4. Những kỹ năng quan trọng nhất mà Giao dịch viên cần trang bị
4.1 Nắm vững kiến thức nền tảng trong ngành
Để trở thành một Giao dịch viên giỏi, bạn cần trang bị cho mình những kiến thức nền tảng trong ngành để có thể xử lý nhanh chóng các công việc hằng ngày và hạn chế được nhiều rủi ro trong quá trình làm việc. Cụ thể, bạn cần liên tục trau dồi và học hỏi các kiến thức về sản phẩm, dịch vụ tài chính của ngân hàng, nghiệp vụ giao dịch trên hệ thống, phân biệt tiền thật giả, Luật Ngân hàng,...
Ngoài ra, bạn cũng cần trang bị thêm nhiều kiến thức khác về thị trường tiềm năng, tâm lý khách hàng và đối thủ cạnh tranh,... để có thể phát triển được tư duy và thái độ phục vụ khách hàng tốt nhất.
4.2 Kỹ năng giao tiếp tốt
Là công việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng hằng ngày, Giao dịch viên cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp tốt để tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp. Kỹ năng này đòi hỏi bạn phải biết cách lắng nghe, thấu hiểu tâm lý của khách hàng và nhạy bén trong những vấn đề phát sinh. Khi sở hữu kỹ năng giao tiếp tốt, bạn có thể xử lý công việc hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng nhanh chóng đạt được những chỉ tiêu kinh doanh nhờ những mối quan hệ bền vững với khách hàng.
Giao dịch viên cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp tốt - Ảnh: Internet
4.3 Kỹ năng làm việc nhóm
Công việc của Giao dịch viên không vận hành riêng lẻ mà là một phần nhỏ trong cỗ máy vận hành của ngân hàng. Do đó, để cỗ máy này vận hành tốt thì mỗi Giao dịch viên không chỉ làm tốt phần việc của mình mà còn cần phải có tinh thần làm việc tập thể.
Chính vì vậy, khi rèn luyện được kỹ năng làm việc nhóm, bạn sẽ hoàn thành công việc tốt hơn nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ nhanh chóng thăng tiến hơn khi nhận được sự tin tưởng và tính nhiệm của cấp trên.
4.4 Kỹ năng thuyết phục "thượng đế"
Kỹ năng giao tiếp với khách hàng thực sự quan trọng trong việc thuyết phục và thúc đẩy hành vi người dùng. Khách hàng có trung thành với doanh nghiệp của bạn hay không rất cần đến yếu tố này.
Để cải thiện trải nghiệm khách hàng và phát triển tốt mối quan hệ giữa khách hàng và doanh nghiệp, các Giao dịch viên cần có một kịch bản giao tiếp chuẩn, rõ ràng, dễ chịu và thuyết phục. Lựa chọn đúng từ ngữ, biết cách giao tiếp bằng mắt, ngôn ngữ cơ thể phù hợp và làm chủ những gì bạn đang nói là những yếu tố quan trọng nhất để tạo nên kỹ năng thuyết phục khách hàng.
Dưới đây là 6 tiêu chí cần có của một giao dịch viên để thuyết phục khách hàng tốt nhất.
● Luôn tự tin và làm chủ giao tiếp.
● Truyền đạt đúng thông tin và nội dung trong hạng mục giao dịch.
● Sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, gần gũi và có ý nghĩa.
● Đừng quên truyền đạt thông tin bằng mắt và hình thể.
● Tôn trọng và luôn lắng nghe khách hàng bằng thái độ chân thành nhất.
● Luôn nói lời cảm ơn với khách hàng sau mỗi phiên giao dịch.
4.5 Kỹ năng giải quyết và xử lý tình huống bất ngờ
Trong ngành dịch vụ, việc đối mặt với các tình huống khó xử lý xảy ra bất ngờ là điều không thể tránh khỏi. Với vai trò là một giao dịch viên, các tình huống không hài lòng về cách làm việc, xử lý dịch vụ của khách hàng đối với các bạn giao dịch viên gần như không còn quá xa lạ. Vậy làm thế nào để có đủ kỹ năng xử lý trong những tình huống bất ngờ? Đừng bỏ qua 6 kỹ năng cần thiết dưới đây.
● Luôn sẵn sàng chấp nhận các tình huống khó xảy ra và chuẩn bị một tinh thần thoải mái để xử lý.
● Lên một số kịch bản xử lý hợp lý trong những tình huống cơ bản hay xảy ra.
● Có một thái độ tích cực và lắng nghe phàn nàn của khách hàng trước khi phản hồi.
● Nếu không xử lý được ngay hãy cảm ơn khách hàng và báo lại thời gian xử lý sau. (Lưu ý: phải nghiêm túc giải quyết khi đã hứa hẹn với khách).
● Tiếp thu ý kiến trước và sau đó giải quyết từng hạng mục để tránh tình huống quá căng thẳng xảy ra.
● Xem các tình huống bất ngờ là cơ hội để bản thân nâng cao kỹ năng xử lý rủi ro.
5. Yêu cầu công việc đối với việc làm Giao dịch viên
● Có bằng cử nhân các ngành Tài chính Ngân hàng, Kinh tế, Kế toán, Quản trị Kinh doanh,...
● Có ngoại hình khá: Nam có chiều cao từ 1.65m; Nữ có chiều cao từ 1.58m. Giọng nói dễ nghe, phát âm chuẩn, không ngọng hoặc nói tiếng địa phương.
● Tính cách thân thiện, hòa nhã, cẩn thận và yêu thích giao tiếp. Có kỹ năng bán hàng và tiếp thị sản phẩm là một lợi thế.
● Sử dụng thành thạo tin học văn phòng và các nghiệp vụ ngân hàng liên quan.
● Sử dụng thành thạo tiếng Anh và các ngoại ngữ khác là một lợi thế.
● Có tư duy logic trong công việc, biết cách kiểm soát cảm xúc và có tinh thần cầu tiến.
● Có kiến thức nền tảng về kế toán ngân hàng và thị trường tài chính.
6. Mức lương cơ bản của công việc Giao dịch viên
Dựa theo khảo sát dữ liệu mức lương từ 182 mẫu tuyển dụng Giao dịch viên tại Careerbuilder.vn, lương trung bình của Giao dịch viên dao động từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng/tháng và có thể cao hơn tùy theo năng lực của nhân viên và quy mô của ngân hàng.
Ngoài mức lương cơ bản trên, lương Giao dịch viên còn được hưởng thêm một khoản tiền khi đạt mục tiêu KPI của công việc. Do đó, tổng thu nhập của vị trí này hàng tháng có thể lên đến 20 triệu đồng khi đạt được những chỉ tiêu công việc do phòng và chi nhánh đặt ra.
Hơn thế nữa, các chế độ đãi ngộ và lương, thưởng cho nhân viên ngân hàng vô cùng hấp dẫn. Ngoài các quy định của Nhà nước về việc đóng các loại bảo hiểm, ngân hàng còn có nhiều chế độ đãi ngộ như lương tháng 13, thưởng lễ, Tết gấp 3 đến 6 lần tháng lương cơ bản. Nhờ những quyền lợi trên mà ngân hàng luôn nằm trong top những nơi làm việc đáng mơ ước nhất.
7. Các cấp bậc thăng tiến của Giao dịch viên
Thông thường, lộ trình thăng tiến của một Giao dịch viên sẽ diễn ra như sau:
● Đối với những người mới vào nghề từ 0 đến 2 năm đầu tiên, bạn sẽ làm ở vị trí Giao dịch viên.
● Sau đó từ 2 - 3 năm khi đã có kinh nghiệm và làm việc tốt, bạn sẽ được thăng chức lên làm kiểm soát viên.
● Khoảng từ 3 đến 5 năm làm việc tích lũy bề dày kinh nghiệm, bạn sẽ thi tuyển để được đề bạt lên chức trưởng phòng hoặc phó phòng Dịch vụ khách hàng.
● Trong khoảng thời gian từ 5 đến 7 năm, bạn có thể phấn đấu và rèn giũa kinh nghiệm để có đủ khả năng đảm nhận vị trí Phó giám đốc Vận hành.
● Tiếp theo khoảng từ 7 đến 9 năm, khi bạn đã có đủ năng lực và cơ hội thì Giám đốc chi nhánh sẽ là vị trí bạn cần theo đuổi.
Khi đã có cái nhìn tổng quan về lộ trình thăng tiến của Giao dịch viên, bạn sẽ có thể lập kế hoạch thực hiện và nỗ lực hành động cho mục tiêu của mình.
Thông qua bài chia sẻ về việc làm Giao dịch viên, CareerBuilder hy vọng bạn đã có được cho mình những thông tin cần thiết và chuẩn bị đầy đủ hành trang để ứng tuyển công việc Giao dịch viên tại Careerbuilder.vn nhé!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận