Bắt được cá lóc đồng mập ú, tía tui lại dặn má: Nấu phở ăn chơi!
Mèn ơi, tui nói thiệt mà tụi nó hổng tin, phen này chắc chế phải ra tay múa chảo cho tụi mày biết thế nào mới là tinh hoa ẩm thực miền sông nước, ăn xong lỡ mà ngon quá đừng năn nỉ xin thêm tô nữa nghe chưa!
Hồi đó dưới quê cứ tới mùa nước nổi, lũ về ngập trắng cả cánh đồng tía tui lại bơi xuồng đi thả vài tai lưới kiếm mớ cá mớ cua cho má nấu cơm. Nào cá linh, cá chốt, sặc rằn, rô đồng, cá chạch nhiều vô số kể, lâu lâu hên còn dính cá lóc đồng mập ú. Tía tui dặn má: Nấu phở ăn chơi!
Bọn nhóc quê tụi tui đứa nào nghe tới phở cũng đều hớn hở, háo hức mong chờ. Cũng phải, ở chốn đồng không mông quạnh mỗi năm chỉ được ra chợ xã hai lần: một là vào đầu năm học mới để mua sách vở còn hai là vào dịp tết má dắt lên chợ sắm vài bộ đồ mới, có đứa nào được ăn phở đâu mà biết vị ngon dở thế nào, chỉ thấy người ta ăn phở trên tivi ai cũng tấm tắc khen ngon!
Má xúc hai lon sữa bò đầy gạo trong khạp, đổ vào thau rồi biểu chị Hai đem đi vo sạch cám. Má đi rửa sạch cái cối đá xanh rồi cho gạo vào xay. Má cầm đầu cán cối xoay tròn, chị Hai múc gạo với một ít nước cho vào miệng cối, một dòng nước trắng đục như sữa chảy xuống thau nhôm sóng sánh, má nói nó là nước bột.
Xay bột xong xuôi, cho vào bột thêm ít muối và dầu, má bắt lên bếp một nồi nước to tướng, trên miệng nồi phủ một lớp vải mùng dày. Nước sôi, khói bốc lên nghi ngút, má lấy vá múc từng vá "nước bột" trải đều trên lớp vải, chẳng mấy chốc mà lớp nước bột ấy chín.
Tui reo lên "a, bánh phở".
Má tui cười lớn "chưa đâu con, mới chỉ là bánh tráng ướt thôi".
Nói rồi, má cầm cây đũa bếp khều nhẹ, khéo léo rinh miếng "bánh tráng ướt" ấy ra ngoài để lên tấm thớt gỗ, má đưa dao cắt bánh thành những sợi mỏng, dài rồi để lên mâm lá chuối tươi xanh mướt - bánh phở đây rồi.
Má tôi và chị Hai xay bột mần bánh phở
Trong lúc má với chị Hai xay bột mần bánh phở thì tía tui cũng đã giải quyết gọn gàng mấy em cá lóc tròn núc ních.
Mổ ruột đánh vảy xong xuôi, tía cho vào cá trái chanh với muối rồi dùng lá chuối tươi rửa, chà thật sạch cho cá khỏi tanh và nhớt.
Cá sau khi mần sạch tía ướp xíu tiêu, nước mắm và bột ngọt rồi bắt lên bếp chiên sơ qua cho cá dậy mùi. Xèo một cái, cá thơm nức mũi, tía thêm ca nước mưa vào hầm chung với củ gừng, củ hành và hạt tiêu nướng.
Mới chút xíu thôi mà cả cháy bếp thơm lừng, mùi của cá của hành gừng tiêu tỏi như hòa quyện vào nhau, bọn trẻ con tụi tui "đứng canh" bênh cạnh cứ hít hà mãi không thôi.
Nêm nếm nồi nước lèo vừa vặn, má biểu tui ra sau hè hái ít rau thơm. Tưởng gì, xà lách, ngò gai, lá quế sau hè nhà tui đầy. Tui chạy ù ra hè lặt sạch đám rau, nhanh nhanh chóng chóng trở vào cho kịp.
Tô phở cá lóc thơm ngào ngạt
Má gắp bánh phở vào tô, để lên trên khứa cá, rau thơm các loại, rắc ít tiêu xay. Xong rồi má lấy vá múc từng vá nước lèo chan vào tô phở.
Mèn ơi, khói bốc lên nghi ngút, mùi thơm ngào ngạt, bọn trẻ nít tụi tui nhìn vào tô phở trước mặt mà chẹp miệng từng hồi ngăn cho nước miếng đừng rơi.
Rồi đứa nào đứa nấy cắm đầu mà thổi cho nhanh nguội. Rồi mạnh đứa nào đứa nấy húp. Tiếng hút bánh phở sộp soạp, tiếng khịt mũi vì hơi nước nóng, tiếng chép miệng ngon lành. Tuyệt nhiên không ai rảnh để nói một lời nào vì… tô phở quá ngon.
Bây giờ, trải qua đã mười mấy năm, đám nhóc canh chực bên cháy bếp ngày nào đều đã lớn. Mỗi người một công việc một gia đình, trong những năm rong ruổi khắp nơi ai nấy đã ăn qua rất nhiều tô phở, bình dân có, cao cấp có, nhưng có lẽ chẳng ai quên được tô phở cá lóc nhà nghèo của tía má ngày xưa.
Cái vị thanh thanh đậm đà mùi hành gừng nướng của nước lèo, vị ngọt của cá lóc đồng quyện cùng vị bùi bùi dai dai của bánh phở tự chế sẽ là một ký ức tuổi thơ không thể thay thế được.
Lâu lâu chiều mưa Sài Gòn cảm thấy nhớ nhà, tui lại ra chợ tìm mua con cá lóc, tự nấu lại nồi phở cá lóc năm nào rồi gọi điện thoại về nhà tếu táo "Ai ăn phở cá lóc hông?". Mỗi lần như vậy tía má tui lại cười khanh khách "Đồ quỷ à".
Mời bạn tham gia cuộc thi "Kể chuyện về phở"
Ngày của phở 12-12 là chuỗi sự kiện do báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ năm 2017, phối hợp tổ chức cùng Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Năm nay, gala chuỗi sự kiện dự kiến tổ chức tại Nam Định từ ngày 10 đến 12-12, với sự phối hợp tổ chức của UBND tỉnh Nam Định, cùng sự đồng hành chính thức của Acecook Việt Nam, cùng các đơn vị đồng hành: No.1, Sasco, tương ớt CHINSU, Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5, Công ty Quân Phạm…
Báo phát động cuộc thi viết về phở với chủ đề "Kể chuyện về phở" từ ngày 28-10-2022 đến hết ngày 5-12-2022.
Đối với ba tác phẩm đoạt giải cao nhất trong vòng chung kết: Tác giả sẽ được mời ra Nam Định dự gala Ngày của phở 12-12 và sẽ thực hiện phần thi "Kể chuyện về phở" trực tiếp tại sự kiện, để ban giám khảo chọn ra người viết và kể chuyện về phở xuất sắc nhất.
Các giải thưởng sẽ được công bố tại gala chương trình Ngày của phở 12-12, diễn ra ngày 11-12-2022 tại Nam Định, bao gồm:
- 1 giải nhất cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" trị giá 10 triệu đồng.
- 1 giải nhì cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" trị giá 5 triệu đồng.
- 1 giải ba cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" trị giá 3 triệu đồng.
- 10 giải khuyến khích cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" trị giá 1 triệu đồng/giải.
Bài dự thi cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" vui lòng gửi về tòa soạn báo Tuổi Trẻ, ngoài bì thư ghi rõ tham gia Cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" (địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc gửi email theo địa chỉ: photrongtoi@tuoitre.com.vn.
Mời bạn xem thêm thể lệ tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận