13/01/2017 15:41 GMT+7

Ăn mì Udon Nhật, nhớ mì Quảng Việt

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Một giáo sư người Mỹ nhận xét rằng thưởng thức món mì Udon Nhật Bản làm ông liên tưởng đến mì Quảng VN mà đặc trưng chung của hai món ăn này chính là sợi mì dày, hơi thô và hơi dai.

Mì Udon Nhật và mì Quảng Việt - Ảnh tư liệu - Gia Tiến

Mặc dù vẫn dùng cơm làm thành phần chính trong các bữa ăn hằng ngày nhưng cả người Nhật lẫn người VN lại rất chuộng ăn mì. Nói về mì thì ở Nhật có rất nhiều loại, một trong những loại phổ biến nhất là mì Udon trong khi món mì Quảng đến từ miền Trung là niềm tự hào của không ít người Việt.

Ông Christopher M. Annear, giáo sư Đại học ở Mỹ chuyên ngành văn hóa châu Á, khi dẫn các học trò là những sinh viên của Trường ĐH Hobart and William Smith College và Union College (Mỹ) đến VN có nhận xét ẩm thực Việt rất độc đáo nhưng tính quốc tế hóa cũng rất cao.

Từng đi nhiều nơi và trải nghiệm nhiều nền ẩm thực khác nhau, ông Christopher M. Annear cho biết ông hoàn toàn bị món ăn VN thuyết phục. Sự đa dạng của ẩm thực VN bắt đầu từ nguyên liệu, thành phần. 

Cách đây vài năm ông có đến Nhật Bản, một quốc gia nổi tiếng với nền ẩm thực quảng bá mạnh mẽ và phát hiện món mì sợi Udon của Nhật cũng có cọng mì to và cách ăn như mì Quảng hay cao lầu Quảng Nam của VN.

“Nhưng ở món mì Quảng, sự tinh tế kết hợp với rau sống, nước dùng hay gia vị đi kèm đã chinh phục được thực khách. Đó là nét riêng của ẩm thực VN mà khó nước nào có được”, ông Christopher M. Annear nói.

"Món mì Quảng có sự tinh tế khi kết hợp với rau sống, nước dùng hay gia vị đi kèm" - Ảnh: Gia Tiến

Mì Quảng VN thường được dùng kèm với rau sống các loại như rau thơm, hoa chuối, cải non…, đặc biệt thành phần không thể thiếu là bánh tráng mè nướng giòn và đậu phụng béo ngậy rắc lên phía trên.

Nước lèo ăn kèm của món mì Quảng cũng khá phong phú, có thể nấu từ xương, thịt heo, cá lóc… với một lượng ít, đậm đà, chỉ đủ để trộn thấm gia vị vào cọng mì và làm mềm các loại rau ăn kèm.

Tương tự, nước lèo của món mì Udon cũng đòi hỏi vị mặn mà, thậm chí chỉ được xem là ngon khi nước canh hơi mặn. Mì Udon cũng được chế biến khác nhau theo đặc trưng vùng miền của Nhật, riêng mì Udon xào thì làm thực khách liên tưởng đến món cao lầu Hội An.

Cao lầu là món khá “bảo thủ” với công thức ổn định: sợi mì, thịt heo và ít nước dùng, rau sống ăn cũng đơn giản, chủ yếu là cải non.

Thưởng thức một món ăn Việt, thực khách có thể đồng thời cảm nhận nhiều hương vị khác nhau từ những thành phần tạo nên món ăn đó. Với mì Quảng, chúng được tính toán một cách hài hòa, hợp khẩu vị đến ngạc nhiên.

“Điều này rất khác với món ăn của các nước, chẳng hạn món steak bò ở Mỹ thì chỉ có mỗi vị thịt bò”, ông Christopher M. Annear nhận xét.

Ngày hội ẩm thực Việt - Nhật: sức hấp dẫn từ những nét tương đồng diễn ra lúc 14h ngày 14-1 tại Gem Center (Q.1, TP.HCM) do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của hai thương hiệu Ajinomoto và Acecook VN. Những người yêu thích ẩm thực sẽ có dịp giao lưu về văn hóa và ẩm thực, khám phá cơ hội kinh doanh ẩm thực hai nước, các chuyên gia ẩm thực đưa ra những đóng góp làm cách nào khai thác thế mạnh của ẩm thực, thu hút khách du lịch Nhật đến VN…

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên