AirCity: Ứng dụng thoát cảnh xếp hàng đóng phí
Hai nhà sáng lập của AirCity hiện còn rất trẻ, Lê Xuân Vũ (9X) và Lê Hoàng Nhật (8X).
60 tòa nhà, hơn 1.200 phòng đang được AirCity quản lý
Hai nhà đồng sáng lập AirCity có nhiều điểm chung như đam mê công nghệ, từng khởi nghiệp ở nhiều dự án khác nhau.
Từ khi là sinh viên năm 2, Vũ đã tự tạo ra một mạng xã hội cho riêng mình. Sau một thời gian và phải "dừng chân" với dự án đầu, anh tiếp tục khởi nghiệp, trở thành CEO nha khoa Doctor Trí, CEO & Co Founder của JM English.
Ở người đồng sáng lập còn lại, Hoàng Nhật có hơn 10 năm kinh nghiệm xây dựng các công ty start-up ở lĩnh vực công nghệ, 5 năm về Proptech (ứng dụng công nghệ thông tin và kinh tế nền tảng vào lĩnh vực bất động sản). Nhật cũng từng làm CEO của Ami và CTO Houze.
Từ cơ duyên là cùng nhau tham gia vào một vườn ươm doanh nghiệp, Nhật và Vũ đứng ra thành lập AirCity vào tháng 12-2021. Những nét phác thảo ban đầu là cho AirCity, rằng đây là một start-up tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số toàn diện cho các tòa nhà căn hộ dịch vụ và các chung cư tại Việt Nam.
Cụ thể với mỗi một tòa nhà mà AirCity đi vào tiếp quản, công ty sẽ thay thế hoàn toàn việc quản lý, vận hành truyền thống từ kế toán, bảo vệ, mở cổng vật lý bằng hệ thống "trông coi" thông qua camera nhận dạng khuôn mặt tự động.
Các quy trình về quản lý khách hàng, thanh toán tiền nhà trọ, báo sự cố và sửa chữa, đánh giá, sao kê gạch nợ tự động... được số hóa dựa trên nền tảng công nghệ.
Với cách làm này, AirCity tự động hóa được 70% quy trình quản lý, từ đó tối giảm phần lớn nhân sự và tiết kiệm khoảng 40% chi phí cho khách hàng theo lối quản lý truyền thống. Họ chỉ mất 5%/tổng doanh thu để sử dụng các gói dịch vụ của AirCity.
"Các bên quản lý theo dạng truyền thống đang thu phí khoảng 8%. Tuy nhiên, với quy mô đó, căn cơ lắm thì cũng chỉ quản lý được 300 phòng là cùng. Lý do là họ không hề áp dụng công nghệ, chỉ theo dạng khoán cho một người một nhà", Vũ nói.
3 tháng một khách hàng và mục tiêu vươn ra quốc tế
Tính đến nay, AirCity đang quản lý 60 tòa nhà, hơn 1.200 phòng tại TP.HCM, Cần Thơ và Hà Nội. Doanh thu theo kế hoạch mà hai nhà đồng sáng lập đề ra cho năm 2023 của AirCity đạt đâu đó khoảng 200.000 - 300.000 USD.
Công việc mà AirCity "đảm nhiệm" hầu như rất mới mẻ ở Việt Nam, thậm chí theo Vũ là "hoàn toàn sơ khai". Đó cũng chính là vấn đề mà hai đồng sáng lập AirCity nhận ra. "Áp lực lắm, vì ai cũng nghĩ mình đang nói tào lao, xưa giờ vẫn quản lý theo cách truyền thống tốt như vậy có làm sao. Bản thân mình cũng từng ở trọ (quê Phú Yên - PV), hiểu hết mọi vấn đề trong một tòa nhà đang gặp phải", Vũ nói.
Nhưng khi có được khách hàng đầu tiên, rồi "tiếng lành đồn xa" giúp AirCity có tốc độ phát triển khá ấn tượng. Ngoài những con số ở trên, Vũ cho biết công ty đang còn nhiều dự án trong quá trình bàn bạc như một số tòa nhà ở xã hội, ký túc xá tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, một số tòa nhà tại Bình Dương...
Doanh thu ước tính của AirCity vào năm 2028 dự kiến khoảng 5 triệu đô la. Và để đạt được điều đó, hai nhà đồng sáng lập đang đặt ra mục tiêu AirCity sẽ đạt được 10.000 phòng vào cuối năm 2023.
Thị trường nước ngoài mà AirCity có kế hoạch hướng tới vào năm 2025 là Indonesia.
Chuỗi cung ứng
Cái đích cuối cùng của AirCity muốn hướng tới là chung cư. Tuy nhiên theo Vũ, với tầm nhìn rộng hơn là "cứ có tòa nhà, có cư dân ở thì AirCity sẽ quản lý".
AirCity đặt mục tiêu sẽ liên kết từng căn nhà, tòa nhà thành một hệ thống, có tiêu chuẩn, quy chuẩn nâng cao và đặc biệt là có thể hỗ trợ lẫn nhau. Sau đó liên kết với bên thứ ba nhằm cung cấp các dịch vụ khác, từ đó tạo ra một chuỗi cung ứng, hệ sinh thái liên quan.
"Giá trị cốt lõi của AirCity là công nghệ lõi, đều do người của AirCity tạo ra. Dù có sao đi nữa thì công nghệ vẫn chạy, con người được đưa vào để thực thi một đầu việc nhất định theo quy trình ấy thôi, còn mọi thông tin vẫn được điều khiển bằng công nghệ lõi của AirCity", anh nói.
Ngày mai 26-4 diễn ra talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp"
Ngày mai (26-4), talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp" với chủ đề "Trong khủng hoảng, tìm thấy cơ hội?" sẽ diễn ra tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler - lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ - là diễn giả chính tại sự kiện này.
Talkshow còn có các diễn giả: ông Phạm Phú Ngọc Trai - nhà sáng lập và chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh và Hội nhập toàn cầu (GIBC); ông Don Lam - tổng giám đốc và cổ đông sáng lập VinaCapital; bà Nguyễn Thị Diệu Hằng - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM (BSSC); ông Lê Yên Thanh - sáng lập và CEO Phenikaa MaaS, Forbes Under 30; bà Phạm Khánh Linh - sáng lập và CEO Logivan, Forbes Under 30.
Ngay sau chương trình, lễ vinh danh 20 start-up tiêu biểu cùng một giải start-up truyền cảm hứng và giải start-up xanh do hội đồng thẩm định của giải thưởng Tuổi Trẻ Start-up Award 2023 được tổ chức sau đó. Các dự án này nhận khoản hỗ trợ kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, FE Credit, Ngân hàng ACB, Thái Bình Group, Volvo, IDICo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân golf Thủ Đức... Trong đó, dự án được trao giải đặc biệt trị giá 100 triệu đồng từ GIBC.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận