12/12/2016 11:26 GMT+7

5 biện pháp giúp trẻ phòng ngừa và vượt qua bất trắc

NGUYỄN VĂN CÔNG
NGUYỄN VĂN CÔNG

TTO - Làm cách nào để giúp trẻ tránh xa nguy cơ bị bắt cóc? Đối diện với tình huống nguy hiểm trẻ cần làm gì? Khi bị thất lạc xử lý ra sao?... dưới đây là các tư vấn cần thiết của thạc sĩ tâm lý Nguyễn Văn Công.

Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang hướng dẫn các em học sinh tiểu học kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em - Ảnh: LÊ THANH TRUNG

Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 vào sáng 10-12 của Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em như hiếp dâm giao cấu, dâm ô với trẻ em chiếm tỷ lệ 70% trong các vụ xâm hại trẻ em.

Báo cáo 5 năm qua của ngành công an có hơn 8.000 vụ xâm hại trẻ em, có đến 9.000 nạn nhân.

Đáng chú ý là nạn nhân bị xâm hại ở lứa tuổi rất bé; bị xâm hại nhiều lần, kéo dài, nhiều vụ, thủ phạm xâm hại trẻ em là nhiều đối tượng khác nhau thậm chí là người thân trong gia đình…

Clip phòng chống xâm hại tình dục trẻ em - Nguồn Youtube

Những nguyên nhân gây ra ở góc độ khách quan do sự tác động của đời sống kinh tế xã hội, bùng nổ thông tin tác động; và nguyên nhân chủ quan từ nhận thức, thái độ và trách nhiệm của gia đình, cha mẹ cộng đồng, các cơ quan chứa năng, giáo dục truyền thông và chính bản thân các em…

Vấn đề bảo vệ trẻ em là việc làm cần được quan tâm thường xuyên, đúng cách, đặc biệt là việc giúp cho trẻ có những kỹ năng bảo vệ an toàn trước những nguy cơ bắt trắc như bị bắt cóc, đe dọa, tấn công, xâm hại tình dục và giết hại. ..

Để giúp các gia đình tránh khỏi sự bất an, lo lắng, giúp trẻ chủ động ứng phó trước những tình huống bất trắc, các bậc cha mẹ cần chú ý trang bị cho trẻ những cách thức xử lý cần thiết nhằm tránh bị xâm hại hoặc bị bắt cóc, giết hại.

1. Biết chủ động từ chối một cách dứt khoát

Dạy trẻ không nhận tiền, quà hoặc nhận sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lí do (kể cả người xa lạ lẫn những người hàng xóm quen biết nhất là khác giới) và chưa được sự cho phép của cha mẹ. Khi tiếp xúc với người lạ hãy nhắc nhở trẻ tuyệt đối không được nghe lời người lạ.

Không ở trong phòng một mình với người khác giới, không tự ý đi một mình nơi tối tăm, vắng vẻ đi một mình sang nhà người khác mà không có người lớn đi cùng.

2. Biết nhận diện với tình huống nguy hiểm

Tình huống nguy hiểm là tình huống khi trẻ rơi vào hoàn cảnh như đi lạc, bị người khác lừa gạt, khi ở nhà một mình, nhận quà người khác, bị kẻ xấu bắt, trói, nhốt vào nơi kín.

Đó cũng có thể là những tình huống bị người khác đe dọa cố gắng đụng chạm, sờ mó vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của trẻ hoặc yêu cầu trẻ đụng chạm vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của họ hoặc muốn chụp hình, quay phim, vẽ các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của trẻ.

3. Hãy đề phòng cảnh giác

 Cha mẹ cũng luôn phải dạy con cảnh giác với những người làm thuê, người giúp việc, những người hàng xóm, không chơi một mình đặc biệt khi các em tiếp xúc với các đối tượng nghiện hút, túng thiếu, đánh bạc, cá độ, có biểu hiện sống khép kín với cộng đồng.

Không để cho người lạ ôm hôn hay chạm vào mình. Cần biết cắt đuôi nếu thấy có dấu hiệu bị theo dõi. Cảnh giác với bất cứ hành vi nào có dấu hiệu xâm hại và bạo lực.

4. Kỹ năng xử lý khi bị lạc

 Tốt nhất hãy đứng yên tại chỗ, hoặc không di chuyển quá xa vị trí cũ bởi có thể người thân đang tìm kiếm, không nên gào khóc, la lối, tỏ thái độ sợ sệt mà bình tĩnh từng bước nhớ số điện thoại của bố mẹ và địa chỉ gia đình, tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người đáng tin cậy như cô chú công an, bác bảo vệ, người làm việc ở quầy thu ngân...

Tuyệt đối không được tin tưởng người lạ để theo họ đi tìm cha mẹ. Có thể đó chính là cơ hội để người xấu lợi dụng xâm hại tình dục hoặc bắt cóc để tống tiền, giết hại, bán ra nước ngoài…

Phát biểu tại diễn đàn, bà Đào Hồng Lan- Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH cho biết: “Chủ đề tháng hành động vì trẻ em của năm 2017 là “Phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” với niềm tin sẽ góp phần tác động vào nhận thức của cộng đồng, được mọi người chung tay hành động bảo vệ trẻ em trước vấn nạn đau lòng này”]

5. Bình tĩnh xử lý trong trường hợp gặp nguy hiểm

 Dạy trẻ không bao giờ được giữ bí mật những điều có nguy cơ bất trắc đối với bản thân. Im lặng chính là “nối giáo” cho hành vi thất đức, bất nhân của kẻ xấu. Khi có sự cố hãy tìm cách gọi điện cho lực lượng phản ứng nhanh (113) hoặc hotline bảo vệ trẻ em quốc gia 18001567.

Nếu khi bị kẻ xấu bắt cóc và tấn công thì dạy trẻ hãy phục tùng chúng, nhưng không ngừng quan sát, tìm cơ hội lúc kẻ xấu sơ hở để chạy thật nhanh hoặc la hét thật lớn để cầu cứu những người xung quanh.

Nên chú ý rằng do sự chênh lệch về tuổi tác, kinh nghiệm và sức khỏe nên có thể sự phản kháng của trẻ sẽ không đem lại kết quả, thậm chí còn khiến kẻ xấu nóng giận và có hành vi manh động, sử dụng bạo lực gây hại cho bản thân.

Trong trường không có sự hỗ trợ của người khác trong khi lại bị xấu xâm hại hoặc tấn công (trong rừng, khu vực vắng vẻ, bị giam trong nhà…) thì hãy hướng dẫn con dùng sự nhanh trí, linh hoạt quan sát xem những điều kiện xung quanh có lợi cho mình và kết hợp kỹ năng cần thiết “tùy cơ ứng biến” mới có thể giúp trẻ thoát thân và lẫn trốn an toàn (như dùng vật nhọn để tấn công vào chỗ hiểm, dùng cát ném vào mặt… rồi nhanh chóng tẩu thoát).

Các phụ huynh luôn thấu hiểu và tâm niệm điều này: trẻ em luôn luôn là nạn nhân dù muốn hay không. Trong tất cả các tình huống bị xâm hại tình dục, bị tấn công, bắt cóc…không bao giờ là lỗi của trẻ. Vì thế, khi con thổ lộ hãy lắng nghe một cách chân thành. Đừng bao giờ lên án, chì chiết, mắng mỏ, luận tội và đổ hết mọi tội lỗi cho trẻ. Bởi cách làm đó chỉ khiến trẻ dễ bị rơi vào những tình huống bất trắc, nguy hiểm hơn mà thôi.

 

NGUYỄN VĂN CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên