
Triệt phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả, thu lợi gần 500 tỉ đồng - Ảnh: TTO
Công bố một đằng, sản phẩm một nẻo
Bước đầu cơ quan công an xác định từ tháng 8-2021 đến nay, Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP dược dinh dưỡng Hacofood Group đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại.
Trong đó, doanh nghiệp này sản xuất cả các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.
Cơ quan công an xác định sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Các thành phần công bố như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó... Song thực tế hoàn toàn không có những chất này.
Các nghi phạm đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung một số chất phụ gia. Trong khoảng 4 năm, các nghi phạm đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỉ đồng.
Thông tin này khiến người tiêu dùng hoang mang, đặc biệt các loại sữa dành cho cả phụ nữ có thai, trẻ sinh non…
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng Việt Nam, về mặt hàm lượng dinh dưỡng thì những loại sữa kém chất lượng, sữa giả có thể không đảm bảo cung cấp đủ năng lượng hoặc các vitamin và khoáng chất như bảng thành phần trên vỏ hộp.
Cũng theo cơ quan chức năng, những loại sữa mà hai công ty này sản xuất dù công bố chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo… nhưng thực tế không có trong sản phẩm.
Điều này khiến người tiêu dùng lầm tưởng về hàm lượng dinh dưỡng có trong sữa, bỏ qua việc bổ sung từ các nguồn thực phẩm khác. Do đó, khi sử dụng loại sữa này, người già, trẻ nhỏ có nguy cơ cao bị thiếu hụt dinh dưỡng hoặc suy dinh dưỡng.
"Đồng thời nếu quy trình sản xuất, đóng gói không khép kín và đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, sữa rất dễ bị nhiễm các vi khuẩn và nấm mốc khiến người sử dụng gặp các vấn đề như rối loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, dị ứng, thậm chí ngộ độc", bác sĩ Sơn cho hay.
Làm sao để nhận biết sữa kém chất lượng?
Hiện nay, sữa là nguồn dinh dưỡng thiết yếu trong chế độ ăn hằng ngày, nhất là đối với trẻ nhỏ và người già.
Để phân biệt sữa đảm bảo chất lượng và sữa kém chất lượng, sữa giả, người tiêu dùng nên lưu ý, thường những loại sữa giả chỉ quảng cáo và bán trên mạng xã hội, hầu như không quảng cáo trên các phương tiện truyền thông chính thống và các nền tảng đáng tin cậy.
"Khi mua sữa, nên đọc kỹ các thông tin trên bao bì, vỏ hộp như: tên sản phẩm, tên và địa chỉ, các số điện thoại liên hệ của nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu và phân phối, hạn sử dụng, bảng thành phần dinh dưỡng. Nếu là sữa nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Nếu thấy bao bì sản phẩm in lem nhem, không sắc nét hoặc có dấu hiệu bị tẩy xóa hoặc hộp bị móp méo… thì tuyệt đối không nên mua loại sữa này", bác sĩ Sơn khuyến cáo.
Bên cạnh đó, khi mở hộp sữa hoặc pha sữa, người tiêu dùng có thể quan sát và phân biệt sữa đảm bảo chất lượng và sữa kém chất lượng thông qua các dấu hiệu sau:
- Sữa thật thường có màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ, độ mịn cao, không bị vón cục. Khi pha, sữa thường tan chậm và các hạt sữa thường lơ lửng trong cốc, không bị lắng cặn.
- Sữa chất lượng kém thường có màu vàng đậm hơn hoặc màu trắng, vị thơm gắt. Khi pha, loại sữa này thường tan nhanh, lắng xuống đáy cốc.
Đối với các loại sản phẩm sữa kém chất lượng, không đúng thành phần như công bố, theo các chuyên gia, người tiêu dùng rất khó nhận biết, chỉ khi cơ quan chức năng kiểm nghiệm cụ thể từng thành phần sữa mới có thể phát hiện.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận