Tám người thuộc ba thế hệ gia đình ông Nguyễn Văn Xuân phải sống trong căn nhà 12 mét vuông - Ảnh: Nam Trần |
“Nhiều lần các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo thành phố tiếp xúc với cử tri, tôi đã đề nghị nếu thu hồi đất triển khai dự án chúng tôi sẵn sàng ủng hộ, nhưng phải trả lời rõ năm nào thu hồi chứ không phải ban hành quyết định thu hồi rồi “ngâm” ở đó. Còn nếu không triển khai dự án thì phải phục hồi các quyền lợi cho người dân như những khu dân cư khác. Chúng tôi sống trong tâm trạng bất ổn, chịu nhiều thiệt thòi, khổ sở suốt 45 năm như thế đủ lắm rồi |
Ông NGUYỄN HỮU CĂN |
“Cảnh sống ở đây thì... không ra gì trong những căn nhà cấp 4 xập xệ” - ông Trần Thế Long, nguyên tổ trưởng dân phố 4B P.Thanh Nhàn, nói.
Lệnh cấm bốn không
Người dân ở đây tự gọi cuộc sống của mình là “cuộc sống bốn không” hoặc “bốn treo”, đó là: 1) có nhà đất mà không được cấp sổ đỏ, 2) không được xây sửa nhà, 3) không được tách hộ khẩu, 4) không được nhập hộ khẩu.
Lý do: khu dân cư trên “lỡ” nằm trong quy hoạch của công viên Tuổi Trẻ, nhưng hàng chục năm qua dự án này không triển khai.
Làm tổ trưởng dân phố 4B P.Thanh Nhàn từ những năm 1976, ông Long kể đã chứng kiến rất nhiều cảnh sống khổ và nhiều lần nghe người dân bộc bạch bức xúc của gia đình về cuộc sống “bốn treo” từ khi có quy hoạch dự án công viên Tuổi Trẻ từ những năm 1970.
Nhưng lực bất tòng tâm, ông tự nhận mình cũng chỉ mang được những bức xúc đó kêu tới phường mà nhiều năm qua không giúp được gì khác.
“Kể từ ngày có quy hoạch và sau khi có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án, chỉ những năm đầu dự án triển khai một số hạng mục, sau đó hàng chục năm nay không làm thêm cái gì.
Vì khu dân cư số 4 lỡ nằm trong quy hoạch, đã có quyết định thu hồi đất nên nhà tôi và toàn bộ các hộ dân khu dân cư số 4 đều phải chịu lệnh cấm bốn không ấy” - ông Long kể.
Vì chịu lệnh cấm vô hình nên nhiều gia đình phải chấp nhận cuộc sống chen chúc.
“Như nhà tôi có tới sáu người lớn, một trẻ nhỏ chui ra chui vào trong căn nhà cấp 4 vẻn vẹn 17m2. Nhiều lần tôi làm đơn lên UBND phường xin đập bỏ nhà cấp 4 xây thành hai tầng, nhưng xin cứ xin mà không ai giải quyết... Cuối cùng đành làm thêm cái gác xép để mở rộng chỗ chui ra chui vào” - ông Long bực mình.
Bi đát hơn cả nhà ông Long, ít ai nghĩ giữa thủ đô vẫn có những gia đình có diện tích sống bó hẹp tới mức chỉ 1,5m2/đầu người, nhưng vài chục năm qua gia đình ông Nguyễn Văn Xuân (nhà số 257, ngõ 281 Trần Khát Chân) vẫn phải chấp nhận cuộc sống như thế.
Ở tuổi 72, gia đình ông Xuân lâu nay cả ba thế hệ cùng chui ra chui vào trong căn nhà cấp 4 cỡ 12m2. Căn nhà này cũng có niên sử cỡ vài chục năm vì theo ông Xuân, rất nhiều năm qua không được cải tạo, sửa chữa gì.
“Nhà tôi có tám nhân khẩu - sáu người lớn và hai cháu nhỏ. Nếu chấp hành đúng thì chỉ có mỗi căn nhà cấp 4 một tầng, nhưng không ở nổi đành phải làm thêm cái gác xép. Chừng đó diện tích thì bảo nhau mà nằm, còn ban ngày có ai đến lại thu dọn làm chỗ ngồi” - ông Xuân rầu rĩ.
Nhà ông Xuân cũng thuộc diện không có bếp, không cả nhà vệ sinh.
“Giá như họ cho tôi xây tạm hai tầng, tầng dưới vừa làm chỗ nghỉ vừa làm phòng khách, vừa làm thêm được cái nhà vệ sinh... Cũng may mới đây phường “tháo” cho cái tách khẩu, được tách từ một hộ sang hai hộ để bớt tiền điện lũy tiến”.
Giấc mơ sổ đỏ và sự cầu cứu vô vọng
Nhiều năm giữ chức trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư số 4 P.Thanh Nhàn, ông Đinh Xuân Tế khẳng định cuộc sống của người dân khu dân cư số 4 vô cùng thiếu sự công bằng.
“Họ vẫn sống, vẫn thực hiện các nghĩa vụ đóng góp chẳng thiếu khoản nào, nhưng quyền lợi được hưởng như có đất dù đóng thuế đầy đủ, kể cả đất của cha ông để lại bao đời nay nhưng muốn có cái sổ đỏ chỉ là giấc mơ.
Người dân chủ yếu là nghèo, muốn xây và sửa sang cái nhà nhưng xin không được, cố làm thì bị lập biên bản, dọa cắt điện nước, muốn tách - nhập cái hộ khẩu cũng phải làm ngấm ngầm...” - ông Tế nói.
Ông Tế khẳng định không phải người dân không muốn chấp hành. Rất nhiều người chấp hành làm đơn xin xây dựng lại nhà cửa, dù là nhà tạm, nhưng xin mãi cũng không được.
Thậm chí trong khu dân cư từng có chuyện người dân phản ứng khi phường định tháo gỡ phần cơi nới nhà của một người mù.
“Anh Hoàn là người mù. Nhà tôi và nhà anh ấy chung số nhà. Diện tích 12m2 nhà của anh ấy là do tôi bán cho. Vậy mà khi anh ấy có con, muốn làm thêm cái tum nhưng bị ngăn cản suốt” - bà Dương Thị Sinh, khu dân cư số 4, kể.
Theo ông Tế, trường hợp nhà anh Hoàn là điển hình của việc xin sửa nhà không được và khi sửa chữa thì bị coi là vi phạm.
“Nhiều lần tôi hỏi các cấp vi phạm đó là do ai, có phải do người dân không? Thực tế đâu phải người dân không muốn xin giấy phép xây dựng, vì xin trong vô vọng nên mới phải vi phạm. Như trường hợp anh Hoàn vì khó khăn về chỗ ở mới phải cơi nới thêm.
Vậy nên khi phường kêu tôi tới vận động anh ấy tháo dỡ, tôi nói luôn tôi chấp nhận mất uy tín mà không làm việc đó” - ông Tế chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hữu Căn (nhà số 2C, ngõ 98 Kim Ngưu), chuyện người dân khu dân cư số 4 P.Thanh Nhàn bị “treo” nhiều quyền lợi đã được người dân mang đơn cầu cứu các nơi nhưng đến nay vẫn vô vọng.
“Đơn gửi đi nhiều, nhưng câu trả lời thất vọng nhất mà chúng tôi nhận được ở mọi chỗ là dự án đã được duyệt. Chúng tôi hỏi nhiều cấp dự án đã duyệt thì bao giờ triển khai nhưng không cấp nào trả lời được, không ai nói năm nào sẽ thu hồi đất của chúng tôi” - ông Căn phân trần.
Tháo gỡ? Mang những bức xúc, nỗi khổ của người dân khu dân cư số 4 đến hỏi lãnh đạo P.Thanh Nhàn, ông Triệu Như Long - phó chủ tịch UBND P.Thanh Nhàn - thừa nhận việc người dân không được cấp sổ đỏ, không được xây và sửa nhà ở là có thật. “Vì dự án công viên Tuổi Trẻ đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2001, trong đó có khu dân cư số 4 nên theo quy định không đủ điều kiện cấp sổ đỏ, xây dựng mới cũng không được. Phường chỉ được phép giải quyết cho cải tạo nhà cửa chống sập, chống dột. Còn chuyện nhập - tách hộ khẩu cũng rất khó khăn” - ông Long lý giải. Ông Long cũng thừa nhận dự án công viên Tuổi Trẻ nhiều năm qua không triển khai, việc thu hồi đất gần như chỉ trên giấy và người dân nhiều lần kiến nghị đưa khu dân cư số 4 ra khỏi dự án. Ông Long cho biết mới đây nhất, trong cuộc tiếp xúc cử tri của bí thư Thành ủy Hà Nội, cử tri P.Thanh Nhàn tiếp tục kiến nghị thành phố sớm xem xét, trả lời cụ thể về dự án công viên Tuổi Trẻ. “Mới đây thành phố cũng đã có chỉ đạo tìm hướng tháo gỡ. Trước mắt UBND phường đang phối hợp với Sở Quy hoạch - kiến trúc khảo sát hiện trạng, lấy ý kiến người dân khu dân cư số 4. Tới đây sau khi tổng hợp ý kiến của người dân, khi nêu quan điểm của phường, chúng tôi sẽ kiến nghị các cấp xem xét, nếu tiếp tục triển khai dự án thì trả lời rõ cho người dân năm nào thu hồi đất chuyển người dân đi. Còn nếu chưa thực hiện dự án thì tạo điều kiện cho người dân xây dựng nhà ở, cấp sổ đỏ, tách - nhập hộ khẩu” - ông Long nói. Còn theo ông Lâm Anh Tuấn - phó chủ tịch UBND Q.Hai Bà Trưng, sau khi cử tri khu dân cư số 4 kiến nghị với bí thư Thành ủy về việc bị “treo” quyền lợi, dự án công viên Tuổi Trẻ không triển khai và đề nghị đưa khu dân cư này ra khỏi vùng quy hoạch, bí thư Thành ủy đã có chỉ đạo phải xem xét, giải quyết dứt điểm, thấu đáo nguyện vọng của người dân. Ông Tuấn cho biết việc tháo gỡ vướng mắc của người dân đã được Sở Quy hoạch - kiến trúc đại diện liên ngành đề xuất UBND thành phố theo hướng rà soát, xác định lại tính khả thi của dự án, xác định rõ nguồn vốn, điều chỉnh lộ trình thực hiện dự án liên quan đến việc thu hồi đất. Theo ông Tuấn, đây là phương án điều chỉnh phân kỳ thực hiện dự án để điều chỉnh quyết định thu hồi đất. Theo đó, phương án này sẽ tạo điều kiện cho quận có đủ thẩm quyền giải quyết những kiến nghị của người dân nằm trong ranh giới dự án cũng như đảm bảo các quyền lợi của người dân trong vùng dự án. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận