắc để gặp vùng Siberia hoang vu của Nga, Đông để đụng Nhật Bản và Mỹ đằng sau đó hay phía Nam?
Cứ nhìn những chuyện gần đây, tự khắc đã có câu trả lời.
Sự can dự của các nước lớn vào Đông Nam Á, ở một khía cạnh nhất định đem lại cơ hội cho các nước nhỏ. Nhưng chuyện chọn hay không chọn, chơi như thế nào là tùy mỗi nước.
Suy cho cùng, tất cả cũng vì cái gọi là lợi ích quốc gia, mà cụm từ đó lại được hiểu rất khác ở từng nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận