21/01/2021 16:12 GMT+7

Tăng kiểm soát quyền lực với cơ quan chống tham nhũng

B.NGỌC
B.NGỌC

TTO - Khẩn trương hoàn thiện quy định về tăng cường kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Tăng kiểm soát quyền lực với cơ quan chống tham nhũng - Ảnh 1.

Ông Phan Đình Trạc phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TẠ ANH HƯNG

Ông Phan Đình Trạc - bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Nội chính trung ương - nêu trong phát biểu kết luận Hội thảo "Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng - Thực trạng và giải pháp", do Ban Nội chính trung ương tổ chức ngày 21-1, tại Hà Nội.

Trưởng Ban Nội chính trung ương thống nhất với 6 giải pháp kiểm soát quyền lực được các đại biểu đề xuất tại hội thảo.

Đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện, thực hiện nghiêm quy định của Đảng về công tác tổ chức, cán bộ; thực hiện dân chủ trong Đảng; chế độ tự phê bình và phê bình; trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng.

Tiếp đến, hoàn thiện, thực hiện nghiêm quy định về công chức, công vụ, bảo đảm chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, chú trọng kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ.

Thứ ba, khẩn trương hoàn thiện các quy định về tăng cường kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Một nội dung nữa là tập trung rà soát, ban hành mới hoặc sửa đổi những quy định không thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Thứ năm, thực hiện nghiêm túc các trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để ngăn chặn lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.

Cuối cùng là thực hiện nghiêm các quy định về báo chí, thông tin để vừa phát huy vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan báo chí.

Ông Trạc cũng cho rằng các nguyên tắc cơ bản, nền tảng để kiểm soát quyền lực là mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc chặt chẽ với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó.

Bên cạnh đó, cần quy định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu...

Cùng quan điểm trên, GS.TS Tạ Ngọc Tấn - nguyên ủy viên Trung ương Đảng, phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận trung ương - cho rằng để chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng các chế định pháp lý.

Quyền lực càng cao, trách nhiệm càng nặng nề, mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để vụ lợi phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc, GS.TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Tấn cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế.

Một số quy định về quản lý kinh tế - xã hội sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng để tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu, đầu tư công, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nhiều quy định về định mức, tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật lạc hậu, chưa sát với thực tế, dễ dẫn đến tham nhũng, lãng phí.

Phòng chống tham nhũng: Không có vùng cấm, bất kể là ai! Phòng chống tham nhũng: Không có vùng cấm, bất kể là ai!

TTO - Dựa vào kết quả đạt được và sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác phòng, chống tham nhũng không thể "tụt lùi", "đảo ngược", mà chỉ có thể làm tốt hơn thôi, phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.

B.NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên