26/10/2019 14:14 GMT+7

50% kháng sinh sử dụng trong bệnh viện không hợp lý

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - 'Nhiều trường hợp sử dụng kháng sinh không cần thiết trên bệnh nhân không bị nhiễm khuẩn, nghi nghi là xài, hoặc xài theo kiểu dự phòng', Trưởng khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) chia sẻ.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) chia sẻ thực trạng kháng kháng sinh - Video: HOÀNG LỘC

Đó là khuyến cáo của bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) tại hội thảo thách thức mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm, do Hội truyền nhiễm TP.HCM tổ chức sáng 26-10.

Theo bác sĩ Hùng, thực trạng kháng kháng sinh hiện nay đang là vấn đề bức bách của toàn cầu. Việc này kéo theo hàng loạt nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm, nhiễm khuẩn trong bệnh viện, chi phí điều trị và tỉ lệ tử vong của người bệnh.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, giai đoạn từ năm 2014 - 2050 có khoảng 300 triệu người tử vong do kháng kháng sinh.

Tại Việt Nam, các thống kê cho thấy lượng kháng sinh được nhập khẩu và sản xuất tại trong nước có chiều hướng tăng hàng năm. "91% phụ nữ nông thôn và 88% phụ nữ ở thành thị thừa nhận thường xuyên mua thuốc kháng sinh ở các tiệm thuốc tây để điều trị cho con.

Và phần lớn các sản phẩm nông sản của nước ta nhập khẩu vào các nước châu Âu khi bị trả về đều có nguyên nhân lớn từ việc dư lượng thuốc kháng sinh quá cao so với mức cho phép", bác sĩ Hùng nói.

50% kháng sinh sử dụng trong bệnh viện không hợp lý - Ảnh 2.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) - trình bày chủ đề kháng kháng sinh tại hội thảo - Ảnh: HOÀNG LỘC

Theo thống kê có tới hơn 50% kháng sinh sử dụng trong các bệnh viện hiện nay không hợp lý. "Có nhiều trường hợp sử dụng kháng sinh không cần thiết trên bệnh nhân không bị nhiễm khuẩn, chỉ nghi nghi là xài hoặc xài theo kiểu dự phòng.

Kế đến là sử dụng kháng sinh không thích hợp khi bác sĩ chọn sai yếu tố, sai liều và sai thời điểm. Đặc biệt việc sai này thường xảy ra ở khối ngoại khoa", bác sĩ Hùng phân tích.

Trình chiếu một bức ảnh có nội dung con vi khuẩn đang bao vây và bóp cổ người bệnh, bác sĩ Hùng cảnh báo trong bối cảnh kháng sinh mới được sản xuất ra ngày càng giảm và tỉ lệ đề kháng kháng sinh của vi khuẩn càng tăng, nếu không có sự quản lý, sử dụng kháng sinh tốt thì tương lai con người đối diện với nguy cơ bệnh tật rất lớn.

Từ năm 2009, Bệnh viện Chợ Rẫy xây dựng được mạng lưới quản lý kháng sinh. Và đến năm 2015 đơn vị có các dữ liệu về vi sinh, bằng chứng hóa học trong việc sử dụng kháng sinh không hợp lý nhằm kịp thời điều chỉnh, phòng chống.

Thông qua việc quản lý, hướng dẫn kháng sinh nghiêm ngặt theo từng loại bệnh, bệnh viện đã tăng mức tỉ lệ điều trị thành công cho bệnh nhân tăng mức 90%.

Đặc biệt, từ khoảng 2014 - 2018 đơn vị giảm tỉ trọng sử dụng kháng sinh trong bệnh viện từ 30% xuống còn 15%, giúp tiết kiệm chi phí cho bệnh viện là 117 tỉ đồng.

Thành lập Hội truyền nhiễm TP.HCM

Sáng cùng ngày, Hội truyền nhiễm TP.HCM chính thức thành lập do bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới làm chủ tịch.

Bác sĩ Vĩnh Châu chia sẻ: "Bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng là một thách thức bất tận đối với y học và nhân loại. Mong muốn khi ra đời, hội sẽ trở thành nơi tập hợp cùng nâng cao trình độ thực hành chuyên môn, đạo đức và nhiệt huyết với nghề... góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân".

Đến nay, toàn TP.HCM có 70 hội chuyên khoa trực thuộc Hội Y học TP.HCM.

Một virút tự nhiên chống lại vi khuẩn kháng kháng sinh Một virút tự nhiên chống lại vi khuẩn kháng kháng sinh

TTO - Một loại vi-rút có khả năng chống vi khuẩn kháng kháng sinh hữu hiệu được tìm thấy trong tự nhiên ở hồ Connecticut đã cứu mạng một bệnh nhân 80 tuổi bị nhiễm trùng tim.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên