5 trọng tâm quan trọng của nhiệm kỳ vừa qua được khẳng định: Xây dựng Đảng - phòng chống tham nhũng; Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cấp chiến lược; Phát triển kinh tế - xã hội; Chủ động xây dựng chính sách để tận dụng cơ hội mới từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số; và Chủ động xây dựng môi trường khu vực hòa bình và ổn định.
Tùy mỗi góc nhìn và cách đánh giá khác nhau, các trọng tâm trên đều đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Từ đầu nhiệm kỳ, chính sách "đốt lò" phát huy tác dụng trong việc răn đe cán bộ, siết lại kỷ cương trong Đảng.
Phát triển kinh tế - xã hội và chủ động xây dựng môi trường khu vực hòa bình và ổn định là hai trọng tâm xuyên suốt cả nhiệm kỳ.
Có lúc nổi lên qua những hoạt động, các chỉ số, những kết quả từ việc thực hiện thành công "mục tiêu kép" cuối năm 2020, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong suốt nhiệm kỳ hay những lúc tình hình tranh chấp Biển Đông căng thẳng, chiến tranh thương mại, công nghệ Mỹ - Trung leo thang, các vòng đàm phán, ký kết hiệp định thương mại tự do (tiêu biểu nhất là Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam) kết thúc và được ký kết. "Trầm trầm mà cương quyết" trong mọi tình huống, trong mọi vấn đề đã giành về kết quả tích cực cho quốc gia.
Đột phá thể chế để tận dụng những làn sóng công nghệ mới, quan trọng nhất là chuyển đổi số trong 2 năm vừa qua tạo đà cho những bước đầu tiên. Kết quả này không chỉ thể hiện qua các chương trình, dự án, đề án, sáng kiến được triển khai bởi các cơ quan trung ương như Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Kế hoạch và đầu tư mà còn là sự thẩm thấu, thay đổi tư duy cũng như hình thành các quan điểm, cách tiếp cận, mô hình mới từ gốc rễ xã hội.
Các không gian ươm tạo, chương trình chuyển đổi số, mô hình kinh doanh mới manh nha mỗi ngày, mỗi tuần ở các thành phố lớn. Tại các diễn đàn giáo dục - hướng nghiệp, đặc biệt ở môi trường đại học tại TP.HCM và Hà Nội, khởi nghiệp và công nghệ số không còn là ngôn từ thời thượng, mà đang trở thành một định hướng sự nghiệp nghiêm túc.
5 năm sắp tới, 5 trọng tâm này sẽ tiếp tục là chiến lược. Sự tiếp diễn không phải là lặp lại cơ học cái cũ, ngược lại: đó là phát triển những nền tảng được tích lũy, bồi đắp để vươn lên một vị thế khác, vững chãi và sâu sắc hơn.
Từ cái "nếp" đã hình thành, cơ chế quản trị trong Đảng được kỳ vọng tiếp tục thể chế hóa theo hướng ngày càng kỷ cương, minh bạch và tạo thêm nhiều không gian cho cơ chế trách nhiệm giải trình. Kinh tế sẽ vào giai đoạn "cất cánh" nếu tận dụng được các xu thế dịch chuyển lớn về sản xuất từ khu vực, đi kèm với các chính sách đón đầu làn sóng về công nghệ, phát huy nguồn lực con người đang còn tiềm năng của đất nước.
Hòa bình và ổn định trong khu vực là xu thế; điều này cần sự chủ động của một Việt Nam với trọng lượng cả bằng lời nói lẫn qua sức mạnh tổng hợp để cùng định hình cấu trúc an ninh mới tại châu Á - Thái Bình Dương.
"Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay". Đầu năm 2021, câu nói của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định được giá trị hơn bao giờ hết. Và điều này chắc chắn tiếp tục mang một ý nghĩa dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong những năm sắp tới!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận