Binh sĩ Ấn Độ di chuyển trên một đường cao tốc dẫn tới khu vực Ladakh đang căng thẳng với Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters ngày 7-9 dẫn lời trung tá Harsh Wardhan Pande, phát ngôn viên quân đội Ấn Độ, cho biết 5 người đàn ông được báo cáo đã mất tích tại bang Arunachal Pradesh cách đây vài ngày.
"Không có đường phân định rạch ròi nào chạy xuyên rừng xuyên núi nên có thể những người này đã đi sang phần đất Trung Quốc. Chuyện này cũng bình thường thôi", ông Pande khẳng định đây là những dân thường Ấn Độ.
Nghi ngờ Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã bắt giữ những người này, trung tá Pande xác nhận quân đội Ấn Độ đã gọi điện sang Trung Quốc để hỏi thẳng hôm 5-9.
"Chúng tôi đã gọi cho PLA qua đường dây nóng hồi tuần trước và cho rằng có thể một số thường dân đã vô tình đi vào phần đất phía Trung Quốc. Chúng tôi nói sẽ rất cảm kích nếu các vị trao trả lại những người này, giống như chúng tôi vẫn thường làm với người Trung Quốc".
Khi được hỏi trong cuộc họp báo ngày 7-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói ông không biết vụ dân Ấn Độ "đi lạc".
"Sẵn tiện tôi nói luôn Bắc Kinh chưa bao giờ công nhận cái gọi là bang Arunachal Pradesh. Chúng tôi gọi vùng đất đó là Nam Tạng và nó thuộc chủ quyền của Trung Quốc", ông Triệu tuyên bố.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ - hai "đại gia hạt nhân" của châu Á - liên tục gặp trục trặc vì tuyến biên giới chưa phân định dài gần 3.500km.
Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã nhiều lần đối đầu nhau tại các khu vực tranh chấp ở biên giới. Một số trường hợp đã dẫn tới ẩu đả khiến hàng chục binh sĩ thương vong như sự việc ở thung lũng Galwan hồi giữa tháng 6.
Bang Arunachal Pradesh ở phía đông Ấn Độ, tiếp giáp Bhutan, Myanmar và khu vực Tây Tạng của Trung Quốc. Dù New Delhi đã quản lý lãnh thổ rộng hơn 83.000km2 này từ lâu, Bắc Kinh vẫn cho rằng đây là một phần lãnh thổ của mình.
Trung Quốc lập luận thỏa thuận phân chia ranh giới Ấn Độ - Tây Tạng năm 1914, vốn dẫn tới sự hình thành của bang Arunachal Pradesh sau này, là không có giá trị do chính quyền Tây Tạng lúc đó không có quyền đại diện Trung Quốc ký kết với thực dân Anh (khi đó đang bảo hộ Ấn Độ).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận