Phóng to |
Bà Lan và tờ quyết định ly hôn của Tòa án nhân dân quận Tân Phú. Ly hôn nhưng nỗi đau và sự tổn thương chưa thể lành lặn trong tâm hồn người phụ nữ ấy - Ảnh: My Lăng |
Nói về nỗi đau vừa trải qua, giọng bà bình thản, bình thản đến lạ ở một người phụ nữ luôn chịu bất hạnh, thiệt thòi. “Chẳng hay ho gì chuyện vợ chồng tan đàn xẻ nghé, nhưng nói thật khi ly dị được ông ấy tôi lại còn thấy mừng. Tôi đã khóc nhiều rồi, bây giờ không còn nước mắt mà khóc nữa. Chỉ nghĩ đến hai đứa con lại thấy thương chúng thôi”, bà Lan bảo.
Một nữ cán bộ phường Phú Thạnh không nén được cái thở dài khi nói với người viết: “Đây là trường hợp điển hình trong bạo hành: người chồng kiểm soát về kinh tế. Ngay cả ngôi nhà vợ chồng mua từ sau ngày cưới nhưng là giấy tờ tay, đứng tên chồng nên khi ra tòa không thể phân xử được. Bây giờ chị vợ và hai đứa con đang tạm ở nhờ, ông ấy thích đuổi đi lúc nào là phải đi. Chúng tôi thấy rất thương nhưng cũng không thể làm gì được”.
Không ăn một bữa, trừ 10.000 đồng
Mâu thuẫn vợ chồng của bà Lan và ông P.N.H. (52 tuổi) đã kéo dài 21 năm nay nhưng hành động đẩy người phụ nữ ấy vào con đường cùng là khi người chồng kiểm soát toàn bộ tài chính kể từ năm 2012. Tất cả tiền cho thuê phòng hằng tháng ông H. đều thu hết. “Từ đầu năm 2012, ai xuống đóng ổng kêu từ nay đóng tiền cho ổng, đóng cho tui là ổng đuổi”, bà Lan cho biết. Từ đó mỗi ngày ông H. chỉ phát cho vợ 100.000 đồng để đi chợ mua thức ăn, gạo cho ba bữa ăn cùng tất cả những thứ linh tinh thiết yếu nhất cho cuộc sống: bột giặt, sữa tắm, dầu gội đầu... của bốn nhân khẩu. Thời buổi giá cả đắt đỏ từng ngày, ông vẫn chỉ đưa cho vợ ngần ấy tiền, mặc bà muốn xoay sao thì xoay.
“Ổng chỉ đưa có trăm ngàn mà tui phải lo một ngày ba bữa bốn người ăn nên ăn uống phải hà tiện. Nhiều bữa nhìn mâm cơm mà tui xót, nghẹn đắng cổ nuốt không trôi vì thương con ăn uống cực khổ quá. Bữa nào ăn canh cua thì chỉ mua đậu hũ xốt cà chua. Vậy mà ổng ngồi tính: ăn như vầy tiền chợ còn dư. Ổng không đưa tiền nữa, nhờ người ta đi chợ. Được một thời gian tụi nhỏ ăn không nổi, toàn đồ gì đâu: thịt heo nọc, gà thì toàn ức gà xương xẩu... Cuối cùng ổng phải đưa tiền lại cho tui đi chợ”, bà Lan não nề kể.
Ngày nào ông H. không ăn, bà phải gửi lại cho ông 10.000 đồng một bữa. Có khi ông đi nhậu với bạn quên không báo nhưng khi về vẫn bắt bà đưa lại 10.000 đồng. “Có lần ổng đưa 100.000 đồng và bảo hôm nay không ăn tối, bà trừ tiền tôi ra. Tui đưa lại ổng 10.000 đồng. Ổng bắt tui đưa thêm 2.500 đồng nữa. Tui không chịu vì tiền đâu tui bù tiền chợ. Tui đang nấu nước sôi đổ bình thủy rồi đi chợ, ổng lấy chân đá một cái vào hàm. Máu me ra đầy miệng, tui sợ quá chạy qua nhà cô Dung tổ phó làm bên Hội Phụ nữ phường trình bày, nhờ cổ can thiệp. Cổ đi chợ, không có nhà. Tui cũng ngậm miệng máu vậy đi chợ. Trưa về vẫn phải lo cơm nước đàng hoàng cho ổng.
Chiều tui qua gặp cô tổ phó, cổ kêu phải đi bệnh viện khám. Đi khám, bác sĩ bảo bị rách môi dưới, sưng hàm. Tui về đưa sổ khám bệnh cho cô Dung, cổ kêu sẽ báo Hội Phụ nữ phường 1g chiều đến làm việc. Khi họ đến thì ổng đã trốn đi đâu mất tiêu đến hai ngày sau mới về. Trong hai ngày đó tui phải mượn tiền mua đồ cho tụi nhỏ ăn”, bà Lan rớm nước mắt khi thuật lại câu chuyện trong ngày 21-3-2012 ấy. Mấy ngày liền bà không ăn được, chỉ uống nước cháo vì cằm sưng húp, đau buốt. Nuốt đau. Nói cũng đau. Bác sĩ cho uống thuốc hai tuần. Bà kể với mẹ chồng, mẹ bảo thôi con ráng chịu đi, mẹ mà nó còn dám bóp cổ huống gì con. Bà nói với mẹ đẻ, mẹ đẻ bảo: mẹ nó nó còn dám đánh, con lánh đi cho yên cửa yên nhà. Cuối năm 2012, ổng không ăn cơm ở nhà, chỉ đưa 50.000 đồng. Tôi vẫn phải lo ăn uống đàng hoàng cho con cái”, bà Lan kể.
Từ đầu năm 2013 đến tận ngày ly dị, người chồng cắt hẳn tiền đưa vợ đi chợ. “Ổng nói hai đứa nó (con trai lớn P.Q.Huy (20 tuổi), con gái P.T.B.Lý (18 tuổi)) theo bà thì bà nuôi. Tụi nó lớn tự kiếm ăn không cần ai nuôi! Con mình sao mình để nó chết đói. Tui phải vay mượn tiền của bạn bè, người thân và hứa khi nào con trai ra trường đi làm sẽ trả. Người ta thương nên giúp đỡ”, bà Lan chảy nước mắt bảo.
Con trai lớn của bà đang là sinh viên năm 2. Mỗi lần đóng tiền học cho con (gần 10 triệu đồng/2 học kỳ), bà phải vay mượn khắp nơi. “Có lần tui nói ổng nhưng ổng không đưa. Con trai hỏi thì ổng nói hết tiền, mày ở với bả thì nói bả đóng cho mày. Từ đó nó không dám, không muốn hỏi ổng. Sinh viên năm 2 mà nó vẫn đạp xe đi học. Tui không làm gì ra nhiều tiền mà mua xe máy cho con đi đỡ cực”, bà Lan nói. Mỗi ngày bà chỉ kiếm thêm được 20.000 đồng từ tiền cân đường, bột ngọt thuê. Bà chỉ làm được hai tiếng rồi xin về vì đau lưng không ngồi lâu được.
Mâu thuẫn về tiền bạc đã dai dẳng hơn 20 năm sau ngày cưới nhưng trở nên căng thẳng, ngột ngạt từ đầu năm 2012. “Ổng có bồ, cứ thấy tôi ở nhà là kiếm chuyện gây gổ, chửi bới suốt - bà Lan cho hay - Ổng kêu đồ đạc trong nhà là của ổng mua, đừng có đụng chạm vào! Tối ổng đóng thùng đi chơi, nhìn lịch sự lắm. Về là lại hằn học. Đêm nào họ cũng nhắn tin cho nhau. Trưa cũng nhắn tin, gọi điện. Tui cứ nghĩ ổng không dám ly dị vì đã lớn tuổi lại có hai đứa con nên ráng nín nhịn cho yên cửa yên nhà. Vậy mà ổng tự nộp đơn ra tòa, về không nói gì với tui hết. Tới ngày 25-6-2012 tòa mời lên làm việc tui mới biết. Con trai lớn tui hỏi bố đi với người ta thì đi, mẹ có nói gì đâu, sao bố lại ly dị mẹ? Ổng biểu: ly dị mẹ mày tao mới làm giấy kết hôn được!”. Tấm ảnh phóng kỷ niệm 10 năm ngày cưới hồi chị gái bà Lan mở tiệm cưới, phóng tặng cho tấm ảnh, ông đập bể. Những tấm ảnh gia đình, ảnh hai đứa con, ông xé toạc!
Trắng tay
“Tui yêu cầu tòa chia nhà nhưng tòa chia không được vì căn nhà đó không có sổ hồng sổ đỏ gì, chưa hợp thức hóa. Hồi mua là giấy tay năm 1999 mà chỉ có ổng đứng tên. Vợ chồng sống tin tưởng nhau. Có ai ngờ ổng bỏ mình đâu. Cái nhà bây giờ là của ổng rồi. Giờ tui mất trắng. Ba mẹ con tui ở nhờ thôi. Giờ chẳng còn tình cảm gì với nhau mà cứ ở chung một nhà như vậy cũng khó coi. Hai đứa nhỏ cũng không có tinh thần học. Ổng cứ canh cái giờ mình đang làm vệ sinh cá nhân buổi sáng là nhào vô cằn nhằn: điện nước ở đây không phải của chùa đâu nha. Tôi nín không nói vì mới sáng cãi nhau ỏm tỏi mệt mỏi lắm. Ổng đòi tiền điện tiền nước hoài, cạn tình cạn nghĩa hơn cả người dưng”.
Chia tay. “Tài sản” lớn nhất của bà là hai đứa con. Không nhà. Không đất. Tiền bạc cũng không. Không thể thuê nổi một căn phòng, bà bảo sắp tới sẽ đưa cả hai con về nương nhờ mẹ ở đường Khuông Việt (P.Phú Trung). “Tui theo đạo nên sợ có tội, không dám ly dị, với lại còn con cái nữa - bà Lan tâm sự - Hôm ổng đá vô cằm, tui quyết định ly dị. Nhưng qua gặp ba má, ba má khuyên: thôi con ạ, bên đạo mình không cho ly dị. Tui cũng nguôi ngoai. Ai ngờ một thời gian sau thì ổng bỏ mình. Sau này tui nghĩ thôi xin Chúa tha tội cho con chứ sống như thế này không sống nổi. Thà không chồng mà cái tâm thanh thản còn hơn có chồng mà cắn răng chịu đựng...”.
Thẩm phán Trần Vũ Thanh Phương (TAND quận 8, TP.HCM): Người phụ nữ thường bị thiệt thòi! Pháp luật quy định tài sản làm ra trong thời kỳ hôn nhân là của chung vợ chồng. Tuy nhiên, trong nhiều vụ ly hôn tương tự, thường người phụ nữ luôn bị thiệt thòi bởi lối suy nghĩ ích kỷ của người chồng, cho rằng tiền bạc do mình làm ra, chỉ coi vợ không khác gì người quản gia, giúp việc, đi chợ nấu cơm hằng ngày nên cương quyết đòi hết tài sản về mình. Cũng vì tranh chấp tài sản mà có nhiều người vợ đã bị chồng bạo hành, đánh đập hoặc chí ít cũng chửi mắng, đối xử tàn tệ. Mục đích của những người chồng này cũng chỉ là muốn dứt tình, ly hôn với vợ để đến với người phụ nữ khác. Tôi từng giải quyết một vụ án người vợ vì không muốn mất hết tài sản, tay trắng ra khỏi nhà do nhà đất, xe cộ chồng đứng tên hết nên không đồng ý ly hôn và bi kịch là đã bị chồng bạo hành, đánh đập hằng ngày. Đến nỗi người bố chồng phải đến tận tòa án đề nghị tòa giải quyết cho hai con ly hôn thật nhanh. Nếu không, có nguy cơ xảy ra hậu quả đáng tiếc cho con dâu khi bị chồng đánh mỗi ngày. |
Kỳ tới: Phiên tòa đẫm nước mắt
____________
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Phòng trưng bày “có một không hai” Kỳ 2: Nhật ký của một bác sĩ Kỳ 3: 12 năm sống trong sợ hãi Kỳ 4: Tuổi thơ, lằn roi và nước mắt Kỳ 5: Tận cùng tàn độc Kỳ 6: Người đàn bà và cái huyệt trong nhà Kỳ 7: Chết dưới tay chồng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận