Chiếc xe đẩy được một người đi siêu thị kém ý thức để nằm chắn ngang lối đi. Người này để xe rồi đi vào quầy rau thịt mua sản phẩm - Ảnh: Huỳnh Hà
1- Ý thức cộng đồng kém
Ở bãi giữ xe máy tại siêu thị, hình ảnh rất thường thấy là nhiều chiếc xe dựng "ngang ngạnh": Khi siêu thị vắng khách thì bắt gặp những chiếc xe không dựng ngay hàng thẳng lối mà nằm chình ình, ngang hoặc chéo đủ loại; còn khi siêu thị đông khách thì nhiều xe lại để tràn ra lối đi lại, gây bất tiện.
Tâm lý của nhiều người đi siêu thị là để xe ngay đầu cổng vào, không chịu khó xuống cuối vốn còn nhiều chỗ trống.
Cũng liên quan đến xe là chiếc xe đẩy hàng, nhiều người Việt khi đi siêu thị có thói quen "thích đâu để đó" chiếc xe đẩy của mình, thậm chí là vô tư, thoải mái để chắn ngang đường đi lại nhằm chạy tới nơi dùng thử sản phẩm hay lựa quần áo, gây rất nhiều phiền toái cho những người khác, đặc biệt giờ cao điểm.
Nhiều trường hợp người mua hàng còn đẩy xe ra tận bãi rồi để đó khiến bảo vệ vất vả tìm, đẩy vào (trong khi quy định ở nhiều siêu thị là không đẩy xe ra khỏi cửa siêu thị).
2- Xài hoang phí
Tại các cửa hàng rau, thịt trong siêu thị thường để túi nilông để khách đựng sản phẩm sau khi lựa chọn, cân ký.
Ở bên cạnh thường luôn có dòng chữ xin sử dụng tiết kiệm để cùng bảo vệ môi trường. Nhưng nhiều trường hợp, có người đi siêu thị "quên đọc" và dùng rất hoang phí: Lấy một dây 5-7 túi trong khi chỉ mua vài món đồ, mua ít đồ nhỏ nhưng lấy túi lớn.
3- Không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung
Sau khi sử dụng xe đẩy, nhiều người không có thói quen kiểm tra lại xem chiếc xe đẩy mình dùng có bị bẩn do nước cá, thịt… chảy ra hay không để lau cho khô, tiện cho người sau sử dụng. Họ cứ vô tư dùng, xong "vứt" đó cho người sau muốn dùng thì phải lau khô, hoặc "dính chưởng".
Hình ảnh không giữ vệ sinh chung còn thấy tại các quầy thử thực phẩm. Sau khi sử dụng, mặc dù có thùng rác để ngay cạnh nhưng không ít người vẫn không bỏ vào mà để đại vào quầy trưng bày sản phẩm khi đi "tham quan" thì nhiều mà "mua sắm" thì ít.
Tại các siêu thị có khu vực phục vụ ăn uống thì khỏi nói, rất nhiều người sau khi ăn xong không thu dọn "chiến trường" mình bày ra, cứ phó thác cho người dọn dẹp vốn dọn không xuể. Người sau muốn ngồi vào phải chờ đợi, hoặc phải lau, dọn nếu muốn được ngồi xuống sớm.
4- Hay tranh giành
Hình ảnh không hiếm gặp mỗi khi đi siêu thị ở Việt Nam là nhiều người rất thích tranh giành. Dễ thấy nhất là tại quầy tính tiền và tại các quầy đang có chương trình khuyến mãi hay dùng thử sản phẩm.
Cả dòng người chờ xếp hàng, đôi khi có người từ phía sau chen tới với lý do "cần ra gấp, có người chờ", "tôi mua ít sản phẩm nên xin được tính trước".
Còn tại các quầy dùng thử sản phẩm, khi món vừa ra là chen chúc nhau, không cần biết người trước người sau, người lớn, người nhỏ…
5- Bỏ đồ bừa bãi
Khi mới vào siêu thị, tâm lý của nhiều người là chọn, lấy rất nhiều hàng hóa cho vào xe đẩy, giỏ. Nhưng sau khi đi một vòng, nhiều món đồ cứ từ từ rời xe đẩy và nằm ở vị trí không phải ban đầu của nó, có thể là bánh nằm ở hàng quần áo, trái cây nằm quầy nước…
Tại các quầy tính tiền, rất dễ thấy nhiều hàng hóa được nhiều người để lại sau khi đã lựa chọn chúng, buộc siêu thị phải cử nhân viên tại các quầy tương ứng đi thu gom về.
Việc bỏ lại đồ bừa bài không chỉ gây khó cho các nhân viên siêu thị, mà còn có thể làm hư hại sản phẩm. Thậm chí, có những món đồ bậc phụ huynh để cho con mình chơi chán rồi bỏ lại chứ không mua về.
6- Thích xé bao bì để kiểm tra
Mặc dù thường có dòng chữ "xin đường xe bao bì", nhưng khi đi siêu thị chúng ta vẫn hay bắt gặp nhiều món đồ bị một số người thiếu ý thức xé, mở ra để kiểm tra bên trong.
Rất nhiều món hàng trong siêu thị bị rơi vào tình cảnh này: Trái cây trong hộp/túi, khoai lang, hành tỏi đựng trong các túi lưới…
7- Hay "ăn vặt" đồ trong siêu thị
Trường hợp này thường gặp với những người đưa trẻ con đi theo cùng. Khi vào khu vực bán trái cây, nhất là những trái nhỏ như nho, nếu để ý sẽ thấy nhiều người mẹ, hoặc bà lấy vội trái nho đựng trong cái túi/hộp đã bị ai đó xé, nhanh tay cho con ăn.
Một quầy hàng khác cũng thường xuất hiện hình ảnh "ăn vặt" là nơi bán bánh, kẹo, rau câu, các loại hạt bán kiểu cân ký. Đôi khi là do trẻ con đòi vì chúng thích, đôi khi do người lớn chủ động lấy để con cháu mình "dùng thử".
Khi đi siêu thị ngoài việc thích đâu thử đó, người Việt còn có tính xấu nào khác? Làm sao để ứng xử văn minh nơi siêu thị? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận